Xây dựng nhà hát giao hưởng và vũ kịch TP.HCM: Trong cái rủi, có cái may

Thứ hai, 01/04/2013, 17:03
Trong lúc tại TPHCM đang rộ lên nhiều luồng dư luận trái chiều về vị trí xây Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch ở công viên 23/9, thì nhu cầu xây dựng ngay một nhà hát âm nhạc hàn lâm sau bao năm “lưu lạc” đã lên đến đỉnh điểm.
Công viên 23/9
Công viên 23/9 - nơi dự kiến xây nhà hát tương lai.

Người ta quên mất rằng khu công viên này từng được thành phố cấp phép để xây một trung tâm thương mại cao 70 tầng, nhưng do suy thoái kinh tế mà đơn vị liên doanh đã rút lui. Trong cái rủi có cái may. Chính nhờ đó mà nhà hát mới có cơ hội tọa lạc tại khu đất vàng của thành phố.

Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu - Phó Chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư TPHCM - trao đổi quan điểm của ông về vấn đề này.

- Thưa ông, công viên 23/9 có phải là vị trí “đắc địa” để xây nhà hát?

- Trong một đô thị, những công trình văn hóa như công viên, bảo tàng, thư viện... luôn luôn được đặt ở những vị trí trân trọng nhất, lịch sự nhất. Ngay ở Hà Nội hay TP.HCM, thời Pháp, người ta thường dành chỗ đẹp nhất xây nhà hát lớn ở trung tâm.

Trước đây, thành phố cũng đã chọn những vị trí được tôn trọng, như tòa nhà xổ số kiến thiết, nhưng tòa nhà này nằm ở đường Lê Duẩn, chỉ có mặt tiền, mà muốn xây nhà hát thì buộc xung quanh phải có không gian thoáng đãng, đồng bộ, nên phương án này bị cho là không hợp lý.

Đưa về Thủ Thiêm, thì đây là khu đô thị mới, đặt ở vị trí bờ sông theo quy hoạch thì thực sự rất tốt, nhưng trong tình hình kinh tế thế giới và VN hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, liệu khi xây xong nhà hát nhưng lại để nằm trơ trọi trong vòng từ 15 - 20 năm thì ai sẽ đến? Bởi phải tính đến hạ tầng xung quanh, chứ đâu chỉ riêng nhà hát, nên coi chừng, nó sẽ “chết” trước.

Vị trí thích hợp nhất, vì thế theo tôi, là công viên 23/9. Còn nếu khu đô thị Thủ Thiêm sau này hoàn thiện, thì chúng ta có thể xây một nhà hát tổng hợp ở đó cũng không thừa.

- Nhiều người, trong đó có giới kiến trúc sư, băn khoăn mảng xanh công viên sẽ mất đi và vì thế đưa ra cả phương án xây một nhà hát - công trình xanh ngay tại trung tâm. Ông nghĩ sao về điều này?

- Như đã nói, miếng đất đang được gọi là công viên 23/9 này từng là ga xe lửa, mà nếu không có suy thoái thì đã mọc lên một trung tâm thương mại 70 tầng. Chỉ băn khoăn đây là nơi thị tứ ồn ào, có thể gây ảnh hưởng về mặt chất lượng âm thanh, thì đã có cách xử lý về chuyên môn.

- Ở các nước, có tiền lệ biến đất công viên thành đất xây nhà hát như thế này không, thưa ông?

- Có chứ! Ở các nước, nhà hát bao giờ cũng ở vị trí trung tâm. Ở Pháp có công viên La Villette, là loại công viên chưa có trong lịch sử - công viên văn hóa. Để xây công viên này, người ta đã tổ chức một cuộc thi quốc tế.

TP.HCM lúc đó cũng gửi 2 phương án dự thi, nhưng tới lúc họ công bố kết quả, mình mới biết là quan niệm của mình về công viên còn có phần cứng nhắc.Vì công viên ở họ không chỉ là mảng xanh, mà còn là một tổ hợp văn hóa - gồm bảo tàng, rạp chiếu phim, khu triển lãm, phòng tập thể dục thể thao, nhà thi đấu, xưởng thí nghiệm...

- Có nên mời tư vấn thiết kế nước ngoài, theo ông?

- Các kiến trúc sư trong nước cũng có kinh nghiệm thiết kế các rạp hát, nhưng để xây nhà hát giao hưởng thì phải có trình độ am hiểu sâu về thể loại công trình này.

Mình chưa có đủ nền tảng văn hóa nhạc giao hưởng thì làm sao có đủ trình độ thiết kế nhà hát chuyên sâu về thể loại này. Vì vậy, cần chọn người có kinh nghiệm ở những nước có truyền thống về xây dựng các nhà hát nhạc giao hưởng.

Thứ hai, vì nhà hát nằm trong công viên nên cần nghiên cứu làm sao cho hài hòa được cả không gian, nhất là hai bên đường Phạm Ngũ Lão và Lê Lai. Theo tôi, tác giả nên đề xuất với thành phố hoặc cùng các nhà làm quy hoạch để đưa ra được một bản thiết kế tổng thể, gồm cả không gian phụ cận để có được một bức tranh chung đồng bộ.

- Xin cảm ơn ông.

UBND TPHCM đã đồng ý với đề xuất xây dựng Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch tại công viên 23/9 và giao các sở, ngành bắt đầu thực hiện.

Nhà hát được thiết kế với 2 khán phòng có sức chứa 1.700 chỗ, hướng chính nhìn ra phía chợ Bến Thành với diện tích 1,2ha (hơn 1/10 công viên 23/9), giới hạn bởi các tuyến đường Tôn Thất Tùng, Lê Lai và Phạm Ngũ Lão.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn