Minh Mạng thang là thuốc bổ hay dâm dược?

Thứ tư, 04/09/2013, 07:41
Từ lập luận Vua Minh Mạng có tới hàng trăm bà vợ và 142 người con mà người ta suy diễn rằng để có được “bản lĩnh” ấy, nhà vua đã dùng Minh Mạng thang. Vậy Minh Mạng thang là bổ dược hay dâm dược?

Thuốc gì cũng không bằng… “thuốc” lạ!

Khi bàn luận về công dụng của Minh Mạng thang, nhiều ý kiến cho rằng thực ra trên đời dù có phương thuốc “thần dược” ấy đi chăng nữa thì hiệu quả của “bản lĩnh đàn ông” có được phải nhờ vào sự tổng hòa của nhiều yếu tố gồm dinh dưỡng, sức khỏe, môi trường… và đặc biệt là “đối tác”.

Một người dù đầy đủ các yếu tố trên nhưng đối tác không hấp dẫn, mới lạ thì khả năng “đàn ông” cũng không thể như Vua Minh Mạng. Bí quyết nằm ở từ “lạ”.

Vua Minh Mạng sinh được 142 người con, nhưng nếu chừng ấy người con chỉ với một vài bà vợ thì đó mới là điều lạ cần nghiên cứu. Còn đây, ông ta có tới hàng trăm bà vợ (toàn là người đẹp được tuyển chọn, thậm chí có người lần đầu gặp mặt), trong số đó, không ít bà chỉ qua đêm một lần. Như vậy, rõ ràng, “đối tác” của Vua Minh Mạng luôn luôn mới lạ.

Một bác sĩ Tây y lại cho rằng câu chuyện “lục giao” hay “ngũ giao” chỉ là sự ngoa dụ thường thấy trong lối văn cổ, vì đó là điều không tưởng. Bởi theo ông, mỗi lần giao cấu, con người chỉ bắn tinh khí ra khoảng 2 – 4ml và muốn làm thụ thai, mỗi mililít tinh khí phải chứa 100 triệu tinh trùng và số tinh trùng quái dị phải dưới 20%.

luong y

Lương y Thích Tuệ Tâm khẳng định Minh Mạng thang chỉ là thuốc bổ chứ không phải “dâm dược”.

Khối lượng và sự đậm đặc của tinh khí thường giảm xuống mau chóng sau nhiều lần giao cấu liên tục. Như vậy trong một đêm 5 lần 6 lượt tính giao thì những lần sau chỉ có mà... bắn súng nước!

BS.TTND Nguyễn Xuân Hướng - nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam - cho biết: "Tôi đã từng phản biện một đề tài về Minh Mạng thang, hiện chưa có câu trả lời. Đó là Minh Mạng dùng bài thuốc này để được "Nhất dạ ngũ giao sinh lục tử", vậy tại sao Tự Đức không uống thuốc này để có con mà phải lấy cháu lên ngôi? Tại sao Khải Định cũng không uống để đẻ nhiều con trai?".

Lương y Trần Văn Quảng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Đông y - khẳng định, không có vị thuốc nào có công dụng để sinh con trai hay con gái. Uống thuốc bổ, rượu bổ là giúp cơ thể khoẻ mạnh, khi đó sức khoẻ tình dục cũng mạnh lên và người ta dễ dàng có con. Vì vậy, uống rượu Minh Mạng để sinh quý tử là kém hiểu biết.

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn - Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 - khẳng định, Minh Mạng thang có công dụng bồi bổ và kéo dài tuổi thọ, nhưng thiên về bổ dương, chỉ dùng cho những người có hội chứng dương hư.

Dương hư biểu hiện bằng các triệu chứng như thể trạng béo trệ hoặc yếu ớt, dễ bị cảm lạnh hay sợ lạnh, tay chân lạnh, sắc mặt trắng bệch, mệt mỏi như mất sức, ban ngày dễ vã mồ hôi, miệng nhạt, tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng loãng, nam giới thì di tinh, tinh dịch lạnh và loãng, có thể bị liệt dương, xuất tinh sớm, suy giảm ham muốn tình dục.

Những người có chứng âm hư không nên dùng rượu này vì nó sẽ làm cho âm hư càng hư thêm. Rốt cuộc uống rượu trường thọ thành đoản thọ, muốn sinh quý tử thì thành hoạn quan.

Như các bài trước đã nói, căn cứ vào các tài liệu lịch sử cũng như quần áo mà Vua Minh Mạng đã mặc còn lưu lại, cho thấy nhà vua là người vạm vỡ, mạnh khỏe, trong đời ông rất ít bệnh, chỉ vài lần ốm vặt. Với một người đàn ông có thể lực tốt như vậy kèm thêm “đối tác” luôn luôn mới lạ, trẻ đẹp thì khả năng “đàn ông” của ông cao cũng là chuyện dễ hiểu.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận công dụng của thuốc trong vấn đề tình dục. Với những trường hợp như Vua Minh Mạng, thuốc không phải là yếu tố cốt lõi để giải quyết vấn đề, mà chỉ là yếu tố có tác dụng phục hồi sức khỏe sau một quá trình bị “mất sức” mà thôi. Đó là cách lý giải của những người “ngoại đạo”, còn những nhà chuyên môn trong y học Đông phương thì giải thích ra sao?

Là bổ dược chứ không phải dâm dược

Lương y Thích Tuệ Tâm - Giám đốc Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa ở Huế - là một trong những người sưu tầm được nhiều nhất các dị bản “Minh Mạng thang” (17 bài), ông cũng thường xuyên sử dụng hai bài “nhất dạ...” vừa kể để bốc cho người bệnh có nhu cầu từ nhiều năm nay. Theo ông, người xưa lập phương thuốc phải tùy vào bệnh cảnh của từng người, gọi là “đối chứng, lập phương”. Không có một công thức cố định để áp dụng cho tất cả mọi người.

Bài thuốc Minh Mạng thang gồm 22 vị (có nơi còn bổ sung thêm 3 vị nữa là cao hổ cốt, cao ly tử, hồng cúc), trong đó nhóm bổ khí có bạch truật, phục linh, cam thảo, đại táo…; nhóm bổ huyết có dương quy, bạch thược, xuyên khung…; nhóm bổ âm có sa sâm, câu ký tử, thục địa…; nhóm bổ dương có nhục quế, đỗ trọng…; nhóm trừ phong thấp có mộc qua, tục đoạn, phòng phong, tàn giao, độc hoạt, thương truật…; nhóm mạnh gân cốt có đỗ trọng, ngưu tất, tục đoạn, mộc qua…; nhóm hành huyết có đào nhân, xuyên khung, đương quy…; nhóm hành khí có tàn bì…; nhóm kích thích tiêu hóa có đại hồi, bạch truật, trần bì, phục linh, cam thảo, đại táo…

Như vậy, bài thuốc này bao gồm các vị thuốc có tác dụng bổ khí huyết, bổ âm, bổ dương, trừ phong thấp, mạnh gân cốt, hành khí, hành huyết và kích thích tiêu hóa. Bài thuốc này cả nam và nữ đều dùng được.

“Tuy vậy, tùy từng trường hợp mà có thể gia giảm khác nhau (ví dụ mùa đông thì tăng thêm các vị nóng; người yếu thận thì phải tăng thêm các vị bổ thận; người không yếu thận nhưng bị phong thấp thì giảm bổ thận, tăng vị chống nhức mỏi...), nên muốn sử dụng hiệu quả thì phải tìm đến thầy thuốc bắt mạch kê đơn.

Còn uống rượu sản xuất đại trà, hoặc tự mua về ngâm rượu uống thì hầu như không có tác dụng, thậm chí còn bị tác dụng ngược...” - lương y Thích Tuệ Tâm nhận định.

Cũng lương y Thích Tuệ Tâm khẳng định: “Minh Mạng thang là một bài thuốc bồi bổ nguyên khí, bổ thận tráng dương rất tốt cho sức khỏe, dù trẻ hay già, có bệnh hay không có bệnh. Nó không phải là “dâm dược”, là thuốc hứng dục kiểu như Viagra hiện nay, nên không có gì đặc biệt lắm vì thuốc bổ thận tráng dương thì Đông y có nhiều bài, trong đó có bài còn hay hơn Minh Mạng thang nhiều”.

Đồng quan điểm này, bác sĩ, lương y Đoàn Văn Quýnh - giảng viên Trường Đại học Y Dược Huế - cho rằng theo y học phương Đông, con người là một chỉnh thể bất khả phân, sức khỏe là sự điều hòa khí huyết, cân bằng âm dương, trên thông với trời, dưới thông với đất, chứ không phải kích thích riêng lẻ từng bộ phận, từng cơ quan như quan niệm của y học phương Tây.

Theo đó, Minh Mạng thang là một loại thuốc bổ chứ không phải là thang thuốc dâm dược mà nhiều tác giả trước đây đã vô tình hay cố ý đề cập làm cho nhiều người hiểu sai lệch.

Trong khi đó, bác sĩ Lê Văn Lân, trong bài Nhận định về công hiệu của Minh Mạng thang, cũng cho rằng: “Y dược Á Đông theo nguyên lý âm dương ngũ hành và được chế biến từ những nguyên liệu thiên nhiên mà hiện nay chưa có một sự phân chất thí nghiệm quy mô. Dược liệu Trung y qua hơn 5.000 năm lịch sử từng chứng tỏ công hiệu trên nhiều phương diện.

Ví dụ như nhung hươu non chứa nhiều kích thích tố, dùng trích tinh để thí nghiệm trên chuột thì thấy chuột tăng cường về sinh lý rõ ràng. Nhục thung dung là một loại nấm chứa nhiều mangan thường có trong nhiều thuốc kích dục.

Thành ra không phải y dược Á Đông không có hiệu nghiệm, nhưng hiệu nghiệm này còn rất ẩn, hầu như có tính chất huyền thoại, phải theo kinh nghiệm lâu đời của người xưa mà dùng lâu ngày mới thấy. Một yếu tố đáng kể là thể tạng của từng bệnh nhân đã đáp ứng ra sao với sự trị liệu nên thuốc dùng cho người này thì tốt mà dùng cho kẻ khác thì không”.

Vậy là có hay không “Minh Mạng thang”, đến bây giờ vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Nhiều lương y cho rằng việc tìm ra nguồn gốc “Minh Mạng thang” là cần thiết. Tuy nhiên, việc cần thiết hơn bây giờ là tìm hiểu logic chung của tất cả các bài thuốc có tên “Minh Mạng thang” được lưu truyền lâu nay để trên cơ sở đó không phủ nhận chúng và tìm cách để bài thuốc đó phát huy hiệu quả tốt hơn nữa.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích