Nó là sản phẩm kết tinh sự lao động nghệ thuật nghiêm túc; là tâm huyết, trí tuệ của những con người đam mê môn nghệ thuật thứ bảy, muốn đem tài năng cống hiến hết mình cho sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà.
Phối cảnh phim trường 2 |
Ẩn mình nơi đất Phật linh thiêng
Trường quay phim cổ trang Việt Nam là dự án có quy mô 14,6 héc-ta, nằm trong khu vực khoảnh 6, tiểu khu 32, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh (thuộc khu vực danh thắng Yên Tử) do Công ty cổ phần Việt Nam Tinh Hoa làm chủ đầu tư. Dự án nhận được sự đồng thuận và tạo điều kiện tối đa của UBND tỉnh Quảng Ninh.
Ẩn mình trong miền đất Phật linh thiêng, nơi đây còn khá nguyên thủy, hoang sơ với những khu rừng nguyên sinh rộng lớn, những khe suối trong mát róc rách ngày đêm, những con đường mòn vắng bóng chân người. Nhưng trên hết là không gian tĩnh mịch, cách xa thế giới ồn ào, sôi động, mà khi bước chân vào đó, có cảm giác thời gian như ngừng trôi, đưa ta lạc về thời kỳ cổ xưa của người Việt.
Theo chủ dự án, phim trường được xây dựng ở Yên Tử ngoài mục đích quay phim còn là quần thể kiến trúc văn hóa mang xu hướng du lịch nhân văn: vừa đậm đặc chất điện ảnh lại phảng phất nét tâm linh. Đến đây, du khách có thể được hòa nhập, sống trong không gian văn hóa cổ xưa; tìm hiểu tư liệu lịch sử về dòng phim cổ trang Việt Nam, lại vừa thành kính dâng lên Đức Phật nén nhang trên đỉnh thiêng Yên Tử.
Tiêu chí đầu tiên khi xây dựng phim trường là tái tạo rõ nét không gian văn hoá cổ của người Việt xưa, vì vậy trong quá trình thi công, nhà đầu tư luôn tìm hiểu kỹ từng giai đoạn lịch sử dân tộc, từ đó thiết kế lối kiến trúc phù hợp, sử dụng tối đa mọi chất liệu tự nhiên như gỗ, đá ong, sành sứ…, hạn chế sự can thiệp của kỹ thuật hiện đại làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên nơi đây.
Phim trường chia làm hai khu vực với 2 con đường dẫn vào là đường Đào Nguyên và đường Tùy Duyên. Ở phim trường 1 bố trí cảnh quan mô phỏng đời sống văn hóa bản địa và nhiều công trình phóng tác như: chợ quê, bãi tập binh lính, đền – miếu dân gian và một số cụm kiến trúc mô phỏng khu sứ quán, trạm ngựa, nơi tiếp sứ thần, cổng thành cổ, lầu gác, nhà sàn… Trong tương lai, nơi đây sẽ được xây dựng thành khu du lịch văn hóa với những gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm mô phỏng đạo cụ dùng trong các bộ phim cổ trang quay tại phim trường.
Khu phim trường 2 là khu trung tâm của dự án với 6 khu phục dựng cảnh quan theo đặc thù vùng miền, giai cấp, địa vị xã hội thu nhỏ của một kinh đô xưa (gồm cả nội thị và ngoại thành). Khu Hoàng Thành là bối cảnh chính với Đại Điện rộng 1500m2, bên trong là một phim trường tạo dựng nội thất của các cảnh phim.
Đồng thời, Đại Điện còn dùng làm phòng chiếu và là nơi lưu trữ tư liệu giới thiệu các bộ phim cổ trang quay tại đây. Ngoài ra, còn có các khu vực: Phố thị, Khu nhà quan lại, Làng xã Việt Nam, Hồ thiền được phục dựng theo đúng lối kiến trúc đặc trưng của từng vùng miền dân tộc, khi lên phim tạo cảm giác chân thực, sát với từng thời kỳ lịch sử.
Gần 20 chiếc cầu đá cổ xưa được xây dựng cùng với vườn địa đàng Thượng Uyển, những dòng thác đổ, dòng suối trong, hàng nghìn phiến đá cổ… tạo cho cảnh quan thiên nhiên thêm kỳ vĩ mà không kém phần thơ mộng, gợi ra không gian đậm chất điện ảnh nhưng cũng rất đời thường, thực tế trong phim ảnh.
Mở ra một triển vọng tươi sáng
Hiện nay, phim trường cổ trang Việt Nam đang triển khai giai đoạn I của dự án với một số công trình đang dần hoàn thiện 3 con đường chính: Đào Nguyên, Tùy Duyên, Bồ Đề dẫn vào phim trường và hai giếng Mắt rồng đã đưa vào sử dụng, nhà Thất thiền Quốc Sư Phù Vân và nhà Ái tình bên hồ Tụ Thủy cũng đã hoàn tất, khu Phố thị với 30 ngôi nhà lớn - nhỏ đang dựng khung cùng một số cảnh quan đang trong quá trình điều chỉnh, hoàn tất.
Để tăng “tính Việt” cho phim trường, các đạo cụ đi kèm: giáp trụ, quần áo, đồ trang trí nội thất, vũ khí… đều do các nghệ nhân dân gian có tiếng trực tiếp làm thủ công, phục chế đúng với nguyên bản trong lịch sử. Hơn 60 căn nhà sàn, nhà gỗ đều do thành viên đoàn phim lặn lội đi khắp các tỉnh trung du miền núi phía Bắc: Hà Giang, Bắc Giang, Thái Bình… sưu tầm, mua, tháo dỡ, đem về phục dựng tại phim trường. Hàng trăm phiến đá cổ cũng được di chuyển về đây để kè suối, làm bờ, để tăng tính chân thực, sinh động cho mỗi cảnh quay sau này.
Chia sẻ về quá trình xây dựng phim trường, đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Văn Lượng cho biết: Trong quá trình tìm tài liệu để làm phim “Phật Hoàng Trần Nhân Tông”, ông đã tìm đến nhiều nhà nghiên cứu lịch sử về vua Trần Nhân Tông để trao đổi, tìm hiểu. Từ đó, ông nhận thấy rằng Việt Nam chưa có một phim trường thực sự đáp ứng đủ tiêu chuẩn quay phim cổ trang. Hầu hết các bộ phim do Việt Nam sản xuất thường phải thuê phim trường ở nước ngoài rất tốn kém hoặc mượn các địa danh lịch sử để quay nhưng đều có hạn chế.
Vì vậy ông quyết định làm một phim trường của người Việt, thuần Việt và mang tầm của người Việt. Trong quá trình thực hiện ý tưởng này, ông cùng đội ngũ sản xuất đi khảo sát, tham quan nhiều phim trường của Trung Quốc, học hỏi cách thiết kế, dựng cảnh của họ, trên cơ sở đó cải tiến linh hoạt, cơ động và phù hợp với đặc điểm địa hình của Yên Tử, tính chất nền điện ảnh Việt Nam.
Cũng theo đạo diễn Văn Lượng, tính thực tiễn và tính cơ động là hai yếu tố hàng đầu khi xây dựng phim trường này. Tính thực dụng trong đầu tư vốn, tái sử dụng hiệu quả. Tính cơ động , linh hoạt trong công năng. Ngoài công trình Đại Điện được xây dựng chắc chắn bằng bê tông, hầu hết các công trình kiến trúc còn lại đều dựng bằng gỗ với tường bao xung quanh xây bằng vật liệu có thể thay thế.
Các công trình đều có thể cải biên phù hợp với nhiều bối cảnh không gian khác nhau, phù hợp với đặc trưng, phong cách của từng bộ phim. Diện tích của phim trường không quá rộng lớn, phù hợp với quy mô của các dự án phim Việt. Đặc biệt, dự án khai thác triệt để thế mạnh của rừng nguyên sinh Yên Tử, hiện thực hóa thiên nhiên vào phim trường: mua đá cổ tạo suối, giếng khơi, cầu đá… nhưng vẫn bảo tồn nguyên vẹn nét hoang sơ của cảnh quan tự nhiên.
“Tôi muốn tạo ra sự khác lạ, mới mẻ cho điện ảnh, muốn đưa nền điện ảnh Việt tiếp cận với những xu hướng giải trí mới của thế giới”, nghệ sĩ ưu tú Văn Lượng cho biết thêm. Khi phim trường hoàn thiện, ông muốn thay đổi quan niệm của nhiều khán giả hiện nay khi không hài lòng với phim cổ trang Việt.
Điện ảnh là một cuộc chơi, dựa trên nguyên tác để phóng tác, tái hiện lịch sử, từ đó đưa ra những thông điệp nhân văn sâu sắc, chứ không phải là “bê nguyên” lịch sử vào phim ảnh. Thời kỳ lịch sử biểu hiện rõ nét qua các nhân vật anh hùng và phim cổ trang Việt là kết tinh đậm nhất tinh hoa văn hóa Việt.
Theo infonet