Vụ vứt cha già 87 tuổi ra lề đường: "Tính Chí Phèo của dân mình lớn quá

Thứ hai, 17/09/2012, 07:20
"Tôi thật sự thấy sợ hãi trước sự vô cảm của xã hội. Nó như là cái bệnh dịch hạch đã ăn vào não của chúng ta”, nhà văn Y Ban tâm sự.

>>Vụ đẩy bố ra nằm lề đường: Điều gì giữ con người không "hóa thú" ?
>>Vụ đẩy cha già ra nằm lề đường: Con cái đều là người nhiều tiền nhiều chữ
>>Tấn trò đời buốt lạnh lòng hiếu mùa Vu Lan!
>>Vụ vứt cha già 87 tuổi ra lề đường: Cô cháu gái lên tiếng

"Sự việc khiến người ta sửng sốt, căm phẫn"

Nhà văn Y Ban mở đầu những chia sẻ của mình: “Câu chuyện của cụ ông Ngô Vi Nhân khiến tôi liên tưởng đến một câu chuyện cũng đau lòng không kém liên quan đến tình máu mủ.

Một người đàn ông trở về sau cuộc chiến tranh. Ông có rất nhiều huân chương gắn trên ngực. Những tấm huân huy chương lấp lánh như vàng nhưng lại không phải là vàng thật. Ông có gia đình, có con cái nhưng lại nghèo xác xơ. Con cái ông phải mưu sinh rất chật vật để kiếm miếng cơm manh áo qua ngày.

Tuổi già ập đến, bệnh tật ập đến quật ngã người lính dạn dày sương gió nơi trận mạc năm nào. Ông nằm bẹp dí trên giường bệnh và đơn độc một mình. Ông thấy trơ trọi, cô đơn và khát khao tình thân.

yban.jpg - 47.54 KB

Nhà văn Y Ban

Một ngày, ông gọi tất cả những người con của mình đến bên giường, đưa ra một chiếc hộp và nói, trong hộp là tất cả những tài sản ông đã tích lũy được và ông sẽ chia đều cho tất cả những đứa con của mình sau khi ông chết. Lúc đó, những người con bắt đầu đổ xô vào chăm sóc bố. Và quả nhiên, những ngày tháng đau bệnh cuối đời của ông được chăm sóc cẩn thận hơn, sống trong vòng tay của những người con ruột thịt của mình.

Ông mất! Chôn cất bố xong những người con họp lai, gọi chính quyền địa phương đến chứng kiến và mở chiếc hộp. Nhưng thật bất ngờ, trong hộp không có bất cứ một xu, một cắc nào mà chỉ toàn là huy chương lấp lánh và một bức thư.

Ông cụ viết: “Chỉ có những thằng bố ngu mới cho con tất cả”. 

Vậy đấy! Một người cha đã phải dùng mánh lới để đổi về sự quan tâm, chăm sóc của những đứa con mình rứt ruột đẻ ra lúc cuối đời. Đau lòng không!?...”

“Cuộc sống này có quá nhiều những câu chuyện đau lòng như thế. Sự việc một ông cụ 87 tuổi gần đất xa trời, ốm đau bệnh tật bị con gái ruột đẩy ra vỉa hè, con dâu cả “cấm cửa” phải nằm phơi nắng, phơi mưa hơn 10 tiếng đồng hồ trên vỉa hè phố Núi Trúc khiến người ta sửng sốt và căm phẫn.

Quá đau lòng! Không có bất cứ một lí do nào có thể bao biện cho những hành vi ấy. Ai nhìn vào thì cũng nhận thấy đó là một gia đình vô phúc. Nếu họ là những người biết suy nghĩ, biết nhận thức đúng sai, biết đau lòng,… thì chắc chắn đã không có câu chuyện đau lòng ấy xảy ra”
, nhà văn Y Ban nói.

Họ đang "ăn mặn"...

Cũng theo nhà văn Y Ban, “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. 

Nhà văn chia sẻ:“Các cụ đã dạy: “Ai mà chửi mẹ mắng cha, chết xuống âm phủ leo qua cầu vồng”, “biết sống đến mai để củ khoai đến tối”… Luật nhân quả luôn luôn tồn tại. “Đời cha ăn mặn đời con khát nước”. Họ khát nước ngay đấy, không phải chờ đến đời con cái họ đâu. Khi họ bị trả giá, họ cũng sẽ kêu rên, la lối và chửi rủa cuộc đời. Thế nhưng, tại cái thời điểm họ làm những việc khiến cả xã hội phải lên án, họ lại không biết rằng, họ đang “ăn mặn” và sẽ bị trả giá như thế nào…

Họ không kịp nhìn thấy cái giai đoạn họ cũng sẽ già như chính người cha của họ bây giờ. Những đứa con của họ rồi cũng sẽ đối xử với họ như chính họ đã đối xử với cha mẹ mình lúc này…”


Con cái, phúc đấy mà cũng là họa đấy…

“Ai lấy vợ, lấy chồng cũng mong có 1 mụn con. Người ta gọi con là phúc nhưng “phúc họa tày gang”. Phúc đấy mà cũng là họa đấy. “Anh em trong nhà oan gia họp mặt”. Người may mắn đẻ ra con, người không may mắn lại đẻ ra quỷ. Con cái cũng là cái nợ cả đời của cha mẹ.

Thế nhưng, bất luận ở trong hoàn cảnh nào, con cái cũng không thể bạc đãi cha mẹ. Đó không chỉ vi phạm đạo làm con mà còn phạm đạo làm người. Người già còn cái gì nữa đâu. Tiền không, sức khỏe không, trí tuệ không… Đẩy họ ra đâu thì họ phải ở đó. Anh em hòa thuận, yêu thương nhau thì “chín bỏ làm mười”, không hòa thuận, không yêu thương nhau thì thành mười một, mười hai… 

Nhưng chính những người già cũng phải nhìn nhận lại xem đã nuôi dạy con cái như thế nào. Chúng ta đã nuôi dạy con cái tử tế chưa?...”

 
luu1.jpg - 42.45 KB

Không có bất cứ một lí do nào có thể bao biện được cho hành vi thất đức này của những người con. “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, “cơm vợ thì ngon, cơm con thì nhục”, “phúc họa tày gang”, “anh em trong nhà oan gia họp mặt” - Nhà văn Y Ban

Tính Chí Phèo, A.Q của dân mình lớn quá!

“Càng sống, càng đi nhiều, gặp gỡ nhiều, tôi lại càng thấy cái tính Chí Phèo, tính A Quy của người dân mình lớn quá! Tôi chưa giải thích được là họ bế tắc hay họ như thế nào. Thế nhưng, tất cả đã trở thành một hiện tượng xã hội, một trào lưu sống vô cùng đáng báo động.

Tại sao hàng xóm, tại sao chính quyền, tại sao các đoàn thể không lên tiếng và có những hành động cụ thể ngay tức khắc khi chuyện xảy ra? Tại sao họ lại chỉ đứng bên ngoài mà nhìn, mà chỉ trỏ, bình phẩm?

10 tiếng đồng hồ, chẳng lẽ không đủ dài? Tại sao chúng ta vẫn để cụ nằm trên vỉa hè phơi nắng, phơi mưa như thế? Phải chăng căn bệnh vô cảm đã bắt đầu ăn vào máu, vào não và trở thành căn bệnh trầm kha của xã hội hiện đại?

Tôi thật sự thấy sợ hãi trước sự vô cảm của xã hội. Nó như là cái bệnh dịch hạch đã ăn vào não của chúng ta”, nhà văn Y Ban tâm sự. 

Cái chết chính trong mỗi gia đình là cái sự “đóng cửa bảo nhau”

Nhà văn Y Ban cũng chỉ ra rằng, con người sống trong xã hội hiện đại phải đối diện và chịu đựng quá nhiều áp lực, sự bức bối. Đôi khi những đứa con, cha mẹ già chính là nạn nhân của những áp lực và bức bối đó. Mỗi gia đình cần phải có những quy ước hay còn gọi là luật pháp trong gia đình. Đã là một gia đình, sự tôn ti, trật tự, trên dưới phải được đề cao tuyệt đối. Nhất quyết không thể có chuyện con cái bạc đãi bố mẹ, bố mẹ hành hạ con cái… 

“Cái chết chính của các gia đình hiện nay là cái quan niệm “đóng cửa bảo nhau” , tâm lí sợ “vạch áo cho người xem lưng”. Cái ác cứ tiếp tục bùng phát. Xã hội của chúng ta toàn sự đã rồi. Điều quan trọng bây giờ là phải thay đổi cách nhìn nhận của xã hội đi”, bà khẳng định.

Cần có luật pháp trong gia đình

Theo ý kiến của nhà văn Y Ban, sự việc của cụ Ngô Vi Nhân là chuyện đã rồi. Điều quan trọng và bức thiết nhất lúc này là tìm ra phương pháp trung hòa, giải quyết mọi mâu thuẫn để những câu chuyện nhói lòng này không còn tái diễn.

Bà nhận định: “Trong cuộc sống hiện đại, không ít những người làm cha, làm mẹ không biết cách ứng xử đã vô tình đẩy những người con của mình vào tội bất hiếu. Nhiều ông bố, bà mẹ cứ nghĩ rằng, làm di chúc, chia cho con tất cả những tài sản của mình là đã xong phần trách nhiệm và sẽ nhận về những sự an vui tuổi già bên con cháu lúc cuối đời.

Thế nhưng, họ lại không biết rằng: “Nhà của cha mẹ là nhà của con cái nhưng nhà của con cái lại không phải nhà của cha mẹ”. Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta lại có câu: “Cơm vợ thì ngon, cơm con thì nhục”, “bố mẹ có thể nuôi được 10 người con nhưng 10 người con chưa chắc nuôi được 1 bố mẹ”, “nước mắt chảy xuôi”, …”


“Chúng ta cần những giải pháp để ngăn chặn chứ không cần sự “thương vay khóc mướn” sau khi chuyện đã rồi. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Chúng ta có nói mãi, có chỉ trích mãi thì cũng không thay đổi được điều gì. Sự đã rồi. Để thay đổi thì phải có sự can thiệp của luật pháp”, nhà văn nhấn mạnh.

 
Theo GDVN

Các tin cũ hơn