Cuộc họp do ông Nguyễn Văn Tĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN-PTNT) chủ trì ngày 31/3 tại Đà Nẵng - Ảnh: HC |
Phần 1: Đà Nẵng kể lể nhiều quá?
Chủ trì cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN-PTNT) cho hay, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở miền Trung - Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long đang xảy ra đặc biệt khốc liệt.
Do vậy, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tổ chức cuộc họp tại Tây Nguyên để chỉ đạo công tác chống hạn, và giao Bộ NN-PTNT chủ trì cùng các đơn vị liên quan chỉ đạo việc điều tiết nước của các hồ thuỷ điện thượng nguồn cho một số lưu vực sông chính ở miền Trung - Tây Nguyên.
Đà Nẵng "kêu" ra TƯ, nhưng lãnh đạo TP vắng họp ngay tại "sân nhà"
"Do tính chất gấp như vậy nên dù là Chủ nhật nhưng chúng ta vẫn phải ngồi ở đây để trao đổi vấn đề về sông Vu Gia - Thu Bồn.
Đây là việc rất quan trọng, xem xét tình hình hạn hán ở các địa phương, dự báo tình hình khí tượng thuỷ văn, đặc biệt là về hạn hán, dự kiến khung thời vụ trong thời gian tới để trao đổi kỹ, thống nhất khung thời vụ, thống nhất nguồn nước xả như thế nào để từ đó thống nhất việc điều tiết nước đối với hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn và đưa ra các giải pháp cụ thể" - ông Nguyễn Văn Tĩnh nhấn mạnh.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của cuộc họp này nên theo đúng giấy mời của Bộ NN-PTNT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang đã trực tiếp ra tham dự cùng đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT, Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi, Chi cục Bảo vệ thực vật... của tỉnh.
Trong khi đó, dù cuộc họp diễn ra ngay trên "sân nhà" nhưng Đà Nẵng chỉ có mỗi Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Vạn Thắng, Giám đốc Công ty Cấp nước Nguyễn Trường Ảnh và một số cán bộ cấp dưới. Lãnh đạo UBND TP, kể cả Văn phòng UBND TP đều không thấy một ai!
Cần nhắc lại, mới hôm 25/3, Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến đã có công văn khẩn đề nghị các Bộ TN-MT, Công thương can thiệp để thuỷ điện Đăk Mi 4 xả nước về lại sông Vu Gia với lưu lượng 25m3/s theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại công văn 2840/VPP ngày 29/4/2010 nhằm đảm bảo nguồn nước cho vùng hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn bao gồm TP Đà Nẵng và các huyện Đại Lộc, Điện Bàn (Quảng Nam).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang (trái) và Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng Huỳnh Vạn Thắng tỏ ra khá căng thẳng tại cuộc họp |
Tại cuộc họp sáng 31/3, ông Huỳnh Văn Thắng tiếp tục nêu: "Từ giữa tháng 11/2012, mực nước trên sông Vu Gia - Thu Bồn đều thấp hẳn so với trước. Ngay từ ngày 26/11, lúc trên hệ thống sông này thường có lũ lụt lớn hoặc mực nước cao thì chúng tôi đã phải đóng toàn bộ đập dâng An Trạch để đưa nước về cho Nhà máy nước Cầu Đỏ. Đây là điều chưa từng có, dự báo tình hình thiếu nước sẽ rất nghiêm trọng.
Đà Nẵng đã phải tốn kinh phí rất lớn để chống hạn và vận hành nhà máy nước Cầu Đỏ cung cấp nước sạch cho người dân TP. Tuy nhiên, mực nước tại Ái Nghĩa tiếp tục xuống mức thấp nhất trong gần 40 năm qua, kể từ khi bắt đầu có số liệu quan sát năm 1976 đến nay!".
Giám đốc Công ty Cấp nước Đà Nẵng Nguyễn Trường Ảnh cho biết thêm, trạm bơm ở đập dâng An Trạch chỉ là trạm phòng mặn chứ không phải trạm cấp nước, nhưng hiện công ty gần như phải bơm hoàn toàn từ trạm này về cấp nước sinh hoạt cho TP. Nếu sử dụng trạm bơm này thường xuyên thì rất nhiều nguy cơ xảy ra.
Hôm 29/3 vừa qua (đúng dịp kỷ niệm 38 năm giải phóng Đà Nẵng), từ 6h đến 11h, toàn TP đã mất nước do nguồn điện ở trạm này bị sự cố. Ngoài ra, có thể bị sự cố khi vận hành trang thiết bị tại trạm An Trạch.
Và lớn hơn hết là sự cố đối với tuyến dẫn độc đạo hơn 8km từ An Trạch về nhà máy nước Cầu Đỏ. Tuyến nước thô này mà bị sự cố là cả Đà Nẵng phải chịu hết, mà sửa thì không biết bao nhiêu ngày vì tuyến ống này nằm sâu dưới đất.
Ông trời làm hại chúng ta?
Cả ông Huỳnh Vạn Thắng và ông Nguyễn Trường Ảnh đều cho hay, ngay cả khi khai thác trạm An Trạch thì ít nhất lưu lượng nước trên hệ thống đập dâng này phải đảm bảo để mực nước tại An Trạch luôn trên 2m. Có như vậy thì hơn chục trạm bơm của Đà Nẵng và Quảng Nam mới duy trì hoạt động.
Nếu mực nước thấp hơn thì các trạm bơm này "đứng bánh" do hụt đầu nước. Đặc biệt, mực nước ở An Trạch phải đạt tối thiểu 2m nước thì mới có thể bơm được về nhà máy nước Cầu Đỏ để cấp nước cho toàn TP Đà Nẵng.
"Khi đập An Trạch thiếu nước thì các trạm bơm ở Đà Nẵng và Quảng Nam cần tạm dừng để có nước bơm về TP, bởi vì theo Luật Tài nguyên môi trường thì phải ưu tiên cho cấp nước sinh hoạt.
Nếu vì thiên tai, địch hoạ thì chúng tôi chịu, nhưng ở đây là do con người tác động vào khiến chúng tôi phải bơm nước từ An Trạch về với những sự cố rủi ro rất nhiều mà buộc nhận dân TP Đà Nẵng phải chịu thì không đáng.
Đề nghị các anh tính toán làm sao để chúng tôi có thể khai thác nước ngay tại Cầu Đỏ như trước. Có như vậy mới hạn chế được rủi ro trong việc cấp nước cho Đà Nẵng" - ông Nguyễn Trường Ảnh nói.
Ông Nguyễn Ngọc Quang bảo với ông Huỳnh Vạn Thắng... |
... các anh kể lể nhiều quá! |
Ông Huỳnh Vạn Thắng chỉ rõ, hiện mực nước của hồ chứa thuỷ điện Đăk Mi 4 vẫn còn cao, đặc biệt là dòng cơ bản (dòng đến bình thường tự nhiên) rất lớn, từ 25 - 40m3/s, đảm bảo cấp phủ toàn bộ nhu cầu nước cho Đà Nẵng.
Nhưng trong thời gian dài vừa qua, thuỷ điện này không chấp hành chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc trả lại nước cho sông Vu Gia và viện lý do chưa có quy trình điều tiết trong mùa kiệt, họ không biết phải xả bao nhiêu nên không xả, không có nhiệm vụ trả lại nước cho sông Vu Gia!
"Đề nghị Đăk Mi 4 khi phát ngôn nên cẩn thận, không nên nói năng thiếu trách nhiệm đối với hạ du. Nếu Đăk Mi 4 trả lời như vậy thì việc xây dựng cống xả nước về lại cho hạ du sông Vu Gia để làm gì? Xây để đối phó với dư luận thôi à?" - ông Huỳnh Vạn Thắng nói gay gắt.
Ông chỉ ra, tại điều 9 Nghị định 112/CP và điều 54 Luật Tài nguyên nước đã quy định rõ các thuỷ điện bắt buộc phải xả nước khi dạ du thiếu nước, đặc biệt trong trường hợp của thuỷ điện Đăk Mi 4 là chuyển nước sông Vu Gia đi nơi khác để phát điện.
Ông Huỳnh Vạn Thắng đề nghị Đăk Mi 4 cần có sự phối hợp nhất là trong lúc nguồn nước căng thẳng nhất trong vòng 40 năm qua như hiện nay.
Họ cần thiết phải có sự hy sinh lợi nhuận của mình, bởi theo quy định của Luật Tài nguyên nước, trong tất cả các đối tượng dùng nước ưu tiên thì số 1 vẫn là cấp nước sinh hoạt, tiếp theo là sản xuất nông nghiệp rồi mới đến thuỷ điện và các nhu cầu khác nên không có lý do gì để thuỷ điện này không chịu trả nước về cho hạ du.
"Chúng ta không nên gây căng thẳng nhưng nếu cần thiết thì TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam sẽ có những điều kiện buộc anh phải trả về cho chúng tôi toàn bộ dòng cơ bản trong mùa kiệt. Của ai phải trả lại cho người đó.
Nếu trong thời gian tới Đăk Mi 4 không thực hiện thì chúng tôi sẽ liên kết có báo cáo với Thủ tướng và các bộ liên quan đề nghị trả nguyên toàn bộ dòng cơ bản cho sông Vu Gia. Chúng tôi có cách thức để kiểm soát toàn bộ dòng đến bao nhiêu và dòng anh phải trả lại bao nhiêu?" - ông Huỳnh Vạn Thắng nói.
Ông Hải, Phó Giám đốc Công ty Khai thác thuỷ lợi Quảng Nam bảo với Giám đốc Công ty Cấp nước Đà Nẵng Nguyễn Trường Ảnh. |
"Đà Nẵng đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho dân là số 1, còn Quảng Nam đảm bảo nước tưới cho 10.000ha ở Vu Gia và Thu Bồn là số 1!" |
Bất ngờ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang đứng dậy: "Thôi để tôi phát biểu. Các anh kể lể nhiều quá!". Theo ông, cuộc họp này chỉ có một việc là tìm cách để Đà Nẵng có nguồn nước ngọt và Quảng Nam phục vụ thuỷ lợi tốt hơn.
Còn ông Hải, Phó Giám đốc Công ty Khai thác thuỷ lợi Quảng Nam nói thẳng: "Đà Nẵng đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho dân là số 1, còn Quảng Nam đảm bảo nước tưới cho 10.000ha ở Vu Gia và Thu Bồn là số 1 trong khi nguồn nước hiện còn không bao nhiêu, tổng lượng nước của các thuỷ điện Sông Tranh 2, Đăk Mi 4, A Vương (đều nằm ở Quảng Nam) nếu phát bình thường thì giỏi lắm không được 30 ngày!".
Ông Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, tình hình căng thẳng hiện nay là do năm 2012 không có lũ lụt, các hồ chứa đều dưới mực nước. Các nhà máy thuỷ điện cũng "la như cha chết" vì không được phát điện.
Ông yêu cầu mọi người "phải hiểu tình hình" và xác định: "Không phải chúng ta tự làm khó nhau mà là ông trời làm khó chúng ta, nên không đổ trách nhiệm được!".
Từ chỗ xác định nguyên nhân do... ông trời như vậy, phái đoàn Quảng Nam đã "dẫn dắt" cuộc họp đi đến những kết luận rất có lợi cho mình trong nỗi bức xúc của các ông Huỳnh Vạn Thắng, Nguyễn Trường Ảnh.
Tuy nhiên do không có người cùng vai vế với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cùng dự họp để có tiếng nói "trọng lượng" hơn nên họ đành phải chịu ấm ức. Vậy vai trò "trọng tài" của đoàn công tác Bộ NN-PTNT trong việc này như thế nào? Xin mời bạn đọc theo dõi tiếp ở phần sau.
Đà Nẵng đối mặt với thảm hoạ Trước đây ở Đà Nẵng 5 năm mới xuất hiện 1 đợt nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn 1 ngày, 10 năm xuất hiện 1 đợt bị nhiễm mặn 3 ngày, còn lại không bao giờ hơn nữa. Độ mặn này ở mức lưỡi ta có cảm giác nhưng vẫn sử dụng được. Tuy nhiên lãnh đạo TP vẫn sáng suốt cho xây dựng trạm bơm phòng mặn An Trạch dù không mấy khi sử dụng. Thế nhưng trong hai năm gần đây thì trạm bơm này phát huy tác dụng rất lớn, nếu không có sự đầu tư này thì hiện Đà Nẵng gần như phải gánh chịu thảm hoạ lớn về nước sinh hoạt, không có nước để sử dụng. Đó là điều chắc chắn. An toàn của tuyến nước thô từ đập An Trạch về nhà máy nước Cầu Đỏ chưa cao, đặc biệt lũ lụt trong 2 năm qua đã xé rất nặng đầu tuyến đưa nước vượt sông Cầu Đỏ nên khả năng thiên tai làm ảnh hưởng tuyến này rất lớn. Khi sự cố này xảy ra thì TP Đà Nẵng sẽ gặp thảm hoạ về nước uống. Thiếu cơm ăn có thể 1, 2 thậm chí 3 ngày, nhưng nước uống thì không thể thiếu trong một giờ. Từ đó mới thấy hậu quả của việc làm mất tự nhiên do con người tạo nên thông qua việc thuỷ điện Đăk Mi 4 không thực hiện nguyên tắc trả nước về sông cũ như các thủy điện khác ở vùng thượng lưu sông Vu Gia mà lại chuyển nước về sông Thu Bồn để phát điện nhằm tối đa hóa lợi nhuận". (Ông Huỳnh Vạn Thắng phát biểu tại cuộc họp ngày 31/3) |
Theo Infonet