Trả lời các câu hỏi của các luật sư, bị cáo Đoàn Văn Quý trình bày, gia đình bị cáo tham gia làm đầm với anh trai là Đoàn Văn Vươn từ năm 1993. Vợ chồng Quý sử dụng chung đầm với gia đình ông Vươn. Gia đình bị cáo chỉ sống vào nguồn thu nhập từ tôm cá. Trước đây gia đình bị cáo chưa có điều kiện sống vạ vật, mới xây được căn nhà 2 tầng thì bị phá.
Ngoài đầm chung với anh Vươn, gia đình bị cáo không còn ruộng ở đâu vì có tài sản gì đã bán hết để dồn vào đầm. Sáng 5/1, khi phát hiện đoàn người tiến vào bị cáo không phân biệt được ai. Khi nổ súng là bị cáo bị ức chế do nghĩ rằng Đoàn cưỡng chế đến để lấy đầm, gia đình bị cáo sẽ bị đuổi ra, sẽ mất hết nên bức xúc.
Bị cáo nhận thức rằng việc cưỡng chế là sai pháp luật, bị cáo có quyền bảo vệ tài sản, bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Những hành vi chống lại đoàn cưỡng chế là phản ứng theo tự nhiên, bị cáo không nhìn thấy ai, không nhằm vào ai. Khi nhìn thấy lực lượng cưỡng chế tiến vào rất đông, bị cáo không phân biệt được ai, chỉ thấy đông người, nhìn thấy súng thì sợ.
Các bị cáo trước vành móng ngựa.
Do trình độ thấp, bị cáo không hiểu biết, chỉ nghĩ rằng nếu gần quá, cũng có thể chết người nên bị cáo cho kích nổ bình ga khi đoàn cưỡng chế cách khoảng 10m, ở khoảng cách đó thì thì theo nhận thức của bị cáo là không chết người. Bị cáo chỉ làm việc này với mục đích hăm dọa đoàn cưỡng chế, không muốn sát thương chứ không nói là giết người.
Bị cáo rào tre là để bảo vệ đầm, không ai biết, chị Thương, chị Báu không biết. Việc cho nổ bình ga chỉ nhằm cảnh báo. Theo bị cáo thì Đoàn cưỡng chế đã nổ súng trước khi Quý bắn đạn hoa cải.
Bị cáo Báu trình bày thêm, lời khai của bị cáo có sự chứng kiến của luật sư Bách và công tố viên là khách quan nhất. Bị cáo Vươn đề nghị HĐXX xem xét lời khai của bị cáo ngày 8/9 đã bị để ngoài hồ sơ.
Phần xét hỏi người bị hại diễn ra khá căng thẳng khi luật sư Trần Đình Triển hỏi một bị hại là cán bộ chiến sỹ công an bị thương đã được khen thưởng gì chưa? Câu hỏi này đã bị HĐXX bác bỏ và giữa luật sư với chủ tọa phiên tòa đã diễn ra tranh luận gay gắt.
Ông Lê Văn Mải - nguyên Trưởng Công an huyện Tiên Lãng, tổ trưởng tổ công tác số 3 Đoàn cưỡng chế từ chối trả lời nhiều câu hỏi của luật sư với lý do sức khỏe yếu và nhiều nội dung luật sư hỏi trùng với câu hỏi của HĐXX.
Tất cả các bị hại đều giữ nguyên quan điểm không yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần. Người bị hại Vũ Anh Tuấn - Công an huyện Tiên Lãng bị thương 23 vết, giảm 22% sức lao động đề nghị: "Mong hội đồng xét xử xem xét theo quy định của pháp luật. Các bị cáo bị cưỡng chế đầm nên phần nào bức xúc do các bị cáo cho là quyết định cưỡng chế của UBND huyện là sai".
Tất cả các bị hại (là cán bộ, chiến sỹ công an huyện Tiên Lãng) đều khẳng định mình thi hành đúng công vụ, thực hiện đúng nhiệm vụ được phân công là thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn an ninh trật tự, bảo vệ đoàn cưỡng chế đúng chức trách nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong các lời khai của nhân chứng và người bị hại có điểm mâu thuẫn với nhau khi khẳng định có việc trang bị vũ khí hay không và có mang theo áo giáp chống đạn không, người nói có, người nói không.
Chiều nay phiên tòa chuyển sang phần tranh tụng tại tòa và dành một khoảng thời gian đầu giờ cho luật sư Trần Đình Triển hỏi người bị hại là ông Lê Văn Mải, nếu ông này có đủ sức khỏe để trả lời.
Theo Danviet