Hôm nay, người Hà Nội đón Tết Đoan Ngọ. Dạo quanh khu phố cổ, các chợ đâu đâu cũng thấy sực nức mùi thơm của rượu nếp.
Ghi nhận của phóng viên tại chợ Hôm, chợ Hàng Da, khu phố Gia Ngư, từ sáng sớm, người mua hàng chuẩn bị lễ cho gia đình đã tấp nập.
Bác Trần Thị Liên (60 tuổi, Tràng Tiền, HN) cho biết: “Gia đình tôi vốn có truyền thống ăn Tết Đoan Ngọ. Những năm trước vào ngày này, con cháu quây quần trong nhà vui lắm! Năm nay, con cháu đều đi làm, đi học xa không về nên tôi không mua sắm nhiều. Chỉ mua ít hoa quả, rượu nếp về thắp hương.”
Nhớ lại phong tục Tết Đoan Ngọ, bác Nguyễn Thị Hợi (65 tuổi, phố Gia Ngư) nói: “Trước đây, ngày Tết Đoan Ngọ, cả nhà tôi đều dậy sớm tắm nước lá mùi rồi bôi vôi trắng lên cổ, ăn mận chua và rượu nếp để diệt sâu bọ. Bữa trưa thường chuẩn bị ngỗng quay, chè đỗ đen. Bây giờ, gia đình ai cũng bận rộn, không có thời gian để đón tết như trước đây”.
Chị Bùi Thị Huệ, bán hoa quả ở Hàng Bè cho biết: “Thường mọi năm người mua hoa quả rất đông, năm nay ít hơn hẳn”.
Một số hình ảnh ghi lại tại các chợ và khu phố cổ ở Hà Nội:
Tại chợ Hôm, các sạp hàng bán rượu nếp tấp nập người mua.
Rượu nếp được bán với giá 60.000 – 70.000đ/kg.
Trên phố cổ, nhiều người gánh rượu nếp bán rong.
Vợ chồng anh Phạm Mạnh Thắng bán rượu nếp trên phố Hàng Bạc từ ngày mùng 4. Anh Thắng cho biết, trong hai ngày vợ chồng anh bán được 2 tạ rượu nếp.
Sạp hàng của cô Thúy Loan thường ngày bán chè, Tết Đoan Ngọ chuyển sang bán rượu nếp.
Ăn vải để “giết sâu bọ”.
Chị Bùi Thị Huệ (Hàng Bè) bên sạp hàng hoa quả vắng khách. |
Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là “Tết giết sâu bọ” vào ngày mùng 5 tháng 5 (Âm lịch). Theo quan niệm của người Việt, Tết Đoan Ngọ là tết giữa năm, khi mặt trời gần trái đất nhất, dương khí cực thịnh. Đây cũng là “ngày giết sâu bọ”, tiêu diệt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng. Người ta cũng tin rằng vào thời gian đầu tiên trong ngày, ăn hoa quả chua, rượu nếp thì giun sán trong người sẽ chết hết. |
Theo Khám phá