Cô giáo ở "lò luyện thi ê a" lên tiếng

Thứ tư, 19/06/2013, 19:18
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Nguyệt Hà, từng luyện thi đại học 11 năm tại Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết "lớp học ê a" chỉ là buổi tổng ôn kiến thức cho học sinh theo học mình đã lâu.
lò luyện thi

Trong mỗi bộ đề gửi trò, cô Nguyệt Hà đều lồng ghép những câu chuyện giản dị về cuộc sống như một lời nhắn nhủ đến trò phải sống hướng thiện, sống tốt. (Ảnh: Phong Đăng)

Sau khi xem "những hình ảnh ê a" tại lớp luyện thi của mình, cô giáo Nguyễn Nguyệt Hà cho biết, sự nhí nhố và hỗn độn không xảy ra trong lớp.

"Bạn hãy đặt câu hỏi 600 con người ngồi một căn phòng như vậy, chỉ cần một cháu thở nhẹ đã trở thành ồn ào, không nghe được. Vậy cớ gì một phòng học không điều hòa, chật chội nóng bức như vậy mà các em lại xin vào để học? Nói các em đến để giết thời gian, chơi điện tử, ngủ gật là hoàn toàn sai".

Vậy hình ảnh học sinh nằm ngủ, chơi điện tử được ghi lúc giờ ra chơi?

Đúng vậy. Các hình ảnh được ghép vào lúc tôi dạy.

Về chuyện ê a, bạn hãy tưởng tượng học gần năm tiếng từ 7h đến 11h45, liệu có ai làm được điều đó?

Phần ghi âm đọc là khi tôi kiểm tra bài cũ của học sinh, kiểm tra những cái đã dạy chứ không phải đọc vẹt.

Đây là cách kiểm tra mang tính đặc thù, bởi lớp rất đông; không thể chấm bài cho từng cháu một.

Khi dạy môn văn, cũng có ba-rem chấm điểm, dàn ý cơ bản. Đó là những cái tối thiểu mà học trò phải hiểu, thuộc và ghi nhớ.

Tôi kiểm tra cái cơ bản, không phải bắt các em đọc như vẹt.

lò luyện thi

Nhiều học sinh xa lạ lại dành cho cô Nguyệt Hà tình cảm và cả nước mắt. Ảnh: Phong Đăng).

Bài kiểm tra như cô nói diễn ra đầu hay cuối buổi dạy?

Nó diễn ra đan xen. Bởi trong gần 5 tiếng, ví dụ, giảng chuyên đề về "Hồ Chí Minh" thì kiểm tra lại xem các em đã biết gì về quan điểm nghệ thuật của Hồ Chí Minh, nhắc lại cho cô.

Tôi khuyến khích các em đọc lên thành tiếng. Các em đọc để soi mình vào các bạn khác. Tại sao cùng kiến thức cô dạy, các bạn lại hiểu và thuộc, còn em chưa thuộc?

Đây không phải học vẹt mà hoàn toàn là kiến thức cơ bản nhất trò phải nhớ.

Bạn cũng cần đặt câu hỏi lại mấy năm trở lại đây, đề văn ra theo hình thức "mở". Liệu cô giáo dạy vẹt như vậy có thu hút được cả nghìn học sinh đến học hay không?

Học sinh tôi dạy cũng không phải lũ vẹt ngô nghê, ê a, không phải tư duy, ghi chép gì.

Cần phải nói rõ, tôi chưa bao giờ dạy cấp tốc. Buổi học "ê a" đó buổi học tổng ôn. Đặc thù của nó là nhắc lại những gì đã học, rút xương lại những ý chính, cơ bản.

Buổi học đó được gộp từ 4 lớp mà tôi đã dạy học gần một năm nay. Từ tháng 5/2012, các lớp này chỉ học một buổi mỗi tuần.

lò luyện thi
Lớp học tại trung tâm sáng 19/6. Ảnh: Phong Đăng

  "Tôi tin bạn cũng sẽ thích"

Phương pháp dạy văn của cô là gì?

Đó là lấy học sinh làm điểm tựa, khơi mở sự sáng tạo của học sinh. Đề của tôi làm đúng theo hình thức đề mà Bộ ra thi đại học những năm gần đây.

Câu hai điểm yêu cầu tái hiện kiến thức cơ bản trong phạm trù năm thi đại học, có năm tác giả.

Ở câu nghị luận xã hội, tôi cho thí dụ về những chủ đề như Tổ quốc, nghị lực sống, lòng dũng cảm, biết ơn. Qua từng chủ đề, cô khơi gợi để các em phát huy tính sáng tạo của mình.

Tôi đã từng dạy một em đánh giày lăn lóc ở phố Huỳnh Thúc Kháng từ chỗ nói tục đến khi gặp cô giáo thì không nói tục nữa. Từ chỗ không có ước mơ đến có ước mơ trở thành nghề báo.

Tôi tự hỏi, nếu mình dạy vẹt có ra được những con người như vậy? Tôi tự tin khi thủ khoa và á khoa năm 2012 của Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội với 9,5 điểm và 9 điểm môn Ngữ văn mà mình đã dạy thì các em không phải là những con vẹt.

Bạn có thể tin, khi giảng bài về tổ quốc ở phần nghị luận xã hội, tôi nói “học vấn không có quê hương nhưng người học cần có tổ quốc” mà cả lớp vỗ tay dành tặng tôi như với ca sĩ.

Bài nghị luận bài cảm ơn tôi gợi mở: “Một trong những lời nói văn minh thanh lịch của học sinh là hai chữ cảm ơn. Anh chị suy nghĩ gì và hãy viết khoảng 400 từ”. Tôi gợi ý xong, một em ở Hà Tĩnh gọi điện về cho bố mẹ. Và bạn biết không, bố mẹ em ấy nói hơn 17 năm qua, bây giờ họ mới đón nhận từ con điều này.

Tôi nghĩ, mình đã làm được điều gì đó. Các bạn có thể lên lớp nghe tôi giảng trọn buổi để kiểm chứng điều tôi nói có đúng hay không? Tôi tin bạn cũng sẽ thích cách tôi dạy học trò.

Lựa chọn cá tính

lò luyện thi
Ngoài dạy, cô ở đâu còn công tác ở đâu?

Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tôi ra làm ngay tại trung tâm luyện thi này và chỉ ở đây thôi.

11 năm làm luyện thi, tôi luôn nói với trò rằng, cô không nằm trong ban ra đề thi, cũng không có nhan sắc đề quyến rũ học sinh và một phòng không có điều hòa, quạt chỉ vừa đủ. Vậy mà các em vẫn chọn đứng về phía tôi.

Tôi chọn nơi này vì đây là “sân chơi đẹp”, không ép học sinh đến học, không phụ thuộc điểm số, quyền lực. Trò yêu cô thực sự mới học được. Và cô giáo thực sự tài năng mới đứng được nơi này. Chỉ cần một ca học đầu không hay thì các em trả lại tiền ra về.

Tôi rất thích nhân vật ông lái đò trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân. Ông lái đò nói ông đi những chỗ nước êm, nó dại tay dại chân và buồn ngủ. Ông thích ghềnh thác. Đấy là sở thích của những con người mạo hiểm và có tài.

Tôi sinh ra với một cá tính, tôi muốn khẳng định mình. Một cô giáo không ép học sinh điểm số, không ép trò vì quyền lực không có chức vị gì trong cuộc sống, tại sao lại thu hút được nếu không có tâm, thiện chân để giữ chân học sinh?

Một học sinh xa lạ lại dành cho tôi những giọt nước mắt. Điều đó thật hạnh phúc biết bao. Tôi tin, không phải giáo viên nào cũng làm được điều ấy.

Cảm ơn cô!

Sở GD-ĐT Hà Nội đã dự giờ

Sáng 18/6, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Thị Hồng Nga  đã có buổi làm việc với Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Dịch Vọng (Cầu Giấy) xung quanh những hình ảnh của "lớp học ê a". Lãnh đạo Sở cũng đã trực tiếp nghe cô Nguyệt Hà giảng bài cho học sinh.

Bà Nguyễn Thị Thời, giáo viên cấp một đã nghỉ hưu cũng là người sáng lập ra Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội): 

Trung tâm chúng tôi được Sở GD-ĐT Hà Nội cấp phép hoạt động chính thức từ năm 1999. Hiện TT có 15 giáo viên. Thời kỳ hoàng kim của TT là những năm 1999-2002, 2003 bắt đầu đi xuống, đến 2006 giảm mạnh do thi ba chung áp dụng. Một hai năm qua TT lại càng vắng. Trung tâm chỉ đông khoảng tháng 5, tháng 6. Sau đó vắng. Kể cả đợt này, các lớp học cũng không thật đông.

Công việc không thuận lợi, lỗ nhiều gia đình tôi đã phải bán hai nhà ở Khu tập thể Trường ĐH Sư phạm HN và khu Mỹ Đình. Hiện cả gia đình đang trọ thuê ở khu vực Mỹ Đình.

Tuy nhiên riêng lớp của cô Nguyệt Hà vẫn rất đông. Các em muốn học thường đăng ký học cách đây 3 tháng. Hình ảnh trong clip là buổi tổng ôn của những em đã học được một năm ở Trung tâm (từ tháng 5/2012). Bốn lớp với hơn 600 em.

Cô Nguyệt Hà là người có năng lực, tâm huyết với nghề, hết lòng với học sinh. Có buổi cô đi dạy học xong thì nôn do quá mệt mỏi. Tôi nghĩ cô làm không phải vì đồng tiền nữa mà chính bởi tình yêu thực sự với trò. Nhiều em có hoàn cảnh nghèo cô dạy miễn phí.

 

Theo VNN

Các tin cũ hơn