3.000 tỷ đồng và chuyện "sính gái... bài nam"

Thứ sáu, 08/03/2013, 07:22
Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử: "Chính sách ưu tiên một cách trực tiếp với trẻ em gái nói riêng và nữ giới nói chung sẽ càng hằn sâu thêm suy nghĩ, quan niệm con gái là thấp kém hơn con trai".

Tôi hơi bị sốc

Sẽ có khoảng 3.000 tỷ đồng để thực hiện Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2013 - 2020 do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đề xuất, trong đó có hỗ trợ tiền cho các gia đình sinh con gái một bề. Quan điểm của ông thế nào về điều này?

- Trước hết, cần phải thấy rằng, theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2009, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam là 110,6 bé trai/100 bé gái và đang tiếp tục gia tăng (trong khi tỷ số này ở mức bình thường nằm trong khoảng 104 - 106/100). Do đó, tôi cho rằng, trong tình hình như vậy thì nên tích cực tìm kiếm các giải pháp mang tính chất đột phá có tác dụng  ngăn chặn sự mất cân bằng này.

Nếu không, hệ quả của nó trên nhiều phương diện sẽ rất lớn, ấy là sự phát triển không có tương lai và thiếu bền vững khi hàng triệu nam thanh niên sẽ không lấy được vợ, không có gia đình riêng trong vài chục năm tới. Còn số tiền 3.000 tỷ đồng kia cũng không thể nói là nhiều hay ít. Cái tôi quan tâm nhất là người ta sẽ chia như thế nào, chia cho những ai?

Ông vừa bảo đây là một giải pháp mang tính đột phá?

- Đúng. Thậm chí tôi còn hơi bị sốc.

Vì sao ông lại "sốc"?

Có lẽ phản ứng đầu tiên của tôi thiên về cảm tính khi nghĩ đến cảnh hai đứa trẻ cùng sinh ra ở hai gia đình mà bố mẹ chấp hành chính sách dân số tốt như nhau, thế nhưng đứa thì được Nhà nước hỗ trợ tiền còn đứa thì không vì bố mẹ cháu "trót" sinh 1 trai, 1 gái. Đó là sự không công bằng! Và nếu gia đình sinh 1 trai, 1 gái là hộ nghèo, còn gia đình sinh 2 con gái là hộ giàu thì lại càng không hợp lý!

ho tro

GS.TS Nguyễn Đình Cử, giảng viên cao cấp Viện Dân số và Các vấn đề xã hội,trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Nếu khát vọng con trai: Thưởng tiền triệu cũng ít

Nhưng thưa ông, việc quản lý Nhà nước thì không thể theo cảm tính, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà chúng ta đang phải đối mặt với những nguy cơ rất lớn từ sự mất cân bằng giới tính khi sinh?

- Quản lý không thể theo cảm tính! Nhất là một chính sách liên quan đến tâm tư, tình cảm của hàng triệu gia đình và tiêu tốn kinh phí lớn thì nên cẩn trọng. Nó phải trả lời được những câu hỏi cốt yếu đặt ra cho chính sách, giải tỏa được những băn khoăn hiện nay trong dư luận.

Cụ thể, những câu hỏi cốt yếu cùng những băn khoăn ấy là gì, thưa ông?

- Thứ nhất là đối tượng được hưởng thụ chính sách này. Những người sinh 2 con gái được tính từ bao giờ? Hằng năm, có hàng chục vạn gia đình sinh đứa thứ hai là con gái, trong đó nhiều gia đình tự nguyện, kinh tế khá giả và hạnh phúc. Do đó, sự khuyến khích của Nhà nước là không cần thiết, thậm chí là gây bức xúc cho họ.

Thứ hai là tính công bằng, tính hợp lý như tôi vừa chỉ ra ở trên. Chưa kể, việc hỗ trợ tiền, thậm chí cả một hệ thống chính sách ưu tiên một cách trực tiếp với trẻ em gái nói riêng và nữ giới nói chung sẽ càng hằn sâu thêm suy nghĩ, quan niệm con gái là thấp kém hơn con trai (vì thế mới cần động viên, hỗ trợ).

Thứ ba là hỗ trợ bao nhiêu? "Nhiều không có, ít thì không thông". Với những gia đình có khát vọng con trai, đây là đối tượng chính gây nên mất cân bằng giới tính khi sinh thì bao nhiêu cũng là ít, thậm chí là thưởng cả tiền triệu.

Thứ tư, độ tuổi sinh đẻ của chị em phụ nữ kéo dài đến khoảng 49 tuổi. Giả sử, một phụ nữ sinh con đúng theo kế hoạch thì 27 tuổi đã có hai con. Nếu thưởng cho họ ngay thì ai đảm bảo rằng hơn 20 năm nữa họ không thay đổi ý định sinh con? Khi ấy có đòi lại tiền không? Có khi lại là chủ đề để dư luận phê phán chính sách thưởng tiền của Nhà nước.

Có vẻ ông nghi ngờ về hiệu quả của đề xuất này?

- Không phải chỉ có tôi mà nhiều người nghi ngại về tính hiệu quả của chính sách này nếu nó được ban hành. Nếu gọi là tạo động lực kinh tế thì quá nhẹ rồi vì chắc chắn không có nhiều tiền đâu, còn bảo hỗ trợ về tinh thần thì cũng khó, không thấm vào đâu so với những người mắc "bệnh di truyền" khát con trai.

Không thể nôn nóng!

Như ông cũng thừa nhận, trong tình hình hiện nay thì nên tích cực tìm kiếm các giải pháp mang tính chất đột phá để ngăn chặn sự mất cân bằng giới tính. Vậy sao ta không bắt tay vào thực hiện đi, dù là những giải pháp tình thế như thế này thay vì cứ ngồi đó mà nói "không nên làm", "không hiệu quả"?

- Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta đã khá rõ ràng và đang tăng lên. Thế nhưng, không thể nôn nóng đưa ra bất kể giải pháp nào theo kiểu "cứ làm một cái gì đó còn hơn không", bởi cuộc sống đã cho chúng ta thấy nhiều khi "làm còn tệ hơn không".

Hơn nữa, đây là một chính sách liên quan đến hàng triệu gia đình và đòi hỏi một khoản ngân sách không nhỏ nên không thể thí nghiệm theo kiểu sai - sửa - sai - sửa... mãi. Tất nhiên, chính sách dù có điều tra, nghiên cứu thận trọng đến đâu thì cũng ẩn chứa rủi ro nhưng phải tính toán kỹ để hạn chế rủi ro.

Nghĩa là, đề xuất này cũng thuộc dạng "cứ làm còn hơn không"?

- Tôi không có ý đó mà chỉ muốn các nhà hoạch định chính sách, chí ít cũng giải đáp rõ ràng những băn khoăn nói trên. Còn cá nhân tôi cho rằng nên dừng lại.

Nếu bỏ đề xuất này thì theo ông, chúng ta cần phải làm gì để ngăn chặn mất cân bằng giới tính khi sinh?

- Vấn đề đầu tiên là không nôn nóng và đừng kỳ vọng ngày một ngày hai là giải quyết được tình hình vì khát vọng có con trai đã ăn sâu trong nếp nghĩ của người dân từ hàng trăm năm nay.

Đồng thời, cần thực hiện đột phá ở ba nhóm giải pháp chính: Về mặt pháp luật, cần hoàn thiện cơ sở luật pháp liên quan đến vấn đề này, đặc biệt là cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý thật nghiêm, thật nặng, thông báo rộng rãi các trường hợp cố tình lựa chọn giới tính thai nhi theo các quy định hiện hành của pháp luật.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác truyền thông để dần xóa bỏ tư tưởng "trọng nam, khinh nữ". Thứ ba, cần tạo thêm điều kiện để phụ nữ phát triển. An sinh xã hội nói chung và an sinh xã hội cho người cao tuổi nói riêng cũng ảnh hưởng tới nhu cầu sinh con trai. Đáng tiếc là lĩnh vực này ở nước ta chưa phát triển.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Theo Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2013 - 2020, sẽ có nhiều hỗ trợ cho các gia đình sinh con một bề là gái như hỗ trợ tiền mặt, con gái của các gia đình này sẽ được miễn giảm học phí, ưu tiên cộng điểm trong các kỳ thi cao đẳng và đại học, được ưu tiên học nghề, xin việc... Đề án này đã được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trình Thủ tướng xem xét và hiện đang được lấy ý kiến của các bộ, ngành.

Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn