Ca sĩ không nên “học hát”?!

Thứ sáu, 14/08/2015, 08:10
Ca sĩ mà không "học hát" thì nghe có vẻ trái tai, nhưng đó thật sự là lời khuyên rất cần thiết đối với thế hệ ca sĩ trẻ hiện nay, vốn rất hiếm người có chất giọng riêng.  

Khi nói về thế hệ ca sĩ trẻ của âm nhạc Việt Nam hiện tại, có ý kiến của người trong giới cho rằng, ca sĩ trẻ bây giờ đừng nên “học hát”!

Sở dĩ có ý kiến như vậy là vì, nếu học hát thì các bạn trẻ rất dễ bị đồng hóa giọng hát của mình với người khác, không tạo được nét cá tính riêng trong âm nhạc. Nguyên nhân chủ yếu chính là do trong quá trình học, mỗi người đều được dạy cách mở khẩu hình giống nhau nên khi hát ra thì giọng tương tự nhau.

Và thay vì “học hát” thì ca sĩ trẻ chỉ nên học thanh nhạc, tức là học nhạc lý cơ bản, học cách lấy hơi, nhả chữ… để bổ sung vào những tố chất sẵn có mà tạo nên nét đặc trưng cho mình.

Mai Quốc Việt, gương mặt được biết đến nhờ cách giả giọng tài tình

Khi chúng ta nhìn lại thì thực tế thì đúng như những gì đã nêu ở trên. Các ca sĩ thế hệ trước như Ngọc Bích, Bảo Yến, Nhã Phương... hay sau này thì có Phương Thanh, Lam Trường, Minh Thuận… mỗi người đều sở hữu một giọng hát riêng, cách xử lý ca khúc riêng. Khán giả không phải xem họ biểu diễn, mà chỉ cần nhắm mắt, lắng nghe một câu hát là đã biết đó là ca sĩ nào.

Còn thế hệ ca sĩ bây giờ, ngay cả một số gương mặt được gọi là “sao” lớn thì thật sự cũng khó mà phân biệt được, nếu không nhìn thấy họ đang hát!

Rõ ràng, một ca sĩ nổi tiếng, nhưng giọng hát không có gì đặc biệt, thậm chí giọng hát được đánh giá là hay, nhưng lại giống như bao ca sĩ khác là điều đáng tiếc. Mỗi người đều được trời phú cho một chất giọng không ai giống ai, nhưng do trong quá trình “học hát”, một số bị rập khuôn, máy móc vào những gì thầy cô dạy nên tự đánh mất cái riêng của mình!

Danh ca Bảo Yến

Ngoài ra, còn có một thực tế trong âm nhạc hiện nay là: hình thức “ăn đứt” giọng hát. Biểu hiện rõ ràng nhất là nhiều gương mặt có giọng hát rất tệ, nhưng ngoại hình bắt mắt và biết tạo ra lắm thứ chiêu trò thì đều trở nên “nổi tiếng”, đắt sô và cát-sê cao hơn cả những giọng ca có năng lực thật sự.

Hay có những gương mặt mà tài năng có hạn, nhưng lại sở hữu khả năng giả giọng tài tình, thế là họ cũng trở nên nổi tiếng. Điển hình nhất là những gương mặt trong gameshow truyền hình ăn khách Gương mặt thân quen (GMTQ).

Đầu tiên là Hoài Lâm, anh chàng này từng trở thành gương mặt trẻ hot nhất nhì V-Pop sau khi đăng quang GMTQ 2014 nhờ giả giọng cực giống với các ca sĩ ngôi sao. Hay tên tuổi của ca sĩ trẻ Thanh Duy - Á quân Vietnam Idol 2008 cũng đã được vực dậy thành công sau một thời gian dài “chìm nghỉm” nhờ vào chương trình GMTQ 2015; mà nói cụ thể ra thì đó là nhờ vào những màn hóa trang giả gái và bắt chước giọng ca sĩ khác.

Hoài Lâm và Thanh Duy tại chương trình GMTQ

Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận những cố gắng, tố chất trong giọng hát thật sự của Hoài Lâm hay Thanh Duy. Không nhiều ca sĩ làm được như điều mà họ từng làm trên sân khấu GMTQ, cũng như trong con đường hoạt động ca hát thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, khi bình tâm mà nhìn lại thì việc một gương mặt có thể nhanh chóng trở thành “ngôi sao” bằng cách bắt chước y hệt một giọng ca nổi tiếng nào đó là điều không ổn với danh ca sĩ. Nếu những tiết mục giả gái, “nhại giọng” kia chỉ dừng lại ở tính chất giải trí trong một gameshow thì không có gì đáng bàn. Nhưng thực tế, nó được mang ra so sánh với tài năng của một ca sĩ!

Ngày nay, việc trở thành một ca sĩ quá dễ dàng, và để trở nên “nổi tiếng” cũng không khó khăn là mấy. Người ta không cần đến giọng hát hay, có cá tính, mà đôi khi chỉ cần có khả năng giả giọng hát của ngôi sao! Gương mặt trẻ Mai Quốc Việt đã được biết đến hoàn toàn nhờ vào khả năng đó!

Thật khó tưởng tượng tương lai của thị trường nhạc Việt sẽ thế nào khi mà trăm ca sĩ ai cũng hát giống như ai và con đường nổi tiếng của họ cũng bằng một cách như nhau, đều không qua tài năng, giọng hát!

Theo Petrotimes

Các tin cũ hơn