Sáu phim Việt Nam trình chiếu tại tuần phim ở Mỹ

Chủ nhật, 21/06/2015, 07:33
"Trúng số", "Những đứa con của làng", "Khát vọng Thăng Long", "Hiệp sĩ mù", "Scandal: Bí mật thảm đỏ", "Scandal: Hào quang trở lại" được chọn giới thiệu với khán giả xứ cờ hoa.

Tuần phim Việt Nam tại Mỹ diễn ra ở Hawaii, Washington DC và New York từ ngày 4 đến 18/7. Chương trình do Cục Điện ảnh Việt Nam chủ trì, phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị văn hóa Mỹ - Việt thực hiện.

Cục Điện ảnh lên danh sách những bộ phim truyện Việt Nam tiêu biểu từng giành được giải thưởng trong và nước ngoài hoặc được khán giả yêu thích. Tiêu chí chọn phim là các tác phẩm phản ánh lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam. Mặt khác, nhiều bối cảnh trong các bộ phim chính là các điểm du lịch văn hóa, di sản thiên nhiên nổi tiếng, cho thấy tiềm năng quay phim trong nước.

Từ những bộ phim được giới thiệu, đại diện đối tác phía Mỹ chọn ra danh sách sáu phim: phim hài Trúng số của Dustin Nguyễn, phim sử thi Khát vọng Thăng Long của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, phim đề tài chiến tranh Những đứa con của làng do Nguyễn Đức Việt thực hiện, các phim tâm lý hành động Hiệp sĩ mù của Lưu Huỳnh và Bí mật thảm đỏ, Hào quang trở lại của Victor Vũ.

Phim "Trúng số" giới thiệu một góc xã hội đương đại Việt Nam.

Ngoài hoạt động chiếu phim, sự kiện còn có chương trình "Gặp gỡ ngôi sao điện ảnh Việt Nam". Trước buổi chiếu phim Trúng số mở đầu tuần phim tại Honolulu vào ngày 5/7, đạo diễn - diễn viên Dustin Nguyễn và nhà sản xuất Bebe Phạm có buổi giao lưu với khán giả.

Người xem cũng có cơ hội tham gia giao lưu với các nghệ sĩ như diễn viên Đỗ Thúy Hằng (phim Những đứa con của làng), diễn viên Quách Ngọc Ngoan và nhà sản xuất Lê Minh Tâm (phim Khát vọng Thăng Long), ca sĩ - diễn viên, nhà sản xuất Đàm Vĩnh Hưng (phim Hiệp sĩ mù), diễn viên Chi Bảo (phim Hào quang trở lại) và các nhà sản xuất Hà Thục Vân (CEO Redbridge), Trần Thị Vân Anh, Lê Quốc Duy và Yên Mai Linh…

Tuần phim Việt Nam tại ba thành phố Honolulu, Washington DC và New York cũng là dịp để ban tổ chức giới thiệu về văn hóa, con người và du lịch Việt Nam. Một video về du lịch Việt Nam được ban tổ chức chiếu tại các địa điểm giới thiệu sáu bộ phim, gồm rạp chiếu phim Doris Duke (Hawaii), rạp Freer and Sackler Galleries (Washington DC) và rạp chiếu phim AMC (New York). Triển lãm "Bối cảnh quay phim tại Việt Nam" sẽ được tổ chức tại rạp chiếu phim Doris Duke, thuộc Bảo tàng Nghệ thuật Honolulu (Hawaii).

Khán giả, các nhà làm phim, diễn viên, nhà sản xuất và nhà phê bình có thể tham gia tọa đàm chủ đề "Cơ hội hợp tác làm phim Việt Nam - Mỹ". Trong khuôn khổ tuần phim, "Lễ hội áo dài" và tiệc giới thiệu văn hóa, du lịch ẩm thực của Việt Nam được tổ chức bên bờ biển Hawaii để tôn vinh văn hóa Việt Nam.

Cục trưởng Cục Điện ảnh - Tiến sĩ Ngô Phương Lan khẳng định: "Qua sự kiện này, chúng tôi muốn hướng đến bạn bè và đồng nghiệp điện ảnh trên thế giới, cùng hàng nghìn sinh viên Đại học Mỹ, sinh viên nước ngoài, sinh viên là người Việt Nam học tập tại Mỹ, tạo cho họ cơ hội gặp gỡ các nhà làm phim Việt Nam, giao lưu với nghệ sĩ, nhà quản lý, phát hành, phổ biến phim của Việt Nam. Hy vọng, qua các hoạt động đa dạng, các bộ phim chọn lọc, chương trình giúp khán giả ở Mỹ cảm nhận được những nét độc đáo về điện ảnh và văn hóa Việt Nam".

Bà Jeanette Hereniko, nguyên Giám đốc sáng lập của Liên hoan Phim quốc tế Hawaii (HIFF), đóng vai trò chủ đạo trong việc quyết định chọn Honolulu, Hawaii để khởi đầu Tuần phim Việt Nam tại Mỹ. Bà cũng là Chủ tịch Mạng lưới khuyến khích phát triển điện ảnh châu Á - Mỹ (NETPAC).

Năm 1985, bà Jeanette Hereniko đã chọn bộ phim truyện Bao giờ cho đến tháng Mười (đạo diễn Đặng Nhật Minh) trình chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Hawaii. Đây là phim truyện đầu tiên của điện ảnh Việt Nam được chiếu tại một Liên hoan phim của Mỹ. Phim đoạt giải Đặc biệt của Ban Giám khảo.

Với kinh nghiệm và uy tín, bà J. Hereniko đã tư vấn và giúp đỡ để Cục Điện ảnh tổ chức Tuần phim Việt Nam tại Mỹ. Bà Hereniko cho rằng: “Đây là một cơ hội hiếm có để khán giả Mỹ thấy được sự phong phú của các phim mới của các nhà làm phim Việt Nam đương thời”.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn