Trao đổi với PV chiều 3/9, ông Đoàn Sung, cố vấn Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương (đơn vị được tỉnh Quảng Ngãi cho phép mở rộng thăm dò, khảo sát vùng biển Bình Châu) cho biết, trong tháng 9, công ty sẽ tiến hành khai quật cổ vật trên con tàu chìm vừa được phát hiện ở eo biển Vũng Tàu.
Thợ lặn sẽ tham gia khai quật cổ vật trên con tàu chìm vừa mới phát hiện ở eo biển Vũng Tàu, vùng biển Bình Châu. |
Con tàu chìm chứa cổ vật này ở thôn Châu Thuận Biển được phát hiện cách con tàu chứa cổ vật 700 tuổi đã khai quật hai tháng trước khoảng 150m về hướng Tây Bắc, cách bờ chỉ 200m và sâu chừng 4m.Qua khảo sát sơ bộ, số cổ vật trên con tàu chìm này có số lượng khá lớn (khoảng hơn 8.000 hiện vật).
"Do mùa mưa bão đã cận kề nên chúng tôi phải sử dụng thợ lặn và hoàn tất trong tháng 9 chứ không thể vây cọc cừ, khai quật như trên cạn giống con tàu chứa kho cổ vật 700 tuổi", ông Sung nói.
Cổ vật có hoa văn tinh xảo, độc đáo do ngư dân trục vớt trên con tàu chìm vừa được phát hiện ở vùng biển Bình Châu. |
Con tàu chìm này có bề ngang khoảng 5,5m, dài 25m gồm 8 chỗ chứa cổ vật vùi lấp trong cát đã phát lộ dưới đáy biển. Đây là con tàu cổ thứ 4 chứa "kho cổ vật" do ngư dân phát hiện kể từ năm 1999 đến nay.
TS Đoàn Ngọc Khôi, phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi nhận định, căn cứ vào hoa văn trên những mảnh gốm vỡ cổ vật tại hiện trường, con tàu này có niên đại khoảng thế kỷ 16- 17 và từng giao thương qua "con đường tơ lụa trên biển".
Hiện vùng biển Bình Châu đã được Chính phủ qui hoạch xây dựng cảng nước sâu Dung Quất 2. Trước tình hình này, tỉnh Quảng Ngãi đã cho phép Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương khẩn cấp khảo sát, khai quật khảo cổ học trong phạm vi khoảng 1.000 ha ở eo biển Vũng Tàu nhằm bảo tồn di sản văn hóa dưới nước lẫn trên bờ.
Liên quan đến việc bảo tồn xác con tàu chứa "kho cổ vật" 700 tuổi ở vùng biển Bình Châu, trong tháng 10 tới, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội thảo tầm quốc gia nhằm thu thập ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học tìm giải pháp bảo tồn tối ưu nhất là nên đưa con tàu lên bờ hay để lại dưới đáy biển.
Theo VNE