Không lấy tiền thuế của nhân dân đi mua vui
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng Mỹ Tâm đòi cát sê 6000USD trong khi cô ca sĩ khẳng định không có chuyện này |
Trao đổi với PV về vấn đề này TS Vũ Thế Long cho rằng, không nên lấy tiền thuế của nhân dân để tổ chức các lễ hội linh đình, tốn phí.
“Việc lãnh đạo Đà Nẵng cắt bỏ những tiết mục ca hát tốn kém là việc làm đúng. Người lãnh đạo phải biết ứng xử đúng. Khi dân đói nghèo, hạn hán tràn lan thì không bao giờ khuyến khích tổ chức các lễ hội linh đình, tốn phí. Phải dành tiền để lo cho dân. Các vua chúa xưa nay vẫn làm vậy. Đấy là cái đức, cái tâm và cả cái tầm của người có hiểu biết và có tư cách”.
Nói về việc cát sê ca sĩ hiện nay quá cao so với thu nhập bình quân của người dân, TS Vũ Thế Long cho rằng, không nên phản đối chuyện trả cát sê cao cho những nghệ sỹ danh tiếng. Quan trọng nhất ở đây là ai trả tiền, nếu ca sĩ hát cho cả thành phố nghe, lấy tiền thuế của dân ra trả là chuyện đáng phải suy ngẫm, còn nếu biểu diễn ở sân khấu có bán vé lại là chuyện khác.
TS Vũ Thế Long: Không nên lấy tiền thuế của dân đi mua vui |
“Kinh tế thị trường là vậy. Cung và cầu là hai mặt luôn hài hòa. Có cung thì có cầu. Trả cao hay trả thấp là do công chúng định đọat. Nếu đặt giá quá cao sẽ không có người mua vé . Thấp quá thì lỗ. Vấn đề là ở chỗ ai trả tiền?
Một ca sỹ hát cho cả thành phố và thiên hạ xem và người thay mặt cho dân chúng lấy tiền thuế của dân để trả tiền là một chuyện. Nếu ca sỹ ấy hát trong nhà hát và ai thích thì bỏ tiền ra mà mua vé lại là chuyện khác.
Không thể nhân danh nhà nước để thuê ca sỹ với giá cao ngất ngưởng và bắt tòan dân phải trả. Đấy là chuyện không thể được dù rằng họ phải nộp thuế cho nhà nước. Tôi không bỏ phiếu cho các vị chức sắc thuê những nguời mà tôi không muốn nghe hoặc rất muốn nghe nhưng vượt quá cái khả năng đóng góp của tôi. Tiêu một xu của dân cũng cần suy nghĩ”, TS Vũ Thế Long nhấn mạnh.
Miễn là làm giàu chính đáng
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp, Trưởng khoa Nhân học, trường Đại học KHXH&NV TP HCM cho rằng, thu nhập của ca sĩ cao thì nhà nước nên dùng chính sách thuế để điều tiết. Bất cập lớn nhất ở nước ta là ở quản lý và chính sách kinh tế.
“Nhân sự kiện này, nhớ tới thời kỳ bao cấp, có những ca sĩ nổi danh nhưng sau buổi hát chỉ được chiêu đãi một bát phở 5 đồng để bù lại sức. Tài năng không được hưởng thụ tương xứng. Đấy là chuyện của thời bao cấp.
Còn bây giờ là thời buổi kinh tế thị trường, của nào tiền nấy theo hợp đồng hẳn hoi, dù là cá nhân với nhau hay với cơ quan nhà nước. Sự sòng phẳng là ở chỗ đó. Kinh tế thị trường tự thân nó tạo nên sự phân hóa giàu nghèo mà ai cũng biết và phải chấp nhận để phát triển, miễn là sự làm giàu một cách chính đáng có sự thỏa thuận theo hợp đồng”, PGS Nguyễn Văn Tiệp nhận định.
PGS. TS Nguyễn Văn Tiệp giải thích: “Trên sân khấu ca nhạc giải trí hiện nay có nhiều ca sĩ thu nhập quá cao. Đó là điều ai cũng biết và họ cũng có khi công khai điều đó vì không có gì phải dấu diếm. Vấn đề là ở chỗ, trong sân chơi của kinh tế thị trường thì Việt Nam mới tập làm quen, từ một số quan chức cho đến người dân còn rất ngỡ ngàng vì nó quá xa lạ với thời bao cấp mà mọi người đã từng sống.
Sự thay đổi đột ngột ấy tạo ra cú sốc tâm lý trong đời sống xã hội. Thực ra không chỉ ở Việt Nam hiện nay, ở nhiều nước phát triển các ca sĩ thành danh không ai nghèo khổ cả. Họ đáng được sống sung sướng với tài năng của họ. Sự bất cập ở nước ta là ở quản lý và chính sách kinh tế”.
PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp: Sự bất cập ở cấp quản lý và chính sách kinh tế |
“Thu nhập cao của nhiều người, kể cả ca sĩ, là chuyện bình thường. Nhà nước nên dùng chính sách thuế để điều tiết. Chẳng hạn nên đánh thuế theo lũy tiến, thu nhập càng cao đánh thuế càng nặng để phân phối lại cho toàn xã hội thì sẽ tạo sự công bằng, minh bạch và không được cho họ trốn thuế. Trong kinh tế thị trường, con người sống hướng tới duy lợi vì thế ca sĩ có quyền đòi cát sê cao.
Còn việc chấp thuận hay không thì phải theo hợp đồng. Đã có hợp đồng thì anh có quyền công bố. Đằng này sự việc chưa đâu vào đâu, giới truyền thông làm ầm ỹ lên, nhiều người ném đá theo. Đó là hành vi thiếu văn hóa, không tôn trọng nhân cách ca sĩ”
“Đời ca sĩ không mấy ai hát hay và hát được lâu như Mỹ Tâm. Đó là trời phú cho. Đa phần ca sĩ chỉ hành nghề chục năm hơn là xuống dốc chứ không giống với những nghề nghiệp khác có thể làm việc liên tục 40-50 năm với thu nhập khá ổn định. Ca sĩ cần tiền để sống trong cả cuộc đời.
Phát biểu của ông chủ tịch Đà Nẵng như thế là thiếu sự cẩn trọng của một quan chức lớn, có thể xúc phạm đến danh dự cá nhân. Mỹ Tâm có quyền đòi giá cát sê cao ngất ngưởng mà cũng có thể làm từ thiện không công. Đó là quyền của cô ca sĩ này, miễn là không vi phạm đạo lý và pháp lý”. PGS. TS Nguyễn Văn Tiệp nhận định.
Theo Kienthuc