Đàn Xã Tắc gây... tắc Xã Đàn?!

Thứ ba, 23/04/2013, 14:36
“Đàn Xã Tắc có thể là phế tích của một triều đại phong kiến đã bị phá hủy, nhưng cho rằng đây là khu tâm linh trời và đất của đất nước ta là ngộ nhận. Xóa đi Đàn Xã Tắc là xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến trong tâm thức người dân”.

Đó là nội dung trong ý kiến của Hiệp hội Vận tải Hà Nội do ông Bùi Danh Liên (Chủ tịch Hiệp hội) ký gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị sớm khởi công cầu vượt qua Đàn Xã Tắc, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay.

Theo Hiệp hội Giao thông vận tải Hà Nội trong khi các đơn vị thi công nút giao Xã Đàn - Nguyễn Lương Bằng đang giải phóng mặt bằng thì có một số ý kiến đề nghị dừng thi công hoặc đổi hướng tuyến cầu vượt làm cho xã hội phân tâm.

Lấy lý do là những người sống lâu năm tại khu vực gần Xã Đàn, Hiệp hội Vận tải Hà Nội phân tích rõ công trình giao thông Vành đai 1, dựa theo hướng tuyến đường đã có từ thời Pháp thuộc thế kỷ trước.

Vành đai 1 bắt đầu từ Nhật Tân đi theo dọc đê sông Hồng đến Nguyễn Khoái, vòng theo chiều kim đồng hồ rẽ vào Trần Khắc Chân, theo đê La Thành đến Cầu Giấy, theo đê Bưởi qua Lạc Long Quân đến Nhật Tân. Hướng tuyến như trên nhằm tránh xâm phạm vào vùng đất nội đô nhằm bảo tồn các di sản lịch sử nghìn năm Thăng Long và kết nối giữa các cửa ô.

Theo Hiệp hội Vận tải Hà Nội vì phải giải phóng mặt bằng hàng nghìn hộ dân và các khó khăn về nguồn lực tài chính, cho nên Hà Nội làm dần từng đoạn một. Khi đến cuối phố Xã Đàn thì phát lộ một số nền gạch và mảnh vỡ đất nung, lập tức các cơ quan bảo tàng công bố đây là “Đàn Xã Tắc” nơi các vua chúa cầu cúng thần đất và thần nông.

Công trình phải dừng lại, Hà Nội đã điều chỉnh thiết kế, biến nơi này thành một đảo giao thông để bảo tồn Đàn Xã Tắc, tạo ra một đảo lệch của 5 tuyến đường, đã hạn chế tốc độ lưu thông, gây ùn ứ phương tiện thường xuyên.

Các cơ quan có thẩm quyền đã có nhiều cuộc họp bàn thảo, hội thảo đưa ra hàng chục bản thiết kế, nhằm đảm bảo cho cầu vượt không ảnh hưởng đến di tích, đảm bảo cảnh quan đô thị, hài hòa với phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô và đã được Cục di sản văn hóa chấp thuận.

Dan Xa Tac

 

Đàn Xã Tắc

Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, người dân và các doanh nghiệp vận tải Hà Nội mong muốn cầu vượt Xã Đàn theo thiết kế đã công bố được sớm thi công và hoàn thành đúng tiến độ để cuộc sống của người dân được cải thiện.

“Nếu như dừng lại công trình cầu vượt qua Đàn Xã Tắc thì dẫn đến “tắc Xã Đàn”, lúc đó chưa thấy trời đất linh thiêng ở đâu mà chỉ thấy hàng chục vạn người dân phải khổ sở vì ách tắc giao thông, vì ô nhiễm khói bụi…”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội khi cúng tế trời đất, vua chúa quần thần văn võ bá quan “ngựa xe như nước áo quần như nêm”, Đàn Xã Tắc phải có diện tích hàng nghìn m2, chứ không phải chỉ có diện tích mấy trăm m2 đã phát lộ.

“Chúng ta không cho cầu vượt chạy qua, liệu chúng ta có cho khai quật tại những khu dân cư của các phường giáp ranh không? hoặc giả sử khi thi công đường lại phát hiện một số nền gạch khác thì xử lý ra sao? hay chúng ta dời Hà Nội lên Xuân Mai, Ba Vì?...”, ông Liên băn khoăn.

Ông Liên thẳng thắn nhìn nhận rằng Đàn Xã Tắc có thể là phế tích của một triều đại phong kiến đã bị phá hủy, nhưng cho rằng đây là khu tâm linh trời và đất của đất nước ta là ngộ nhận. Tâm linh là ở trong tâm thức của con người, khu vực Đàn Xã Tắc không thể coi là văn hóa tâm linh của người Việt. Bởi lẽ khu vực này đã biến mất mà không ai đoái hoài, ghi nhớ.

“Xóa đi Đàn Xã Tắc cuối thời Lê là xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân. Khôi phục, tôn thờ Đàn Xã Tắc quá mức là phản cảm với khu di tích gò Đống Đa cách đó chưa đầy 1 km”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội phân tích. 

Từ những phân tích trên, Hiệp hội này mong muốn các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo quyết liệt xây dựng cầu vượt Xã Đàn hoàn thành đúng tiến độ để Thủ đô để có đường hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân.

Theo Dantri

Các tin cũ hơn