Không phải bỗng dưng ca sĩ Bảo Yến phát biểu thẳng thắn với giới truyền thông trong lần giới thiệu đêm nhạc của mình mới đây rằng chị quyết định giải nghệ, xa lánh showbiz vì “showbiz bây giờ chỉ toàn thấy bon chen, phiền toái, giả dối”. Một ca sĩ hạng sao cho rằng đó là thực tế. Muốn sống được thì phải biết bon chen và làm những điều không phải mình muốn. Đó là luật ở showbiz hiện nay, không chỉ ở Việt Nam.
Tranh thủ kiếm tiền đủ cách
Danh sách nghệ sĩ tham gia chương trình “Gương mặt thân quen” sắp lên sóng lần này có tên một ca sĩ mà ít ai có thể ngờ cô sẽ tham gia, đó là Võ Hạ Trâm.
Võ Hạ Trâm đang được xem là giọng ca tiêu biểu của dòng nhạc truyền thống cách mạng sau Tạ Minh Tâm, Thanh Thúy. Cô cũng là “hạt giống đỏ” cho vị trí giảng viên thanh nhạc Nhạc viện TP.HCM. Vì thế, việc Võ Hạ Trâm tham gia “Gương mặt thân quen”, một chương trình giải trí không mang lại ích lợi gì về mặt chuyên môn cho cô, khiến nhiều người rất ngạc nhiên. Qua đó, có thể thấy sức hút của các chương trình giải trí trên truyền hình hiện nay khiến cho nhiều nghệ sĩ khó cưỡng lại được.
Khánh Thi và Minh Hằng khóc nức nở khi thí sinh trong chương trình “VIP Dance” bị loại Ảnh: TARO |
“Tranh thủ kiếm tiền” là khẩu ngữ của giới showbiz hiện nay vì họ cho rằng mình chỉ nổi tiếng một thời. “Hôm nay có sô, ngày mai không còn. Lớp sóng trước chưa kịp vỗ bờ, lớp sóng sau đã chồm lên và công chúng cũng chóng quên những gì thuộc về ngày hôm qua” - một ca sĩ lý giải cho việc vì sao họ tranh thủ kiếm tiền như vậy.
Suy nghĩ tranh thủ cày xới khi còn được công chúng yêu thích để tích lũy cho cuộc sống sau này đã khiến giới showbiz không từ chối làm bất cứ việc gì khi có lời mời. Hình ảnh ca sĩ đi đóng phim, làm MC, diễn hài, làm giám khảo các chương trình truyền hình thực tế hơn là chăm sóc, đầu tư phát triển chuyên môn ca hát của mình… không còn xa lạ.
Diễn viên kịch cũng bỏ sàn diễn chạy theo những chương trình thực tế ăn khách hơn, thù lao dày túi hơn… Nhiều người thật sự có khả năng và thành công trong những công việc tay trái nhưng đa phần chỉ được mời vì sự nổi tiếng của họ nhằm làm tăng lượng người xem, có lợi cho nhà tổ chức.
Sự bon chen của giới showbiz Việt mang đến hiệu ứng tiêu cực bằng những tranh cãi hậu trường, những tố giác không hay và cả những hơn thua tranh giành vị trí. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Ai nghề gì làm việc nấy thì mới tốt được. Cái gì cũng biết, cũng làm nhưng chẳng phải cái gì cũng làng nhàng, mờ nhạt hay sao? Showbiz Việt đang ở trong tình trạng đấy” - nhạc sĩ Quốc Bảo nhận xét.
Màu mè, dễ dãi
“Muốn nghe lời tán dương, cứ việc mở truyền hình” - nhiều cư dân mạng nhận định về các chương trình truyền hình thực tế hiện nay.
Chương trình nào cũng thấy các giám khảo, huấn luyện viên dành những lời khen có cánh cho thí sinh, như: “Em là Mỹ Linh thứ hai trong làng nhạc Việt”, “Công chúa ballad”, “Một nghệ sĩ lớn”, “Taylor Swift của Việt Nam”… Bên cạnh đó, những lời nhật xét có thể dành cho... mọi thí sinh như: “Em thực sự tỏa sáng”, “Em hát khiến chị xúc động phát khóc”, “Em diễn khiến chị hồi hộp đến nghẹt thở”… cũng xuất hiện tràn ngập.
“Các chương trình truyền hình luôn cần những lời khen, chê. Chê là phải có cơ sở, còn khen cũng phải cho đúng chứ đừng nửa vời hoặc quá đà” - nhạc sĩ Anh Quân nhìn nhận. Dù vậy, sự khen tặng quá đà vẫn là tình trạng chung của hầu hết các chương trình truyền hình thực tế hiện nay.
Trên sóng truyền hình cũng đầy ắp cảnh “nước mắt cá sấu”. Với một tiết mục nhảy đẹp, MC Trấn Thành cũng khóc. Khi một thí sinh bị loại, MC lẫn giám khảo cùng nhau khóc nức nở, như trường hợp Khánh Thi, Minh Hằng trong chương trình “VIP Dance”. Hình ảnh khóc lóc đó được cận cảnh trên sóng truyền hình trực tiếp và được nhiều trang thông tin, báo mạng thi nhau đăng tải như những hình ảnh đẹp!
Nếu như nhiều nghệ sĩ biểu hiện sự giả dối trong lời nói và cảm xúc thì không ít khán giả cũng bày tỏ sự giả dối trong đón nhận. Không có chương trình giải trí nào trên sóng truyền hình mà không có cảnh khán giả vỗ tay, la ó cuồng nhiệt, dù hay hay dở. “Fan thuê” đang trở thành dịch vụ ăn nên làm ra khi các chương trình giải trí trên sóng truyền hình ngày càng nở rộ. Hô tên ca sĩ bao nhiêu lần, vỗ tay la ó lúc nào, giơ cao bảng tên, hình ảnh poster ra sao… đều trở thành công nghệ. Sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả tại khán phòng mà công chúng nhìn thấy qua sóng truyền hình thực tế chỉ 50% là thật.
Người được khen dễ mắc bệnh ảo tưởng, còn khán giả cứ nghe những lời nhận xét dễ dãi của các nhà chuyên môn đâm ra hoang mang vì hay, dở thế nào chẳng thể phân biệt được!
Thủ phạm: “Rating”
Không phải tự nhiên mà showbiz lại là nơi sản sinh ra lắm chiêu trò, mưu mẹo như đã thấy. Rating (tỉ suất khán giả theo dõi) chính là thước đo quyết định sự tồn vong của các sản phẩm giải trí. Chính vì vậy, nhiệm vụ của đơn vị sản xuất là làm sao thu hút khán giả bằng mọi cách. Trong đó, phổ biến là việc mời nghệ sĩ có đông đảo người hâm mộ tham gia và gợi ý bày trò cho họ. Một chương trình sẵn sàng trả thù lao hàng tỉ đồng cho một ca sĩ ngôi sao chỉ để ca sĩ ấy ngồi ghế giám khảo vì tăng rating. Nhà sản xuất một chương trình truyền hình cũng chấp nhận trả thù lao 2 tỉ đồng cho một ca sĩ hàng sao để người này trở thành thí sinh của chương trình vì rating. Người mẫu Ngọc Trinh lên sóng truyền hình quốc gia, trở thành nhân vật phỏng vấn và là khách mời đặc biệt trong đêm chung kết của “Bước nhảy hoàn vũ 2016” với mức thù lao cao ngất ngưởng chỉ vì là “cái tên đang hot”, như lời nói thẳng của nhà sản xuất chương trình. “Hot” cũng là lý do khiến nhiều nhà làm phim hiện nay săn đón các gương mặt là ca sĩ vào vai chính trong những bộ phim của mình. Một ca sĩ ngôi sao trẻ cho biết anh nhận được rất nhiều lời mời đóng phim. Dù ca sĩ này từ chối nhiều lần vì không tự tin vào khả năng đóng phim của mình nhưng người ta vẫn cứ mời vì biết anh này có lượng “fan” lớn. Một nhạc sĩ tên tuổi đã phải thốt lên: “Lăn lộn trong showbiz Việt mấy mươi năm, tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra khi mọi thứ giờ đây đều bị đảo lộn” |
Theo NLĐ