60% thực phẩm chức năng không đạt tiêu chuẩn

Thứ tư, 02/10/2013, 07:42
Trong 10 năm trở lại đây, thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể cả về chất và lượng. Tính đến thời điểm này, chỉ tính riêng số lượng danh mục sản phẩm sản xuất trong nước đã có vượt con số 2300 sản phẩm, chiếm khoảng 40% tổng số sản phẩm lưu hành.

Việt Nam - thị trường màu mỡ

Với năng lực sản xuất như đã nói ở trên, hàng năm nhu cầu về nguyên liệu cho sản xuất thực phẩm chức năng của Việt Nam đạt từ 50.000 đến 70.000 tấn. Theo thống kê, hiện nay nước ta có khoảng 3948 loài thực vật, 408 loài động vật, 75 loại khoáng vật và trên 50 loại tảo có khả năng làm thuốc.

thuc pham chuc nang

Nhiều người ví TPCN như thần dược của cuộc sống - Ảnh: Nguồn Internet

Trước sự phát triển nhanh của thị trường thực phẩm chức năng đang đặt ra vấn đề quản lý nhà nước về thị trường này. Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, đã đến lúc cơ quan chức năng phải nghiên cứu xây dựng, ban hành các văn bản để quản lý cho tốt.

"Thế giới ưa chuộng thực phẩm chức năng hơn thuốc, nó giúp tăng cường sức khỏe con người, tăng cường miễn dịch, sức đề kháng, phòng bệnh. Trong cuộc sống công nghiệp hiện nay, khẩu phần ăn hằng ngày thiếu một số vi chất như: vitamin, khoáng chất... thì việc sử dụng thực phẩm chức năng là rất cần thiết nhưng cần có hướng dẫn của ngành y tế để người dân sử dụng đúng", ông Trung nói.

Theo T.S Trần Đáng- Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam thực phẩm chức năng có mặt lưu thông trên thị trường Việt Nam chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây. Từ chỗ chỉ có 13 cơ sở nhập khẩu và phân phối 63 loại sản phẩm ban đầu, đến nay tại Việt Nam đã có gần 1.600 cơ sở sản xuất, kinh doanh và phân phối hơn 5.500 sản phẩm TPCN đang được lưu hành trên thị trường. Trong đó có 57% là sản phẩm nhập khẩu, 43% là sản phẩm sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, môi trường sống của con người thời đại nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe do hóa chất gây ra. Không gian sinh hoạt hiện đại khiến chúng ta phải đối mặt với việc làm việc trong phòng kín, tiếp xúc thường xuyên với máy tính và ít hoạt động; thực phẩm chuyển từ tự nhiên sang các sản phẩm đóng gói, bảo quản; biến đổi khí hậu toàn cầu v.v..

Nhiều người tiêu dùng sử dụng TPCN thiếu khoa học

Khảo sát của Cục An toàn thực phẩm cho thấy, tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, có hơn 50% số người lớn sử dụng thực phẩm chức năng. Điều này cho thấy sử dụng thực phẩm chức năng để chăm sóc sức khỏe đã trở thành xu hướng toàn cầu trong thời đại hiện nay. Tuy nhiên, phần đông người tiêu dùng trong nước vẫn chưa nhận thức được đúng công dụng của thực phẩm chức năng. Vì thế họ thường ngại sử dụng hoặc sử dụng một cách thiếu khoa học.

Đặc biệt, một số người tự ý chọn thực phẩm chức năng để hỗ trợ điều trị bệnh, nhưng lại không nắm thông tin về bệnh học và tương tác giữa thực phẩm chức năng và thuốc. Quá trình điều trị không đạt được hiệu quả, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng bệnh tật và sức khỏe.

Theo các bác sĩ, thực phẩm chức năng có vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị, đặc biệt là đối với bệnh mãn tính. Khi phải sử dụng thuốc đặc trị, thuốc kháng sinh liều cao dài ngày, việc bổ sung thực phẩm chức năng sẽ giúp hỗ trợ cơ thể chịu tác động trực tiếp và gián tiếp trong quá trình điều trị, giảm bớt ảnh hưởng đối với gan, thận...

Đã đến lúc cơ quan chức năng hành động

Hiện quy định chưa cho phép bác sĩ kê toa thực phẩm chức năng. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng quy định này chưa phù hợp, có thể gây bối rối cho thầy thuốc khi cần phải hướng dẫn thực phẩm chức năng cho người thực sự có nhu cầu, nên đề xuất có những quy định hợp lý hơn.

Hiện nay, trên 80% sản lượng và gần 500 danh mục dược liệu này là nhập khẩu trong khi tiềm năng dược liệu của Việt Nam lại rất lớn và hoàn toàn có thể đáp ứng được nhiều hơn cho sản xuất. Trên thực tế, chúng ta tiêu tốn rất nhiều tiền vào việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Nguy hiểm hơn, các nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng chưa phải là nguồn nguyên liệu sạch, nguyên liệu đảm bảo cho sản xuất thực phẩm chức năng.

Kết quả từ một đợt tổng kiểm tra và kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm của Bộ Y Tế cho thấy, trong số 60 mẫu được kiểm tra thì có tới 60% không đạt tiêu chuẩn. Như vậy, về mặt nguyên liệu, chúng ta không những chưa tận dụng hết tiềm năng sẵn có của nguồn thảo dược tại Việt Nam vào chế biến TPCN mà còn khó đảm bảo được chất lượng nguồn nguyên liệu để cho ra các sản phẩm có chất lượng tốt nhất.

Đi đôi với việc quản lý, chúng ta cần xây dựng được các vùng dược liệu trọng điểm, nhưng so về tiềm lực và quy mô thì vẫn chưa tương xứng.

Ngoài Viện nghiên cứu Dược liệu tại Hà Nội, Viện còn có một số trung tâm dược liệu vệ tinh như Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội, Trung tâm dược liệu Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm nghiên cứu dược liệu Bắc Trung Bộ, Trung tâm trồng cây thuốc SaPa, Trung tâm chuyển giao KHCN và phát triển dược liệu … Bên cạnh đó, một số vùng chuyên canh dược liệu đã được hình thành trên khắp đất nước.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn