Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn trình bày vấn đề thuỷ điện Đăk Mi 4 với đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội - Ảnh: HC |
Kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét
Phát biểu với đoàn giám sát, ông Huỳnh Nghĩa đã kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần quan tâm việc thuỷ điện Đăk Mi 4 không chấp hành đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, không mở cống xả đáy trả lại nước cho sông Vu Gia với lưu lượng 25m3/s để chống hạn và cấp nước sinh hoạt cho gần 1,7 triệu dân TP Đà Nẵng và các huyện Đại Lộc, Điện Bàn (Quảng Nam).
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết thêm, việc nhà máy thuỷ điện Đăk Mi 4 lấy nước của sông Vu Gia chuyển qua lưu vực sông Thu Bồn để phát điện mà không thực hiện đúng nguyên tắc trả nước về sông cũ sau phát điện đã dẫn tới tình trạng cứ từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, vùng hạ lưu sông Vu Gia gồm TP Đà Nẵng và các huyện Đại Lộc, Điện Bàn (Quảng Nam) lại bị nhiễm mặn và thiếu nước sinh hoạt rất lớn.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn nêu rõ, theo quy định của Luật Tài nguyên nước, khi nguồn nước có vấn đề thì phải ưu tiên nước cho sinh hoạt, tiếp đó là nước cho sản xuất nông nghiệp rồi mới đến các nhu cầu khác như phát điện...
Hiện mực nước trên sông Vu Gia (tại Ái Nghĩa) đã xuống đến mức thấp nhất trong gần 40 năm qua do hạn hán và do thủy điện Đắc Mi 4 lấy nước của sông Vu Gia ngay từ trên thượng nguồn, dẫn tới hạ lưu không có nguồn nước ngọt để đẩy mặn, chống xâm nhập mặn.
Nhà máy nước Cầu Đỏ (nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho toàn TP Đà Nẵng) đang bị nhiễm mặn nghiêm trọng, không thể vận hành được. Thế nhưng trong khi nhà máy thuỷ điện Đăk Mi 4 vẫn liên tục xả nước về sông Thu Bồn để phát điện thì họ lại không xả bất cứ một giọt nước nào về sông Vu Gia theo đúng chỉ đạo trước đây của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Từ cuối năm 2012 đến nay, Công ty Cấp nước Đà Nẵng phải lấy nước từ đập dâng An Trạch đưa về nhà máy nước Cầu Đỏ (cách đó 8km) để xử lý thành nước sinh hoạt cung cấp cho người dân TP.
Tuy nhiên đập dâng An Trạch chỉ là đập phòng mặn và việc lấy nước tại đây chứa đựng rất nhiều nguy cơ có thể dẫn Đà Nẵng tới thảm hoạ mất nước sinh hoạt dài ngày.
Hôm 29/3, đúng dịp kỷ niệm 38 năm giải phóng Đà Nẵng, toàn TP đã bị mất nước từ lúc 6h đến 11h do nguồn điện tại trạm bơm An Trạch bị sét đánh!
Bức xúc trước tình hình này, ông Huỳnh Nghĩa khẳng định với trưởng đoàn giám sát, ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường, là đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng sẽ đưa vấn đề này ra chất vấn Bộ Công thương tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Về phần mình, ông Phan Xuân Dũng đề nghị Đà Nẵng cần có báo cáo cụ thể để đoàn công tác kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Trước đó, ngày 1/4, phát biểu với báo chí về việc 1,7 triệu dân Đà Nẵng và Quảng Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu nước trầm trọng do thuỷ điện Đăk Mi 4 không chịu xả nước về sông Vu Gia, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Bộ Công thương cũng cho rằng, theo nguyên tắc, việc vận hành của một nhà máy thủy điện phải dựa trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất của người dân và phát điện.
Tuy nhiên, trong tình huống khan hiếm nước như hiện nay thì phải ưu tiên cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân trước, sau đó mới đến phát điện.
Không thể chỉ căn cứ vào kết luận của cuộc họp ngày 31/3
Ông Đặng Huy Cường cũng cho biết, Bộ Công thương đang chờ kết quả làm việc chính thức giữa Bộ NN-PTNT với lãnh đạo hai địa phương trên để có ý kiến chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ban quản lý Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 cung cấp đủ nước phục vụ cho nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, như đã đưa tin, tại cuộc làm việc chính thức hôm 31/3 giữa đoàn công tác của Bộ NN-PTNT với TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, kết luận của trưởng đoàn, ông Nguyễn Văn Tĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi, chỉ nhấn mạnh việc xây dựng đập tạm tại Quảng Huế (Đại Lộc, Quảng Nam) để ngăn nước từ sông Vu Gia chảy sang sông Thu Bồn và các nhà máy thuỷ điện Đăk Mi 4, A Vương xả nước tập trung từ ngày 15 - 31/5 để phục vụ đổ ải vụ hè thu mà không hề đả động gì đến việc yêu cầu thuỷ điện Đăk Mi 4 phải mở cống xả đáy với lưu lượng 25m3/s để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho vùng hạ lưu sông Vu Gia như Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo.
Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng, việc sắp tới thuỷ điện Đăk Mi 4 xả nước phục vụ đổ ải vụ hè thu theo kết luận tại cuộc họp ngày 31/3 thực chất chỉ là xả nước ra sông Thu Bồn (và cũng chính là để nhà máy này được phát điện). Nguồn nước này từ sông Thu Bồn không hề chảy về sông Vu Gia.
Do vậy, việc yêu cầu thuỷ điện Đăk Mi 4 trả nước trực tiếp cho sông Vu Gia và xây dựng đập tạm tại Quảng Huế phải được thực hiện đồng bộ thì mới phát huy hiệu quả. Bởi lượng nước mà thuỷ điện Đăk Mi 4 lấy của sông Vu Gia chiếm 30 - 40% nhu cầu của Đà Nẵng, Đại Lộc và Điện Bàn; 30% khác được đáp ứng từ việc xả nước phát điện của thuỷ điện A Vương, 30% còn lại dựa vào nguồn nước trời tự nhiên.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn Trung Trung bộ, trong những tháng tới của mùa khô năm nay, lượng mưa trên địa bàn hầu như bằng 0, và cũng rất khó có khả năng xảy ra lũ tiểu mãn sớm, có nghĩa không thể trông chờ gì vào nguồn nước tự nhiên.
Việc xây dựng đập tạm chỉ là ngăn lượng nước từ thuỷ điện A Vương xả xuống sông Vu Gia chảy qua sông Thu Bồn và nếu làm tốt cũng chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu của 3 địa phương trên. Do đó, nếu thuỷ điện Đăk Mi 4 không trả nước lại thì vùng hạ lưu sông Vu Gia vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với nguy cơ thiếu nước trầm trọng.
Vì vậy, nếu Bộ Công thương chỉ căn cứ vào kết quả làm việc giữa Bộ NN-PTNT với Đà Nẵng, Quảng Nam "để có ý kiến chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ban quản lý Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 cung cấp nước phục vụ cho nhu cầu của người dân" thì e rằng sẽ không thể giải quyết được thực trạng nóng bỏng đang xảy ra ở vùng hạ lưu sông Vu Gia, do cuộc họp ngày 31/3 hầu như không tiếp nhận các ý kiến mà Đà Nẵng trình bày.
Theo Infonet