"Găng Tay Đỏ" - Khi ngọc nữ nổi loạn thành đả nữ

Thứ ba, 06/09/2016, 08:32
"Ngọc nữ" Ninh Dương Lan Ngọc lột xác khi vào vai một nữ sát thủ ghê gớm nhưng có số phận éo le trong "Găng Tay Đỏ".

Găng Tay Đỏ là tác phẩm đầu tay của đạo diễn trẻ Nguyễn Tuấn Anh. Sự xuất hiện của Ninh Dương Lan Ngọc trong vai chính tạo sức hút ngay từ khi công bố dự án. Rời bỏ các vai diễn tâm lý quen thuộc, lần đầu tiên "ngọc nữ" của điện ảnh Việt thử sức ở thể loại hành động. Ngoài ra phim còn quy tụ hai sao nam khá quen mặt trên màn ảnh rộng là Quang Sự và Hiếu Nguyễn.

Lan Ngọc hóa thân thành sát thủ

Chuyện phim kể về một sát thủ của tổ chức quốc tế mang mật danh Số 7 (Lan Ngọc) được cử về Việt Nam. Cô có nhiệm vụ tiêu diệt một ông trùm xã hội đen buôn lậu ma túy (Hoàng Sơn). Thế nhưng sự việc lại có nhiều biến chuyển bất ngờ khiến mọi thứ trở nên rối rắm hơn. Một anh chàng kỳ quặc (Quang Sự) cứ lẽo đẽo bám theo Số 7, trong khi con trai nuôi của ông trùm (Hiếu Nguyễn) nhận lệnh truy sát cô. Những nội gián cài cắm, xung đột gia đình, tình cảm trái ngang, tất cả đều được thể hiện trong phim.

Găng Tay Đỏ không đi theo lối mòn về hài mà mạnh dạn chuyển sang thể loại hành động xã hội đen. Đây là nỗ lực rất đáng khen trong tình cảnh các phim hành động như Truy Sát, Nữ Đại Gia đều thất thu tại phòng vé. Có thể nói, năm 2016 đã đánh dấu nhiều tác phẩm đột phá của điện ảnh Việt về mặt chủ đề như Bao Giờ Có Yêu Nhau (tình cảm liêu trai), Tấm Cám (cổ tích/giả tưởng) hay Siêu Trộm (phong cách heist - đánh cướp kiểu Hollywood).

Về mảng hành động, Găng Tay Đỏ phần nào tạo được không khí hồi hộp trong những pha giao đấu. Phim có nhiều pha kỹ xảo cháy nổ, đánh đấm cận chiến đẹp mắt, chỉ kém một chút so với Truy Sát đầu năm nay. Câu chuyện cũng có nhiều nút thắt mở, những cao trào kịch tính cần thiết để mang đến cảm xúc nhất định, nhất là bước ngoặt vụ mưu sát ông trùm xã hội đen.

Bộ đôi "oan gia" Lan Ngọc - Quang Sự trên phim

Trong vai chính, Ninh Dương Lan Ngọc có nhiều nỗ lực để khắc họa hình ảnh một nữ sát thủ. Dù không có nền tảng võ thuật nhưng "ngọc nữ" vẫn hoàn thành nhiều cảnh hành động, chạy nhảy, bắn súng. Nếu đã quen với một Lan Ngọc hiền lành trong Trúng Số, chắc chắn khán giả sẽ rất bỡ ngỡ khi gặp lại cô trong Găng Tay Đỏ.

Mặc dù vậy, ở đôi chỗ Lan Ngọc chưa thể hiện được sự "nguy hiểm". Dáng người mảnh khảnh, khuôn mặt đẹp bầu bĩnh, ánh mắt ướt ướt và nhất là đài từ lại hóa thành điểm yếu của cô. Để bù đắp, Lan Ngọc phải hơi gồng mình, cố gằn tiếng và liếc mắt. Đến giữa phim, đạo diễn tập trung miêu tả quá khứ và sự giằng xé của nhân vật Số 7. Lúc này Lan Ngọc lại được dịp phát huy khả năng diễn nội tâm xuất sắc vốn có của mình.

Hai vai nam của Quang Sự và Hiếu Nguyễn đều có nhiều đất diễn. Lối diễn tỉnh bơ bỡn cợt của anh tạo được đối lập với tính cách lạnh lùng của Số 7. Nhân vật của Quang Sự cũng là người mang lại nhiều tiếng cười nhất phim. Còn Hiếu Nguyễn thì bao năm qua vẫn vậy, vẫn một kiểu gương mặt, vẫn giọng nói đều đều lạnh lùng, vẫn kiểu đểu giả đáng sợ. Tuy nhiên hình tượng của anh rất phù hợp với vai một tên giang hồ gian xảo nhưng lại có phần lịch lãm.

Hiếu Nguyễn thành công trong vai "soái hội đen", nghĩa là một "soái ca" nhưng đi làm "xã hội đen"

Trong khi đó, vai ông trùm xã hội đen giao cho Hoàng Sơn không hợp vì ngoại hình và cách diễn của diễn viên hài này không đúng kiểu của trùm xã hội đen. Linh Chi trong vai cô con gái có vẻ ngoài bốc lửa và diễn xuất tròn vai, nhưng nhân vật của cô chỉ để bổ sung thêm cho câu chuyện.

Điểm trừ của phim nằm ở phần kịch bản còn chưa đột phá. Khán giả có thể bắt gặp kiểu chuyện phim này trong thể loại xã hội đen Hong Kong từ 10 năm về trước, cũng xung đột gia đình, cũng âm mưu tạo phản, cũng nội gián đánh án, cũng sát thủ đổi thay. Mặc dù là phim hành động nhưng đạo diễn lại hơi sa đà khi miêu tả quá kỹ câu chuyện tình cảm của nữ sát thủ hay cô con gái.

Những trường đoạn dài ở giữa phim khiến cho nhịp điệu bị lơi lỏng, khiến người xem quên mất diễn biến lúc đầu. Lẽ ra đạo diễn có thể làm gọn, súc tích hơn và xem nó như là một gia vị cho món ăn đủ đầy chứ không nên "quá tay" như thế. Mặc dù vậy, phần kết phim quay lại được đường dây chính và có cái kết hợp lý cho các nhân vật.

Các diễn viên nhí của "Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh" đóng vai phụ trong phim

Găng Tay Đỏ được quay ở khá nhiều ngoại cảnh ở Nha Trang, có nhiều cảnh rừng núi rất đẹp. Dù đa số đều ổn nhưng có một vài cảnh thiếu chỉn chu về góc máy cũng như xử lý ánh sáng không được đẹp, làm mất đi sự hoàn hảo. Một bất ngờ của phim là sự tái hợp của bộ ba Thịnh Vinh - Thanh Mỹ - Trọng Khang của Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh trong các vai hồi tưởng. Đây có thể là một điểm cộng nữa để khán giả ra rạp và gặp lại những diễn viên nhí rất được yêu thích này.

Nhìn chung, Găng Tay Đỏ đạt mức trung bình khá dù còn nhiều điểm chưa tới và thiếu logic trong các tình tiết. Là sản phẩm đầu tay, những gì mà đạo diễn trẻ Nguyễn Tuấn Anh làm được rất đáng khích lệ. Phim là làn gió lạ cho điện ảnh Việt và thích hợp với những ai ưa thích thể loại hành động kịch tính, cũng như muốn chứng kiến Lan Ngọc hóa thân trong một vai diễn hoàn toàn mới.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn