Ngày tang thương trong đại gia đình tử vong bí ẩn

Thứ hai, 08/07/2013, 12:24
Mất mát tiếp tục diễn ra đối với gia đình ông Rạng, đó là sự ra đi đột ngột sau cơn co giật cứng người của anh Trần Văn Út.

Hôm 100 ngày ông Trần Văn Rạng (Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình), đang trong lúc cúng, hàng loạt người sợ hãi, lăn ra ngất xỉu, co giật. Người chết tại chỗ, người chết trên đường đến bệnh viện, khiến cả làng náo loạn, tang thương.

Ông Nguyễn Văn Thung sợ hãi nhớ lại: “Lúc đó, tôi vừa dặn dò bà Đào giữ gìn sức khỏe, chuẩn bị ra về, thì cháu Khánh bỗng ngã lăn ra chiếu, lên cơn co giật, sùi bọt ở mép, mắt cứ trợn lên. Tôi có cảm giác như cháu bị ngạt thở, hoặc lên cơn đau tim đột ngột. Cháu không nói được gì. Mọi người làm các động tác hô hấp cho cháu, nhưng chỉ vài phút sau, khi mọi người còn đang hoảng loạn, chưa biết tính toán tiếp theo thế nào, thì cháu đã tắt thở. 

Nhìn thấy cháu Khánh như vậy, tự dưng tôi thấy choáng váng đầu óc, mất thăng bằng hoàn toàn, rồi đổ kềnh ra đất, không biết gì nữa. Sau này mọi người mới kể lại, là tôi lăn ra bất tỉnh, gọi mãi không dậy. Khi đó gia đình náo loạn lắm, không biết xử trí tôi thế nào, thấy tôi vẫn còn thở, nên gọi người nhà tôi sang khênh tôi về. 

dai tang
Ngôi miếu dựng lại trước nhà anh Trần Văn Út 
dai tang
Ngõ vào nhà ông Rạng 

Con cháu chườm nước mát, xức dầu gió một lúc thì tôi tỉnh dậy. Lúc tỉnh lại, đầu óc nhận biết rõ mọi thứ, hình dung lại được mọi việc, nhưng người thì mệt lử, cảm giác như bị rút mất hết sức lực. 

Tôi nằm đến 3 giờ chiều, thì bên nhà ông Rạng chạy sang báo là bà Đào, em gái tôi đã qua đời. Lúc đó, dù mệt lắm, nhưng tôi vẫn cố gắng gượng gọi con chở tôi lên bệnh viện đa khoa tỉnh ở thị xã”.

Chiều hôm đó, ông Nguyễn Văn Thung mới biết sự thể diễn ra tại lễ cúng trăm ngày ông Rạng cực kỳ khủng khiếp. Ngay khi cháu Khánh qua đời, ông Thung ngất xỉu, thì hàng loạt người có mặt đều bất tỉnh nhân sự. 

Tuy nhiên, một lúc sau thì hầu hết đều tỉnh lại, riêng bà Đào, anh Út và vợ là chị Nhung là bị nặng nhất. Cả 3 mẹ con bà Đào đều bị những cơn co giật rúm người, mặt mũi méo xệch, mắt mũi trợn ngược. Anh Út đang ngồi trên ghế mà cơn co giật mạnh đến nỗi đổ ghế bật ngửa ra sau bất tỉnh. 

Đại gia đình đã xúm vào đưa bà Đào, anh Út, chị Nhung đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Lúc ông Thung lên đến nơi, thấy phòng cấp cứu đóng kín cửa, mọi người đứng ở bên ngoài nói chuyện rầm rì. Bên trong phòng cấp cứu, bà Đào nằm bất động trên giường, đeo mặt nạ thở ôxi.

dai tang
Ngôi nhà bỏ hoang của ông Rạng 

Ông Nguyễn Văn Thung buồn bã nhớ lại cái chết đột ngột của em gái: “Lúc tôi lên bệnh viện, thấy khuôn mặt mọi người đều buồn bã, nên tôi biết có chuyện chẳng lành. Lát sau thì tiếng còi hú xe cấp cứu vang lên, rồi bác sĩ đưa cô ấy lên xe.

Họ không cho người nhà lại gần. Tôi nhìn thấy cô ấy vẫn đeo mặt nạ bình thở ôxi. Mấy người bảo cô ấy đã chết, nhưng tôi không tin. Tôi tưởng họ đưa lên tuyến trên ở Hà Nội, nào ngờ xe chạy ngược về Vũ Tây. 

Con trai chở tôi bằng xe máy chạy sau xe cấp cứu. Người thì bảo cô Đào chết rồi, người bảo vẫn còn sống. Nếu không còn sống, thì cho thở bình ôxi làm gì? Nhưng xe chạy về đến đầu ngõ, thì cô y tá này gỡ bình ôxi khỏi mặt cô ấy và yêu cầu mọi người đưa cô ấy vào trong nhà. 

Lúc đó, tôi mới biết cô ấy đã qua đời trên đường đến bệnh viện. Bác sĩ vẫn cho đeo bình thở để đánh lạc hướng mấy chục người trong gia đình ông Rạng. Có lẽ họ không công bố rộng rãi cái chết của cô ấy ở bệnh viện, để tránh gây hoang mang cho mọi người.

Trong gia đình, tôi thương cái Đào nhất. Cô ấy hiền lành như cục đất, chỉ biết cắm cúi chăm chỉ làm lụng, chăm lo cho chồng con, chưa bao giờ có điều tiếng gì với gia đình, hàng xóm cả”. 

dai tang
Bà Lưu (cô ông Rạng) bên ban thờ lạnh lẽo khói hương 

Nghe tin em gái mình chết, ông Thung lại quỵ xuống. Vừa đau buồn vì mất em gái, vừa mệt mỏi sau lần ngất hồi trưa, còn chưa khỏe lại, nên ông không còn chút sức lực nào. Em gái chết nằm đấy, mà con cháu lại phải khênh ông Thung về nhà nằm, vì ông không làm được gì nữa. 

Nhà ông Rạng thì còn loạn cả lên với cái chết của cháu Khánh. Rồi vợ chồng anh Út, chị Nhung vẫn đang thập tử nhất sinh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, chưa biết sống chết thế nào. Buổi trưa làm cúng 100 ngày cho ông Rạng hôm ấy, rất nhiều người lăn ra ngất, hai người chết, mấy người phải cấp cứu, khiến dân tình náo loạn, không ai dám bén mảng đến nhà ông Rạng nữa. 

Lúc ông Thung tỉnh táo lại, gượng ngồi dậy được, liền sai con cháu chạy sang nhà ông Rạng xem tình hình thế nào, nhưng chỉ có một người con dám sang. Nhìn cảnh hai chiếc quan tài, một của bà, một của cháu kê trong nhà, chỉ có lèo tèo vài người lớn tuổi, ngồi trông áo quan mà nơm nớp lo sợ, người con này chạy về báo với ông Thung. 

Ông Thung đau xót quá, mới bắt con cái dìu sang hương khói cho em gái. Ông cũng yêu cầu con cháu, anh em nhà mình sang giúp đỡ gia đình ông Rạng, bởi đại gia đình ông Rạng đang trong cơn bấn loạn khủng khiếp. 

dai tang

Đám tang ông Rạng 

Tang lễ bà Nguyễn Thị Đào và cháu nội Trần Quốc Khánh diễn ra trong không khí sầu thảm. Người dân trong xóm xót thương, rơi lệ, nhưng chẳng ai dám đến tiễn đưa. Người ta chỉ dám đứng từ xa nhìn đám con cháu họ Trần đẩy xe tang, khóc thương ai oán.

Khi mộ bà Đào đã đắp xong, mọi người làm lễ cúng cơm 3 ngày, thì chị Vũ Thị Nhung được xuất viện. Mọi người đưa chị về nhà, để chị thắp nén nhang, quỳ gối trước di ảnh mẹ chồng, và khóc ngất trước di ảnh cậu con trai duy nhất. 

Không để chị Nhung ở lại lâu, gia đình đã đưa ngay về nhà cha mẹ đẻ ở xã Vũ Đông, để tránh thảm họa có nguy cơ xảy ra với chị.

Những ngày ở nhà bố mẹ đẻ, dù vô cùng đau buồn vì cái chết của mẹ chồng, của cậu con trai duy nhất, rồi người chồng đang đấu tranh giành sự sống với tử thần ở bệnh viện, nhưng chị Nhung không ngất lần nào. Thế nhưng, hễ cứ về nhà chồng, lập tức chị run lẩy bẩy, có dấu hiệu xảy ra hiện tượng bị co giật. Hãi quá, không ai cho chị về nhà nữa.

Sau hơn nửa tháng điều trị tích cực ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, rồi một số bệnh viện ở Hà Nội, anh Trần Văn Út đã được ra viện. Mọi người khuyên can nên về nhà vợ ở xã Vũ Đông ở tạm, chờ thời gian nữa hãy về nhà mình, nhưng anh Út không nghe. Anh muốn về nhà, hương khói cho bố mẹ, anh trai và cậu con trai duy nhất. 

Chị Nhung thấy chồng nhất quyết về, nên cũng can đảm theo chồng về nhà. Và mất mát tiếp tục diễn ra đối với gia đình ông Rạng, đó là sự ra đi đột ngột sau cơn co giật cứng người của anh Trần Văn Út. 

Bữa đó, vợ chồng anh Út đang ngồi ăn cơm trên ghế, thì anh Út làm rơi bát, co rúm người, ngã vật xuống đất và tắt thở, không kịp trăng trối câu gì. Chị Nhung nhìn chồng ngã vật ra đất, bỗng cứng đờ người, không há nổi miệng kêu cứu. Cấm khẩu độ mấy phút, thì chị cũng bất tỉnh luôn. 

Mấy người thân trong gia đình đưa chị Nhung đi bệnh viện kịp thời, nên cứu sống được chị. Anh Út chết quá nhanh, không thể cứu nổi nữa.

Chuyên gia thôi miên y khoa Nguyễn Mạnh Quân: “Cái chết của gia đình họ Trần ở Thái Bình là hiệu ứng NOCEBO. Các nhà khoa học thế giới đã tiến hành nhiều thí nghiệm và khẳng định có thể sử dụng sức mạnh của ám thị để củng cố sức khỏe, đó là hiệu ứng PLACEBO (dịch là “tôi được yêu thích”) và cũng có thể sử dụng hiệu ứng NOCEBO (dịch từ tiếng Latinh có nghĩa là "tôi mang tới cái hại") để gây bệnh, thậm chí là giết người. 

Thuật ngữ NOCEBO mới xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ trước và cơ chế tác động của hiệu ứng này cho tới nay vẫn chưa được nghiên cứu kỹ bởi lẽ rất khó nhận được sự đồng ý tiến hành những thí nghiệm mà chưa làm đã biết là có tác động xấu tới sức khoẻ của con người. Nếu con người quả thực có thể chết vì bùa chú thì đó chỉ là một biểu hiện quá đà của hiện ứng NOCEBO. 

Hiện tượng NOCEBO thì tôi đã gặp quá nhiều ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Hiện tượng học sinh ngất hàng loạt, bị “vong nhập” hàng loạt chính là hiệu ứng NOCEBO. Những cái chết trùng tang cũng là hiệu ứng khủng khiếp này. Đặc biệt, chuyện đi cầu con khiến bụng to tướng chính là biểu hiện rõ rệt của hiệu ứng NOCEBO. 

Chính vì sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân nước ta, lại có đầu óc mê tín dị đoan, nên hiệu ứng này mới có đất sống. Một xã hội lành mạnh, con người phải tin vào khoa học. Nếu con người cứ chìm đắm vào chuyện ma quỷ, tin đồn rùng rợn, thì sẽ đến một ngày, con người sẽ là nô lệ của cái thế giới vô hình hư ảo, thậm chí là chết người như câu chuyện của họ Trần ở Thái Bình”.

Theo VTC

Các tin cũ hơn