Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân. |
Theo ông Quân, sai phạm tại bốn công ty công ích vừa qua là bài học xương máu của UBND TP.HCM.
“Trên bảo, dưới không nghe”
Theo báo cáo của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Thái Văn Rê, nhiều sở ngành không nộp báo cáo theo yêu cầu của UBND TP.HCM để Sở KH&ĐT tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội.
Ông Lê Hoàng Quân chất vấn: Sao không báo cáo với thành ủy xử lý kỷ luật?
“Dạ, xử lý kỷ luật anh em thì nặng quá nên nhờ anh nhắc nhở giúp” - Ông Rê nói.
Báo cáo của UBND TP.HCM về tình hình thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ cũng nêu rõ nhiều sở không nộp báo cáo như: Văn hóa thể thao và du lịch, Lao động, thương binh và xã hội (LĐTB&XH)…
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà nhận định: Chúng ta chưa thống kê nhưng chắc chắn con số sở ngành không thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM rất lớn. Thực hiện không đầy đủ còn lớn hơn. Việc không chấp hành chỉ đạo của cấp trên dễ dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật, điển hình như vụ bốn công ty công ích vừa qua, bắt nguồn từ việc buông lỏng kỷ cương.
“Thành ủy, UBND TP.HCM yêu cầu nhưng chỉ có ba doanh nghiệp (cấp nước, điện lực, công viên phần mềm Quang Trung) nộp báo cáo. Báo cáo của Sở KH&ĐT nộp cũng không đúng thời hạn quy định. Nhiều giám đốc Sở không chấp hành nhưng bình bầu cuối năm vẫn đạt... chiến sỹ thi đua” - ông Hà nói.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đồng tình: Nhiều sai phạm, khuyết điểm xuất phát từ việc chấp hành chỉ đạo, kiểm tra. Thành phố thành lập nhiều hội đồng, tổ chuyên ngành nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhưng tình hình không chuyển biến vì tham gia không đúng người, thực hiện thì né tránh, đùn đẩy.
“Nhiều việc đã có chủ trương rồi nhưng dưới không chịu làm. Đơn cử như cấp giấy chứng nhận nhà đất, xóa quy hoạch treo… Dân kêu, báo chí làm rùm beng lên, tôi xuống kiểm tra mới ngửa là họ chưa thông nên không làm hoặc làm rất chậm. Tôi yêu cầu giám đốc Sở xây dựng, quy hoạch mở hội nghị hướng dẫn thì được báo lại là các quận, huyện chỉ cử chuyên viên dự” - ông Tín nói.
Bài học xương máu
|
Người lao động trong 4 doanh nghiệp công ích làm việc trong điều kiện nguy hiểm, độc hại nhưng thu nhập thấp hơn hàng chục lần so với viên chức quản lý. Ảnh: LT. |
Giám đốc Sở Tài chính Đào Thị Hương Lan kiến nghị UBND TP.HCM ban hành mức lương tối thiểu để xác định đơn giá tiền lương sản phẩm, dịch vụ công ích năm 2013.
Chủ tịch Lê Hoàng Quân nói: Hôm rồi họp vụ công ích, Sở LĐTB&XH hứa đến cuối tháng 8, sao đến cuối tháng 9 vẫn chưa trình dự thảo để UBND TP.HCM xem xét, ban hành?
Đại diện Sở LĐTB&XH: Lúc đầu tưởng đơn giản. Sở đang chờ Bộ LĐTB&XH hướng dẫn.
Làm việc với các doanh nghiệp (DN) nhà nước vào chiều 26/9, Chủ tịch Lê Hoàng Quân chất vấn: Thu nhập của lãnh đạo các đơn vị có lương “khủng” và sai phạm nghiêm trọng như các công ty công ích? Bà Đào Thị Hương Lan báo cáo: Sở Tài chính đang kiểm tra lương, thu nhập của viên chức quản lý và người lao động tại các DN nhà nước thuộc UBND TP.HCM, dự kiến sẽ hoàn tất vào đầu tháng 10 và báo cáo kết quả cho thường trực UBND TP.HCM.
Ông Lê Hoàng Quân nói: Phải rà soát tất cả các chế độ, chính sách và việc chấp hành các quy định pháp luật về chế độ tiền lương. Nếu tiếp tục xảy ra sai phạm như vừa qua, Giám đốc Sở Tài chính sẽ bị kỷ luật.
Ông Lê Mạnh Hà yêu cầu các DN nhà nước nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc công khai các khoản thu nhập, lương, thưởng của viên chức quản lý và người lao động, báo cáo định kỳ hằng tháng cho UBND TP.HCM.
Ngoài ra, theo ông Hà, hiện nay, tính độc lập trong hoạt động của các kiểm soát viên tại các DN nhà nước rất thấp. Vì vậy, cần lập bộ phận quản lý kiểm soát viên. Mỗi kiểm soát viên đóng vai trò là người tư vấn cho các DN, thực hiện các quy định pháp luật và chỉ đạo của UBND TP.HCM và có báo cáo độc lập với DN. Nếu báo cáo hiệu quả sẽ sớm phát hiện những bất thường và chấn chỉnh kịp thời.
Theo Tienphong