Áo chống nắng "kỳ diệu" giá 1 triệu đồng/chiếc

Thứ tư, 24/04/2013, 23:27
Có giá rẻ nhất hơn 500.000 đồng, đắt lên tới cả triệu đồng và được quảng cáo có chứng nhận bức xạ nguyên tử Australia, áo chống tia tử ngoại liệu có công dụng kỳ diệu như vậy?

Trên nhiều website bán hàng trực tuyến, các loại áo chống nắng được quảng bá là có khả năng chống trên 90% tia tử ngoại (UV) ngừa lão hóa, phòng chống ung thư da. Về thiết kế, loại áo này giống như chiếc áo khoác gió, có mũ, phần che bàn tay, màu sắc khá trang nhã. Không chỉ hướng tới đối tượng là phụ nữ, áo còn hướng tới cả trẻ em và nam giới. Giá bán cao gấp 4-5 lần so với sản phẩm thông thường khác, rẻ nhất là 530.000 đồng, thậm chí có những sản phẩm giá lên tới trên 1 triệu đồng.

Găng tay, khẩu trang, mũ cũng từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Các sản phẩm này phần lớn đều có mẫu mã thiết kế đẹp, màu sắc sáng sủa và được giới thiệu là có chứng nhận của Cục Bảo vệ an toàn bức xạ năng lượng nguyên tử Australia (ARPANSA) về chỉ số UPF (chỉ số chống nắng đối với vải vóc). Theo đó, các sản phẩm đa phần có chỉ số UPF 50+, với "tỷ lệ che UV" có thể đến 99,57%.

 

 

Chưa có bằng chứng chứng minh áo chống nắng 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/chiếc có tác dụng chống tia UV lên tới 99,57%.

Trong khi đó, các sản phẩm chống nắng thường (không chống tia UV) rất đa dạng với giá dao động từ 60.000 - 200.000 đồng/áo. Chân váy chống nắng giá dao động 80.000-120.000 đồng/chiếc. Ngoài ra, loại áo thân dài che được cả chân cũng rất phong phú phục vụ cho các chị em mặc váy hay quần ngắn giá phổ biến 200.000 - 250.000 đồng/chiếc. Cùng với áo chống nắng, các loại khẩu trang cũng có nhiều mẫu mã đa dạng như kết hợp thêm mũ, che cổ, che gáy, che trán, bịt tai... giá từ 30.000-90.000 đồng/chiếc. Găng tay chống nắng giá từ 20.000-60.000 đồng/đôi tùy thuộc chất liệu, độ dài...

Có kỳ diệu như quảng cáo?

Nhận xét về áo chống nắng chống được tia tử ngoại, PGS.TS Nguyễn Trường Luyện - Khoa Vật lý (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, thực chất họ quảng cáo như vậy chỉ là một chiêu để “hút” người tiêu dùng chứ hiện chưa có sản phẩm nào có khả năng ngăn tia tử ngoại tới 90-100% như vậy.

Ông cho hay, tia tử ngoại còn gọi là tia cực tím hay bức xạ tử ngoại có bước sóng ngắn, nhỏ hơn 0,4 micromet. Khi bước sóng càng ngắn thì năng lượng càng lớn và do đó có khả năng tác dụng ion hóa rất mạnh. Muốn chống được tia tử ngoại cần phải có cái “màn” bảo vệ để không thấm vào da. Nhưng để ngăn được tia tử ngoại tuyệt đối là điều rất khó và làm được điều này cần có nguyên liệu rất đắt tiền. Hơn nữa, muốn biết sản phẩm đó có khả năng ngăn tia tử ngoại đến đâu thì cần phải đo ở phòng thí nghiệm. Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng như thế nào cần phải có các cơ quan chức năng thẩm định.

Về chứng nhận của ARPANSA chỉ số UPF thì theo các chuyên gia, hiện tại chưa có sự công nhận chính thức của các cơ quan quản lý ở Việt Nam liên quan đến việc chứng nhận của ARPANSA.

Cũng theo ông, bình thường ngay cả khi không phần da nào lộ ra ngoài thì chúng ta vẫn không “tránh được hết nắng” bởi tia UV trong nắng có thể xuyên qua các vật dụng che chắn. Dù có đội nón rộng vành, che dù hay thậm chí ngồi trong ô tô, tia UV vẫn bị khúc xạ lên từ mặt đường và hắt lên người bạn. Lúc sáng sớm có tia nắng hoặc buổi trưa là thời điểm tia tử ngoại mạnh nhất, còn trời có mây thì tia tử ngoại bị hấp thụ nên không mạnh.

Bởi vậy khi đi trong thời tiết trời trong xanh, nắng thì cần phải bảo vệ, che nắng bằng mũ, khẩu trang, áo… cũng hạn chế phần nào tia tử ngoại là một tác nhân dễ gây ung thư da.

 

Kinh nghiệm chọn mua áo chống nắng:

Nên: Chọn vải dày có tỷ lệ cotton cao vì vừa chống tác hại tia tử ngoại vừa thông thoáng, hạn chế dịch tiết trên bề mặt da.- Chọn áo sáng màu để phản chiếu bức xạ mặt trời- Chọn mua áo có chất liệu vải dệt từ sợi bông, polyeste, có độ bóng cao, lụa, satanh.

 Tránh:- Mua các loại áo mỏng vì có thể khiến da bắt nắng hơn- Áo tối màu vì màu tối hấp thụ bức xạ nhiệt nhiều hơn, không tốt cho sức khỏe- Áo chất liệu sợi

Nhận biết sản phẩm:Cách đơn giản nhất để biết một loại vải có khả năng bảo vệ da hiệu quả hay không là soi dưới nắng. Nếu có thể nhìn qua vải thấy ánh sáng thì tia tử ngoại cũng có thể lọt qua và tác động đến da bạn.

TS Nguyễn Viết Lượng (viện Bỏng quốc gia)

 

Theo Gia Đình

Các tin cũ hơn