Theo các nhà khoa học, cái chết như một làn sóng, lan rộng từ tế bào này sang tế bào khác cho đến khi toàn bộ cơ thể chết đi.
Để nghiên cứu cái chết trên các loài động vật (kể cả con người) luôn vô cùng khó khăn. Vì vậy, các nhà khoa học đã tập trung phân tích trên những con sâu do chúng cũng có những cơ chế tương tự như của động vật có vú.
Một đặc điểm đáng chú ý của sâu là khi chúng chết, có thể dễ dàng quan sát được sự lây lan của cái chết khi nhìn dưới kính hiển vi.
Giáo sư David Gems từ Viện Sức khỏe lão hóa tại Đại học London, trưởng nhóm nghiên cứu, giải thích: "Chúng tôi đã nhìn thấy con đường hóa học của sự lan truyền tế bào chết trong sâu. Đó là ánh sáng màu xanh huỳnh quang tỏa đi khắp cơ thể cho đến khi sự sống bị dập tắt. Nguồn gốc của màu xanh là do phân tử có tên là acid anthranilic.
Sự căng thẳng và mệt mỏi dẫn đến sốc và khiến các tế bào trong cơ thể chết đi, kích hoạt phản ứng hóa học dẫn đến sự phân hủy của các thành phần của tế bào. Do đó, toàn bộ cơ thể không chết ngay lập tức. Quá trình này xảy ra nhưng chậm hơn rất nhiều so với suy nghĩ trước đây của chúng ta và tùy thuộc vào lứa tuổi của cá thể”.
Cái chết không diễn ra ngay lập tức như chúng ta nghĩ. Ảnh:Discovery
Trong một số trường hợp, các nhà khoa học có thể ngăn chặn quá trình sinh hóa dẫn đến làn sóng chết chóc này, làm sống lại cá thể.
Tuy nhiên, họ không thể làm sống lại tất cả các tế bào. Họ chỉ có thể ngăn chặn sự lây lan tín hiệu sinh hóa của cái chết trong những trường hợp không liên quan tới lão hóa.
Ông Gems phân tích: "Chúng tôi có thể trì hoãn cái chết chẳng hạn do nhiễm trùng bằng cách ngăn chặn đường đi của cái chết. Nhưng chúng tôi không thể làm chậm quá trình tử vong do tuổi già. Điều này cho thấy, cái chết do lão hóa là kết quả của nhiều quá trình sinh hóa hoạt động cùng lúc".
Phát hiện này làm dấy lên mối nghi ngờ về giả thuyết: Lão hóa đơn giản là hệ quả của sự tích tụ các thiệt hại phân tử. Chúng ta cần tập trung vào các hiện tượng sinh học xảy ra trong quá trình lão hóa và cái chết để hiểu đúng làm thế nào để ngăn chặn các quá trình này.".
Nghiên cứu được công bố trên số mới nhất của tạp chí PLoS Biology.
Theo Khampha