Ngày 24/1/2013, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài được thành lập theo Điều 287 và Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Chiến nêu rõ:
“Lập trường nhất quán của Việt Nam là các vấn đề liên quan đến Biển Đông cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
Bãi cạn Scarborough - tâm điểm căng thẳng tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc |
Việt Nam cho rằng các quốc gia hoàn toàn có quyền lựa chọn các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.”
Trước đó, hôm 22/1, Philippines đã công bố việc đưa tranh chấp ra tòa án trọng tài quốc tế theo Công ước về luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982, mà cả Philippines và Trung Quốc đều là các bên ký kết.
Theo Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, "Philippines đã cạn kiệt hầu như mọi con đường chính trị, ngoại giao, đàm phán để giải quyết hòa bình các tranh chấp hàng hải với Trung Quốc để có thể thương lượng hòa bình giải quyết tranh chấp với Trung Quốc".
Trong đệ trình của Manila lên Tòa án quốc tế, Philippines đã khẳng định rằng cái gọi là “đường chín đoạn” theo tuyên bố của Bắc Kinh, trong đó bao gần như toàn bộ Biển Đông, gồm cả vùng lãnh hải lẫn các đảo gần những nước láng giềng là bất hợp pháp theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Đệ trình cũng đề nghị Trung Quốc “ngừng những hành động trái pháp luật xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Philippines theo UNCLOS 1982.”
Theo Petrotimes