Và bài thơ “Gửi cho con tình yêu đến biển” cũng chính là những lời tâm sự rất “nguyên sơ” của Hoàng Thị Hương Mai, lớp văn 2C, trường Đại học Sư phạm Huế khi muốn góp phần cổ vũ lòng yêu nước từ tận sâu mỗi trái tim con người Việt Nam.
Sau khi đăng bức thư của một học sinh lớp 4 gửi lãnh đạo Trung Quốc, tòa soạn bất ngờ nhận được một bài thơ cảm động của bạn Hương Mai, sinh viên lớp Văn 2c, Đại học sư phạm Huế. Đọc bài thơ "sục sôi" tình yêu thương, mới thấy hết chủ quyền Tổ quốc luôn chiếm một vị trí thiêng liêng trong trái tim của rất nhiều người trẻ.
Nguyện làm tất cả để Việt Nam mãi bình yên
Hoàng Thị Hương Mai, lớp văn 2C, trường Đại học Sư phạm Huế, tác giả bài thơ "sục sôi" lòng yêu nước nhân thư gửi ông Tập Cận Bình. |
Khi viết nên những tâm sự của mình tại cuộc thi “Nữ sinh trong mơ” do Báo Giáo dục Việt Nam tổ chức, Hương Mai từng viết: “Đối với tôi, cuộc sống thực sự có ý nghĩa khi không chỉ tôi mà tất cả mọi người đều hạnh phúc. Vì vậy, tôi mong muốn được mang đến hạnh phúc cho mọi người.
Tôi sẽ đi gieo những kiến thức mình đã học được trong môi trường sư phạm đến những tương lai trẻ của Tổ quốc nơi biển đảo xa xôi. Bởi tôi là người Việt Nam. Nơi đâu cần tôi sẽ đến. Và chắc chắn chỉ vài năm nữa thôi, nơi biển đảo xa xôi kia tôi sẽ là một ánh sáng nhỏ giữa mênh mông những ánh sáng tình yêu của người Việt Nam dành cho biển đảo yêu thương. Để Việt Nam mãi bình yên, tôi nguyện làm tất cả”.
Hương Mai sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố cũng từng vào sinh ra tử nơi chiến trường để giữ bình yên cho từng mái nhà, từng tấc đất quê hương. Trường Sa, Hoàng Sa mới chỉ sống trong Mai qua từng thước phim, những cuốn sách, bài báo, những bài giảng của thày cô. Chính những kiến thức ấy đã thắp lên trong Mai tình yêu đất nước với những lời tâm sự rất “nguyên sơ”. “Từ lâu hai quần đảo này trong mình đã giống như ngôi nhà vậy. Và trong bài thơ mình cũng viết: “Hoàng sa - Trường Sa là của chúng ta”, Mai tâm sự.
Sau khi đọc được bức thư của một học sinh lớp Trí Đức 4H2 gửi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đăng tải trên Báo Giáo Dục Việt Nam, lòng tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương càng “sục sôi” trong Mai. “Em đã đặt mình vào vị trí một đứa trẻ có bố là lính biển để viết bài thơ này chỉ trong vòng 10 – 12 phút. Những câu chữ cứ xô lấy nhau và tuôn chảy trong mạch cảm xúc đã được tích tụ trong thời gian dài”, Mai chia sẻ.
Những cảm xúc về biển đảo đã được dồn nén trong trái tim Mai từ rất lâu rồi. Và hôm nay sau khi đọc bức thư của em học sinh lớp 4, Mai thấy thán phục trái tim của một người nhỏ tuổi mà có thể nói được những điều to lớn như thế. Bức thư cũng tạo cho Mai thêm động lực để nói lên những suy nghĩ của mình.
Một đoạn trong bức thư gửi ông Tập Cận Bình của em học sinh lớp Trí Đức 4H2 |
Mai đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần bức thư đó. Mỗi lần đọc xong đều để lại trong Mai cảm xúc khó tả và Mai rất thích bức thư này. Người viết mới học lớp 4 nhưng đã có được những câu chữ xuất phát từ một trái tim rất chân thành. Có thể câu chữ còn khá đơn giản với những câu hỏi như: “Bây giờ có ai hại gia đình ông thì ông có thấy đau đớn không ạ?”, “Ông có biết rằng đã có bao nhiêu người đã đổ máu vì chiến tranh không?”…
Đó là những câu hỏi rất hồn nhiên nhưng thực ra người đọc lại thấy trong đó cảm xúc yêu nước nồng nàn. “Tôi thấy đây là bài viết rất đáng quý để thúc giục lòng yêu nước trong trái tim của mỗi người Việt Nam”, Mai cho biết thêm.
Mong muốn bài thơ sẽ đến với đảo xa...
Viết xong bài thơ và đọc lại nó, Mai đã khóc. Lúc đó, Mai không hiểu vì sao mình có thể viết được ra những suy nghĩ như thế. Vì trên thực tế, Mai không phải là con của người lính biển và cũng chưa một lần đặt chân ra Trường Sa, Hoàng Sa. Mai đã gọi điện về nhà để đọc bài thơ cho bố mẹ nghe. Bố mẹ đã rất vui và tự hào về con gái. Bố của Mai hi vọng, bài thơ của em sẽ đến được với các chiến sĩ nơi đảo xa và tiếp thêm sức mạnh để các chiến sĩ chắc tay súng nơi tiền tiêu của Tổ quốc.
Bạn bè, thày cô ai cũng dành cho Mai những lời ca ngợi. Ca ngợi không phải bởi cái chất thơ trong bài mà bởi trái tim của một cô sinh viên luôn cháy hết mình với tình yêu biển đảo.
Ước mơ của Mai là trở thành cô giáo hoặc nhà văn viết nên những tác phẩm phơi bày hiện thực xã hội. Khi đứng trên bục giảng, Mai sẽ giảng dạy bằng cả trái tim của một người con Việt Nam. “Mình sẽ không nói nhiều về vấn đề mà tất cả những học sinh đều biết như kiến thức địa lý.
Mình sẽ nói rằng, những gì mà ngày hôm qua ông cha ta tạo dựng, những gì mà tạo hóa đã dành riêng cho chúng ta thì không có bàn tay nào, không có một thế lực nào có thể tước đoạt được. Và trải qua rất nhiều thăng trầm, người Việt Nam vẫn kiên cường, mạnh mẽ để chống lại tất cả các thế lực xâm lăng.
Mình cũng sẽ truyền cho học sinh tình yêu quê hương đất nước. Đồng thời dạy cho các em bài học, dù là nhỏ nhất về lòng yêu thương từng hòn đảo nhỏ, để khi đất nước lâm nguy thì các em có thể góp một phần sức lực nhỏ bé chống lại các thế lực xâm lăng”, Mai tâm sự.
Nhắc tới những bạn đồng trang lứa với mình nói riêng và thế hệ trẻ nói chung, bất chợt Mai buồn. Vì, nhiều bạn trẻ ngày nay, bên cạnh những trái tim yêu nước, họ còn đang luẩn quẩn trong vòng vật chất mà quên đi những cái chung, quên đi ý nghĩa từng nắm đất mà họ đang đứng trên.
Qua bài thơ này, Hương Mai muốn gửi đến tất cả mọi người thông điệp: Chúng ta hãy yêu quê hương đất nước của mình vì đó là máu thịt, là cái nôi duy nhất để chúng ta có được hòa bình.
Và nếu có dịp được gặp những bạn học sinh đã viết bức thư gửi lãnh đạo Trung Quốc, Hương Mai sẽ nói với các bạn là Mai rất thán phục các bạn. Mai mong muốn được cùng các bạn ấy góp nên bầu nhiệt huyết chung để phấn đấu cho ngày mai tươi sáng của đất nước.
Theo GDVN