Theo Bộ trưởng Xây dựng, nguyên nhân ban đầu có thể do chỗ tiếp giáp; đây là một đập đất nên nơi tiếp giáp với cống dẫn dòng giữa một bên là bê tông cứng một bên là đất mềm nên rất dễ xảy ra thấm. Khi có việc thấm nước tại đó mà không được kiểm soát tốt thì đất bên trong sẽ bị moi ra ngoài, tạo ra lỗ hổng kiểu hàm ếch và nó sẽ sụt xuống.
* Thưa Bộ trưởng, theo thông tin ban đầu từ phía lãnh đạo xã thì nguyên nhân có thể do có sai sót về mặt kỹ thuật xây dựng?
- Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Chưa đủ căn cứ để xác định chất lượng có bảo đảm hay không, nhưng xác định sơ bộ ban đầu là do thấm mà nguyên nhân thấm thì có thể từ rất nhiều hướng.
Ngay tại vị trí tiếp giáp cống dẫn dòng lẽ ra trong quá trình thi công phải có chất sét rất tốt để bám rìa này nhưng khi thi công không tốt, không có sét hoặc lượng sét ít, không đủ sẽ gây ra ứng suất cục bộ. Khi đó, nước thấm vào, một bên cứng, một bên mềm sẽ tạo thành khe hở và đất trong thân đập tiếp tục bị moi ra, sụt xuống.
Đập đất, tương tự như đê, không như đập bê tông xi măng. Vậy nên khi thấm đê người ta cũng phải có hướng xử lý đặc biệt.
* Từ sự việc này, có nhiều vấn đề đặt ra về vấn đề thẩm định chất lượng công trình?
- Đúng như vậy, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình, nhìn thấy vấn đề này nên Bộ Xây dựng đã trình để ra Nghị định số 15 về quản lý chất lượng. Thay vì trước đây đều giao quyền cho chủ đầu tư thì trong nghị định này, dù chủ đầu tư vẫn là người quyết định, nhưng thẩm định phải là tiền kiểm từ khâu thiết kế kỹ thuật. Mà thẩm định là các cơ quan quản lý chuyên ngành nhà nước về xây dựng phải chịu trách nhiệm thẩm định.
Bộ Xây dựng đã xây dựng Nghị định trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thay vì hậu kiểm (kiểm tra khi công trình đã xong rồi) như trước đây thì bây giờ phải tiền kiểm ngay từ khâu thiết kế kỹ thuật mà do cơ quan quản lý chuyên ngành phải làm việc đó
Với những công trình thủy điện, ngành Công thương phải làm. Chẳng hạn, với công trình thủy điện này, thuộc loại hồ đập cấp 3 thì Sở Công thương phải làm, phải tiền kiểm, và tăng cường kiểm tra chất lượng.
Đoạn đập bị vỡ toác - Ảnh: Quốc Anh |
* Hiện tại chủ đầu tư đã báo cáo thế nào về sự cố này cũng như đã đề xuất hướng khắc phục gì chưa, thưa Bộ trưởng?
- Giờ đập đã vỡ như thế này thì việc khắc phục không thể một lúc làm ngay được mà phải xác định rõ nguyên nhân. Tóm lại sự cố mà xảy ra phải xác định đánh giá tình hình, nguyên nhân, trách nhiệm và tìm biện pháp khắc phục. Còn với sự cố gây ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân thì phải tập trung khắc phục triệt để ngay.
Địa phương phải tập trung vào khắc phục. Còn Bộ Xây dựng với trách nhiệm quản lý nhà nước thì phải đứng ra đánh giá, yêu cầu địa phương tìm hiểu rõ nguyên nhân. Vì công trình thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh nên Sở Công thương và địa phương phải có trách nhiệm đánh giá toàn bộ.
|
* Theo quy định hiện tại là giao quyền cho chủ đầu tư, vậy nếu xác định đúng sự cố này do vấn đề chất lượng thì trách nhiệm là thuộc chủ đầu tư thôi hay còn có cơ quan quản lý nhà nước nào khác nữa không?
Thứ nhất, liên quan chủ đầu tư, thứ hai là cơ quan tư vấn thiết kế, cơ quan thi công, cơ quan giám sát và cơ quan quản lý nhà nước chắc chắn cũng phải có trách nhiệm chứ. Bởi vì anh phải kiểm tra, kiểm soát toàn bộ quá trình thực hiện.
* Cả nước có nhiều công trình thủy điện, mà quy định tiền kiểm thì tới đây mới áp dụng, vậy Bộ có đề nghị rà lại chất lượng cũng như tiêu chuẩn an toàn của các đập thủy điện xây dựng từ trước?
- Đã có tổng rà soát lại toàn bộ rồi đấy, đã tổng kiểm tra các công trình thủy điện, hồ đập xem công trình nào thuộc Hội đồng nghiệm thu nhà nước, công trình nào do các bộ (như Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT) và địa phương phải làm. Nếu biết công trình nào chưa an toàn là phải dừng lại ngay.
Hoa màu ngả rạp. Ảnh nguồn: VNE |
* Vừa rồi, Bộ Công thương có báo cáo về kiểm tra an toàn đập. Vậy đập thủy điện này có nằm trong diện chưa được bảo đảm an toàn vận hành hay không?
- Đập này cũng là đập thuộc diện phải được kiểm tra, vì nó là công trình thủy điện. Tất cả hồ đập liên quan thủy lợi, thủy điện thì đều phải kiểm tra.
* Vậy trong những trường hợp sai phạm như ở sự cố này thì hình thức xử lý thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Cái này phải xem cụ thể là trách nhiệm như thế nào, trách nhiệm đến đâu, trách nhiệm đến đâu phải xử lý đến đó.
Theo Thanhnien