Nửa làng… góa chồng
Chồng mất vì đá, chị Ngọc Út một nách phải nuôi 3 con nhỏ. |
Vì mưu sinh mà những người đàn ông trong làng ngày ngày phải treo mình trên vách núi để làm việc trong rình rập của tử thần. Cái nghề nguy hiểm đó đã đem về cho làng Pháp Cổ biết bao đau thương kinh hoàng cùng cảnh góa bụa của nhiều thế hệ phụ nữ. Đá rồi cũng hết nhưng nỗi đau sẽ khó có thể nguôi ngoai trên những gương mặt khô héo của những quả phụ góa chồng ở làng Pháp Cổ.
Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Lại Xuân thì địa phương có hàng trăm phụ nữ chồng mất sớm, riêng làng Pháp Cổ hiện còn trên 120 phụ nữ đang sống như những hòn vọng phu.
Nhưng theo người dân Pháp Cổ, số phụ nữ góa trong làng còn cao hơn thế và chồng họ chết chủ yếu vì đá. Bà Trần Thị Hạnh, làng Pháp Cổ kể: “Chỉ một góc xóm 5 dưới chân núi đá có chục nhà thì đến 6 nhà góa chồng vì đá. Tính ra, làng Pháp Cổ có đến phân nửa số phụ nữ góa chồng”. Nỗi đau cứ nối tiếp nỗi đau…
Chị Đỗ Thị Chuyên, xóm 7 từng một thời nổi tiếng là hoa khôi làng Pháp Cổ. Tai nạn đá đã cướp đi người chồng thân yêu, bỏ lại cho chị, lúc ấy mới 22 tuổi, 2 đứa con thơ. Suốt 15 năm qua, chị phải làm thay công việc của chồng nuôi dạy 2 con. Chị vẫn đẹp nhưng trong sâu thẳm, trái tim của người quả phụ này dường như cũng đã hóa đá vì vất vả và đau thương.
Bà Ngô Thị Kim Tý (72 tuổi), ở xóm 5, chồng mất do đá khi bà mới 31 tuổi, một mình bà ở vậy nuôi 6 con thơ. Đến đời sau, anh con trai út của bà là Nguyễn Văn Long theo nghiệp cha ông cũng thiệt mạng năm 32 tuổi. Thế là chị Trần Thị Hậu, con dâu bà lại phải sống cảnh góa bụa nuôi 2 đứa con nhỏ dại…
Cực lòng hơn là cụ Nguyễn Thị Khíu (90 tuổi), ở xóm 5, chồng mất sớm vì tai nạn, một mình cụ lận đận nuôi 8 người con. Nghèo khó, chẳng được học hành đến nơi đến chốn, lớn lên họ không còn con đường kiếm sống nào khác ngoài nghiệp treo mình trên những vách đá tử thần để đào cơm núi.
Và, 3 người con trai của cụ đã lần lượt nằm xuống, bỏ lại đằng sau 3 quả phụ trẻ và những đứa con thơ dại với những gánh nặng gia đình chồng chất. Nhưng có lẽ gánh nhiều đau khổ nhất là con dâu thứ 4 của cụ - bà Bùi Thị Vi, cùng ở thôn 5.
Chẳng nghề nghiệp trong tay, một mình không cáng đáng nổi việc nuôi dạy 3 người con trai, thế là anh nghiện ma túy, anh phạm pháp vào tù, anh còn lại cũng lam lũ nghề đá. Nỗi đau chồng nỗi đau, hàng ngày bà Vi chỉ còn biết thắp hương than phận trước mộ chồng…
"Chỉ một góc xóm 5 dưới chân núi đá có chục nhà thì đến 6 nhà góa chồng vì đá. Tính ra, làng Pháp Cổ có đến phân nửa số phụ nữ góa chồng" Bà Trần Thị Hạnh |
Bất hạnh đang mòn mỏi trên gương mặt những quả phụ thì đau thương lại liên tục giáng xuống từ các công trường khai thác đá.
Hồi 10 giờ 40 phút ngày 21.5.2012, tại núi đá Trượt của làng Pháp Cổ, những thợ khoan vừa nhồi thuốc còn chưa kịp về nơi tập kết để đóng điện thì bất ngờ mìn nổ. 9 thợ đá thiệt mạng ngay tại chỗ.
Ngày hôm đó, Pháp Cổ thành làng trắng khăn tang và tiếng khóc hờn ai oán cái nghề phu đá bạc mệnh. Gần chục phụ nữ bỗng chốc trở thành góa bụa. Còn hoàn cảnh nào khổ hơn nỗi khổ của những phụ nữ góa chồng nơi xóm núi nghèo ấy?
Có lẽ ở làng Pháp Cổ người ta vẫn ám ảnh người phụ nữ mang bầu ngất lên ngất xuống vì chồng chết trong cái vụ tai nạn đá hồi tháng 5 đó. Đấy là chị Nguyễn Thị Ngọc Út (29 tuổi), ở xóm 5. Chồng chị là Nguyễn Tiến Anh mất khi chị đang mang bầu đứa con út hơn 5 tháng. Anh ra đi để lại cho chị một nách 3 đứa con thơ dại và công nợ xây nhà còn đang chồng chất.
Giờ, thằng Cường lớn nhất học lớp 3, con Doanh học lớp 2 và đứa út của chị mới được 10 tháng tuổi. Có lẽ cả cuộc đời này chúng chỉ mơ hồ tưởng tượng về bố qua lời kể của mẹ và những tấm hình ít ỏi của bố còn để lại.
Nhiều lúc chị Út phải nghẹn lòng quay đầu đi, chị không dám nhìn thẳng vào 3 đứa con thơ dại, cố nuốt những giọt nước mắt cứ chực rơi vào lòng khi nghe con Doanh nũng nịu với mẹ mà ước ao: “Giá như bố còn sống…”. Có lẽ ở làng Pháp Cổ, có hàng trăm đứa trẻ mồ côi ao ước như thế…
Mới ngoài 30 tuổi nhưng trông chị Út lúc nào cũng thoáng nỗi buồn dù cố gượng cười. “Vừa rồi ở xóm, nhà em được hộ nghèo nhưng lên xã thì lại bị gạt ra vì xã bảo chồng em vừa mất, được tiền đền bù thì 3 mẹ con vẫn sinh sống được nên xã không cho.
Em chỉ mong các cháu đi học được miễn tiền học và tiền bảo hiểm để 4 mẹ con em đỡ khó khăn”. Giờ đây nghề nghiệp không có, biết làm gì để sống, trả nợ và nuôi các con ăn học, cuộc sống của mẹ con chị Út rồi không biết sẽ đi đâu về đâu…
Ông Nguyễn Văn Gọng (65 tuổi), làng Pháp Cổ, xã Lại Xuân trăn trở: Tai nạn rủi ro quá lớn, chỉ mong sao các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ cả về kỹ thuật khai thác và cả mặt kinh tế. Bây giờ một số cháu khá trẻ nhưng đã góa chồng. Lúc chồng chết mới mang bầu, giờ không biết nuôi con bằng cách nào.
Đá rồi cũng sẽ hết, song nếu không có những giải pháp quyết liệt thì không những để lại hệ lụy cạn kiệt tài nguyên, hoang tàn về môi trường mà sẽ còn để lại tiếp trong xã hội những gia cảnh thương tâm như cụ Khíu, bà Vi, chị Út… Và người làng Pháp Cổ không muốn thêm những quả phụ hóa đá…
Theo Danviet