Chất lượng đập thủy điện bị vỡ "có vấn đề"

Thứ tư, 12/06/2013, 18:09
Vừa hoàn thành và mới ở giai đoạn tích nước, song thủy điện Ia Krêl 2 sáng nay đã bị vỡ. Cơ quan chức năng nghi ngờ chất lượng thi công và kỹ thuật xây đập "có vấn đề".

Chiều 12/6, ngay sau khi hoàn tất công tác kiểm tra, xử lý hậu quả do đập thủy điện Ia Krêl 2 (làng Bi, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) bị vỡ vài giờ trước, UBND tỉnh Gia Lai đã có cuộc họp khẩn liên quan đến vụ việc.

Theo UBND tỉnh Gia Lai, công trình thủy điện Ia Krêl 2 do Công ty cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long Gia Lai (trụ sở TP Pleiku) đầu tư xây dựng trên suối Ia Krêl (xã Ia Dom). Theo thiết kế, thủy điện có công suất 5,5 MW, thời gian hoạt động của dự án là 45 năm, diện tích chiếm đất là 147ha. Công trình được khởi công xây dựng từ cuối năm 2009, hiện nay đập chính đã hoàn thành bắt đầu tích nước, nhưng chưa đi vào hoạt động.

Đến 5h ngày 12/6, bất ngờ đập bị vỡ. Tại khu vực đập chính có tổng chiều dài 200 m đã xảy ra sự cố làm khoảng 40m (không phải 7 m như thông tin ban đầu) thân đập - đoạn gần cửa lấy nước ở phía Bắc đập chính bị vỡ. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn phát hiện "có một số vết nứt và sụt lún lớn ở giữa đập".

Tại khu vực gần Đội 20 (công ty 75, Binh đoàn 15), đồn Biên phòng Cửa khẩu Lệ Thanh đã huy động hơn 20 cán bộ, chiến sĩ trang bị áo phao cứu sinh tìm kiếm được 10 người dân xã Ia Dom ngủ tại rẫy vào nơi an toàn, chưa phát hiện có thiệt hại về nhân mạng.

vỡ đập thuỷ điện
Nguyên nhân khiến đập bị vỡ được cho là do "chất lượng thi công không đảm bảo". Ảnh:Tùy Phong

Ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, may mắn sự việc xảy ra vào rạng sáng, lúc người dân đã phần nhiều thức dậy, nếu đập vỡ vào nửa đêm thì "hậu quả sẽ không dừng lại ở đây". Theo báo cáo của Công ty 72 (Binh đoàn 15) khi sự việc xảy ra, có 20 người bị cô lập tuy nhiên sau đó đã được cứu hộ kịp thời. Trước sự việc trên, ông Dũng cho rằng trách nhiệm của chủ công trình chưa cao.

Về thiệt hại ban đầu, Chủ tịch huyện Đức Cơ Võ Thanh Hùng cho biết, có 10 ha khoai mì, 20 ha cao su (khu vực gần đập), một nhà của công nhân cao su và một trại xây dựng của công nhân xây dựng cầu treo gần đấy bị ngập. Con suối nơi đập bị vỡ dài hơn 4km nên hoa màu dọc hai bên bờ suối đều bị ngập nhưng hiện chưa thống kê được con số cụ thể.

Báo cáo của UBND huyện Đức Cơ cho thấy lượng nước trong lòng hồ mới đạt khoảng 60% theo dung tích thiết kế. Tình hình thời tiết trên địa bàn xã Ia Dom trong năm ngày gần đây không có mưa lớn xảy ra nên lượng nước từ thượng lưu chảy về lòng hồ không lớn.

"Chắc chắn chất lượng đập có vấn đề, cơ quan chuyên trách cần kiểm tra lại", ông Lê Đức Đạo - Trưởng Công an huyện Đức Cơ nói và cho biết đập bị vỡ đã làm toàn bộ lượng nước trong lòng hồ tràn xuống vùng hạ du, gây lũ quét trên dọc tuyến suối Ia Krêl, từ đập thủy điện đến sông Sê San (gần Campuchia) nên phía Campuchia đang cho di dân khu vực này.

"Nguyên nhân khiến đập bị vỡ có thể do rò rỉ ống dẫn nước, công trình thi công chưa đảm bảo kỹ thuật. Lúc sự việc xảy ra còn có 30 người đang làm việc trong các chòi trại gần đó, song đã được chính quyền vận động về nhà. Hiện tại các lực lượng đang hỗ trợ dân chống ngập, UBND huyện sẽ thống kê thiệt hại và có phương án hỗ trợ người dân", ông Hùng nói.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Công ty Điện lực Gia Lai cho biết đập thủy điện Ia Krel 2 đang trong thời gian thi công, chưa phát điện nên sự cố không ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện.

"Họ đang trong giai đoạn lắp máy, đã tích nước được gần một năm nay. Qua tìm hiểu, có thể do kỹ thuật thi công không đảm bảo, thay vì thi công ống dẫn dòng bằng biện pháp thủ công nhưng do nôn nóng nên họ đã làm bằng máy dẫn đến một số vết nứt phát sinh, khi mưa xuống nhiều, áp lực nước cao dẫn đến sạt, vỡ đập", lãnh đạo Công ty Điện lực Gia Lai.

Theo dự kiến, đơn vị chủ đầu tư - Công ty cổ phẩn công nghiệp và thủy điện Bảo Long đang gấp rút hoàn thành đập để phát điện, hòa lưới quốc gia trong mùa mưa năm nay. Tuy nhiên, với sự cố mới nhất, khả năng khắc phục có thể mất vài tháng nữa.

Ngoài ra, trong vài ngày nay, mưa trên địa bàn Gia Lai liên tục xảy ra, chính đơn vị chủ đầu từ - đã xin cắt điện phục vụ thi công vào ngày 11/6 nhằm tránh sự cố. Về biện pháp khắc phục, điện lực Gia Lai cho biết đơn vị chủ đầu tư sẽ làm lại đoạn cống xả bị sạt trong thời gian tới.

Công ty Điện lực Gia Lai khẳng định, chỉ khi nào đập làm xong, chủ đầu tư trình hồ sơ xin hòa lưới điện quốc gia thì công ty mới làm các bước tiếp theo như kiểm nghiệm, thẩm định... xem đập có đảm bảo các yêu cầu để phát điện hòa lưới hay không.

Liên quan đến trách nhiệm của Công ty cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long khi sự cố xảy ra, ông Hùng cho hay: "Giám đốc công ty này đang đi công tác ở TP HCM, chỉ có các nhân viên kỹ thuật lo chuyện ngoài đập nên cơ quan chức năng chưa làm việc với công ty này".

 

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích