Clip quảng bá du lịch xấu
Vào những tháng cuối năm 2012, dư luận đã xôn xao về clip du lịch Nha Trang do một công ty du lịch Hàn Quốc thực hiện. Trong gần 3 phút, Nha Trang hiện lên với bãi biển trong xanh, hình ảnh ấn tượng của chùa Long Sơn, tháp Bà Ponagar, đảo Hòn Tằm... Hai du khách xứ Kim chi thích thú khám phá cuộc sống của người dân, thưởng thức những món ăn ngon, chơi thể thao, ở các khu nghỉ dưỡng cao cấp...
Nhìn những hình ảnh đẹp mắt, thơ mộng đến ngỡ ngàng trong clip ấy không ít người đã chạnh lòng cho các clip quảng bá du lịch do Việt Nam thực hiện.
Bãi cát trắng trải dài ôm lấy nước biển xanh mát đẹp mắt trong clip quảng bá du lịch Nha Trang của Hàn Quốc. |
Ngay sau đó, Lãnh đạo Tổng cục Du lịch đã lên tiếng giải thích nguyên nhân không thể làm được các clip đẹp để quảng bá là do thiếu kinh phí. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hoàng Thị Điệp cho biết, cơ quan này mong muốn có nhiều clip hay để quảng bá tại các thị trường lớn song kinh phí hạn hẹp nên không có sản phẩm như mong muốn.
Theo đó, do trình độ làm phim của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu, muốn có được 1 clip đẹp mắt phải thuê người nước ngoài làm và như vậy thì chi phí sẽ rất lớn.
Ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế trả lời VNE cho biết: "Đúng là một phần thiếu kinh phí, chúng ta đã phải huy động các nhà làm phim tài liệu, phim truyện đi làm phim quảng cáo, còn nếu thuê người nước ngoài làm thì rất là đắt. Vì ta sẽ phải chi tiền vé máy bay, tiền ăn ở, chi phí sáng tác, làm bối cảnh…
Với chương trình quảng bá trên CNN trong 3 tháng, mỗi ngày phát clip 30 giây cộng với chi phí làm clip để trình chiếu, tổng cộng phải chi 160.000 USD. Lần sau họ tăng giá lên 200.000 USD."
"Chính phủ mỗi năm đầu tư xúc tiến du lịch là 50 tỷ đồng (tương đương 2,5 triệu USD). So với các nước là quá nhỏ, như Malaysia đầu tư 80 triệu USD, Thái Lan 70 triệu USD, và Singapore gần 60 triệu USD. Tôi có hỏi dò lãnh đạo ngành du lịch Malaysia về kinh phí làm clip Truly Asia thì họ cho biết đã đầu tư khoảng 1 triệu USD." - ông Tình cho biết thêm.
Tuy nhiên, có không ít độc giả phản đối cho rằng vấn đề quan trọng nhất không phải là tiền, làm clip quảng bá đẹp giống như công ty lữ hành của Hàn Quốc không khó. Việc các clip quảng bá du lịch Việt thường phải đi nhờ nước ngoài làm hộ, nhiều ý kiến cho rằng đó là do "đầu tư không đúng chỗ".
"Đầu tư thì có nhưng không đúng chỗ. Giao cho mấy chỗ lạc hậu làm nhìn giống mấy clip rẻ tiền, thiếu sự trẻ trung, hấp dẫn. Trên thực tế các đạo diễn trẻ làm MV ca nhạc chất lượng hiện nay chắc chắn có thể làm được" - một số độc giải bức xúc khẳng định.
Cửa hàng Việt từ chối khách Việt
Nhà hàng Cát Vàng bị phản ứng vì không đồng ý phục vụ khách người Việt |
Đầu năm 2013, dư luận cả nước đã vô cùng bức xúc khi có thông tin nhà hàng Cát Vàng ở Mũi Né từ chối không phục vụ khách Việt.
Trong biên bản làm việc với cơ quan chức năng, ông chủ nhà hàng đã không ngại nói rằng sở dĩ không phục vụ người Việt là do người Việt xấu tính. “Tôi đã thống kê rồi. Chưa tới 1% người Việt vào mua hàng. Nhưng hễ cứ có người Việt vào là thể nào cũng có chuyện với nhân viên của tôi, trong khi giao dịch chẳng được gì. Vì vậy tôi không phục vụ người Việt đã 2-3 năm nay rồi”.
Hơn nữa, theo thông tin từ rất nhiều độc giả cung cấp thì còn nhiều nơi cũng có thái độ tương tự với người Việt. Độc giả Iliom phản ánh trên TNO: "Không chỉ nhà hàng Cát Vàng, một số resort ở Mũi Né cũng từ chối người Việt với lý do hết chỗ. Thật đáng buồn, văn hóa du lịch ở đây chắc có vấn đề."
Trước sự việc trên, không ít người đã đặt câu hỏi không hiểu các hoạt động quản lý, xây dựng văn hóa du lịch được thực hiện như thế nào, các khoản đầu tư của Nhà nước được chi tiêu vào những hoạt động gì mà khách du lịch phải chịu và chứng kiến những sự việc đáng buồn như trên.
Quảng bá cho du lịch Trung Quốc
Ảnh tượng Lạc Sơn Đại Phật (Trung Quốc) nằm ngay trong gian hàng chung Việt Nam tại Hội chợ du lịch quốc tế ITB 2013 diễn ra ở Berlin, CHLB Đức |
Và mới đây nhất là việc ngày trong gian hàng Việt Nam tham gia hội chợ du lịch lớn nhất thế giới đang diễn ra ở Đức có treo một bức ảnh giới thiệu địa danh du lịch nổi tiếng của Trung Quốc.
Sau đó, Tổng cục du lịch, đơn vị chụ trách nhiệm tổ chức gian hàng lại khẳng định sơ suất là do đơn vị thi công. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: "Sơ suất là do đơn vị thi công cùng lúc thi công nhiều gian hàng cho các nước khác nhau. Vì thế, họ đã sử dụng nhầm bức ảnh địa danh Trung Quốc của một gian hàng khác trên gian hàng của mình".
Hơn nữa ông Tuấn cũng khẳng định: "Ảnh chụp vào chiều 5/3 (do công ty thi công chụp để chiếu thử), Hội chợ du lịch quốc tế ITB khai mạc sáng 6/3 và tôi xin đảm bảo hình ảnh đó đã không hề xuất hiện trong những ngày hội chợ chính thức, cũng như không có một hình ảnh nào không phải của Việt Nam lọt vào mắt quan khách và người tham quan".
Trong khi đó, trên báo Thanh niên, giám đốc một công ty du lịch (yêu cầu không nêu tên) trực tiếp tham gia Hội chợ du lịch quốc tế ITB 2013 ở Đức cho biết, nhiều khách đã đến hỏi tour Trung Quốc sau khi trông thấy bức hình nói trên.
“Vì nhiều việc nên tôi không để ý nhưng thấy khách cứ hỏi mua tour Trung Quốc. Tôi bảo đây là gian hàng Việt Nam và chúng tôi chỉ bán tour đi Việt Nam thôi. Khách chỉ vào bức hình và nói đây là cảnh Trung Quốc mà. Nhục quá đi mất”, ông này nói.
Trước việc hàng loạt các vấn đề liên quan đến ngành du lịch xảy ra gần đây, nhiều người đã không khỏi thắc mắc liệu nguyên nhân có phải là do các cán bộ ngành du lịch thiếu cẩn thận và có trình độ chuyên môn chưa cao?
Theo Phunutoday