Dùng xà ben cạy nắp cống ra, mùi hôi thối bốc lên ngùn ngụt, dưới làn nước đen kịt, sền sệt là rác, bùn, xác động vật. Anh công nhân đội mũ bảo hộ đưa cầu xoay lồng xuống cống, tiếp đó máy nổ kéo cầu xoay để thông rác, rồi dùng que tre dài xoi rác về gần hố ga.
Anh Lê Văn Lạc, công nhân thuộc xí nghiệp bắc thành phố của Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TP.HCM cùng đồng nghiệp có một ngày chui cống hốt bùn rác như vậy.
Các công nhân thông cống phải ngâm mình trong dòng nước bẩn nhất thành
phố để hốt từng gầu bùn, rác.
Chỉ trong buổi sáng, tổ chui cống của anh Lạc đã đưa được hàng chục thùng rác, bùn lên xe. Sau khi tắm rửa sơ sài, thay quần áo tại trận, cả tổ dùng cơm trưa và nghỉ ngơi.
Người tôi mệt nhừ sau một buổi theo chân các công nhân đi nạo vét cống. Từ lúc mở nắp cống cho đến lúc hốt bùn, rác lên, mùi hôi thối nồng nặc ập vào sống mũi. Biết tôi không quen mùi, các anh nói đứng ra xa một chút mà quan sát, chụp ảnh chứ đừng đứng gần coi chừng… ngất xỉu.
Anh Nguyễn Văn Giàu, đang múc bùn, rác ở đường Nguyễn Văn Quá (Q.12), vừa leo lên từ miệng cống, áo quần còn đầy rác, nước bẩn chảy xuống chân. Anh vừa lau nước cống trên mặt, vừa nói: “Chui xuống cống ngộp thở lắm, vì dưới đó oxy thì ít mà mùi xú uế thì nặng, có người đã bị ngất. Với chúng tôi, mảnh chai, kim tiêm, mùi hôi, xác mỡ thối, nhớt, hóa chất, nước thải dệt nhuộm… đã quen lắm rồi”.
Những ống cống phi 2.000 thì có thể đi bộ trong đó để cào bùn, còn ống nhỏ hơn thì phải chui, lặn ngụp dưới nước thải mới cào được. Mệt nhất là lúc giữa trưa nắng nóng, mặt trời phía trên dọi xuống, nước càng bốc mùi nặng hơn.
Anh Lê Văn Lạc đang xúc từng mớ rác đen ngòm, nói vọng lên từ dưới cống khi tôi hỏi có hay bị dị ứng da không: “Cũng có chứ, nhất là lúc ngâm mình trong các loại hóa chất độc hại. Nhưng làm mãi rồi cũng quen, thấy không có gì là dơ bẩn cả, nhìn vậy chứ thanh tao lắm chứ bộ!”.
Anh Trần Quốc Dũng đang kéo rác cho anh Lạc chỉ về 2 thùng nước gần đó, cho biết sau một buổi chui cống phải tắm qua loa rồi ăn cơm. Nhiều khi nhai miếng thịt mà tưởng tượng lại đống mỡ dưới cống mà ớn tận cổ.
Mùa mưa cũng là thời điểm các công nhân làm nghề thoát nước phải chạy đua với công việc. Nhiều tuyến đường ngập vì triều cường thì phải đợi đến lúc nước rút mới làm được, có thể là 12h trưa nắng cháy da, cũng có thể nửa đêm về sáng.
Anh Trần Duy Danh, đang nạo vét loại cống cỡ phi 1.000 ở đường Ngô Văn Dậy (H.Hóc Môn), cho biết: “Tôi theo nghề này được 15 năm. Nghề này vất vả, phải ngâm mình dưới nước bẩn, ít ai dám làm. Tôi và đồng nghiệp thường nghĩ, đã chấp nhận làm nơi “ruột” phố thì gắng hoàn thành, phải luôn tự hào về công việc của mình”.
Anh Lạc chui vào ống cống gần ngập cả đầu...
“Xã hội gọi chúng tôi là “công nhân chui cống”, “công nhân vét cống”. Anh em chúng tôi xác định ngay từ lúc bắt đầu công việc “ít ai làm” này là rất vất vả, nguy hiểm. Công việc này không phải ai cũng có thể làm được, mà đòi hỏi phải có sức khỏe, sức chịu đựng và cần kiên trì, vượt qua mặc cảm mới theo nghề được. Nghề nào nghiệp nấy mà”, một công nhân chia sẻ.
Anh Khưu Tấn Trường (44 tuổi, tổ trưởng tổ duy tu số 1, xí nghiệp Bắc thành phố), đang nạo vét cống ở đường Lê Văn Khương (Q.12), chia sẻ: “Tôi đã 12 năm trong nghề. Thu nhập tính theo thang lương Nhà nước, hàng tháng có thêm ít phụ cấp như sữa, dầu ăn trị giá hơn 400.000 đồng”.
... Xúc từng gầu bùn, rác để cống được thông, tránh ngập mỗi khi mưa
lớn, thủy triều dâng.
Anh Lạc cảm thấy “sảng khoái” khi có một dòng nước trắng đục xả xuống, anh
tranh thủ “rửa” bùn, rác ngay dưới cống.
Suốt ngày ngâm mình trong dòng nước dơ bẩn nhưng các công nhân vẫn tự hào
về những việc mình đang làm.
Theo các công nhân, sợ nhất là dầu nhớt trộn với mở động vật. Mỗi khi ăn cơm
mà nhớ đến những thứ này thì ớn tận cổ.
Anh Giàu vừa lên nghỉ sau hơn 1 giờ xúc rác dưới ống cống đường Nguyễn Văn Quá.
Các móng chân của công nhân rúc cống bị nhiễm độc đen ngòm.
Tuy làm việc vất vả, nhưng các anh vẫn vui tươi suốt ca trực.
Theo Infonet