Một vẻ đẹp khác biệt
Diandra Forrest là siêu mẫu mới vừa ký kết hợp đồng làm việc với Elite - một trong những công ty người mẫu uy tín nhất trên thế giới. Giống như hầu hết các siêu mẫu khác, Diandra có một chiều cao lý tưởng, thân hình thanh mảnh, chân dài, bước đi uyển chuyển giống như một con linh dương và biết cách chăm sóc bản thân mình như một nữ hoàng, tuy nhiên cô gái trẻ này vẫn có một điều gì đó rất kỳ lạ.
Mái tóc, làn da và thậm chí cả lông mày và lông mi của cô mang một màu rất nhạt, gần như bạc trắng mặc dù Diandra là người Mỹ gốc Phi. Và chính điều đó đã tạo nên một hình ảnh khác biệt hoàn toàn cho nàng siêu mẫu.
Sau khi được một công ty người mẫu phát hiện ra tiềm năng, Diandra Forrest bước chân vào làng thời trang. Người mẫu bạch tạng gốc Nigeria 16 tuổi này đã tạo nên một làn sóng mới lạ và khác biệt khi nhanh chóng trở thành một gương mặt sáng giá trong cuộc thi tìm kiếm siêu mẫu Nigeria (Nigeria’s Next Super model contest).
“Được góp mặt trong các sự kiện thời trang quốc tế là một điều thực sự có ý nghĩa với tôi, bởi vì tôi muốn thay đổi cách nhìn của mọi người đối với những người mắc chứng bạch tạng ở châu Phi, nhất là phụ nữ”, Diandra Forrest chia sẻ.
Năm 2010, giám đốc sáng tạo Riccardo Tisci của hãng thời trang danh tiếng Givenchy đã lần đầu tiên phá vỡ khuôn mẫu về phong cách thời trang bằng một loạt quảng cáo nổi bật với sự tham gia của người mẫu nam bạch tạng Stephen Thompson.
Và Diandra Forrest cũng là một trong số ít những người mẫu bạch tạng nổi bật trên các shot ảnh thời trang. Nhưng đối với Diandra, điều quan trọng không chỉ là sự nổi tiếng. Cô biết rằng sự hiện diện của mình tại Tuần lễ thời trang của châu Phi Africa Fashion Week và những sự kiện thời trang khác có một ý nghĩa lớn hơn nhiều so với sự thể hiện đơn thuần của sắc đẹp.
Cuộc sống bị đe dọa của những người da đen trong lớp vỏ da trắng
Ngay từ khi sinh ra, Diandra Forrest đã không may mắn khi quá trình sinh tổng hợp ra sắc tố melanin trong cơ thể bị rối loạn, làm cho da và tóc có màu nhạt. Trong gia đình cô gái người New York mang nguồn gốc Nigeria này, ngoài Diandra ra còn có em trai của cô cũng bị mắc chứng bạch tạng bẩm sinh.
Trên thế giới, tỉ lệ những người chào đời với chứng rối loạn gene có thể gây mù mắt này là 1/17000. Ở một số nước châu Phi, đặc biệt là ở Đông Phi, những người mắc chứng bạch tạng có nguy cơ bị ngược đãi, trở thành nạn nhân của những vụ bắt cóc và thậm chí bị giết chết cũng như bị lấy mất các bộ phận trên cơ thể vì một số người theo hủ tục lạc hậu còn tin rằng các bộ phận này có thể được chế thành bùa phép giúp tăng cường sức mạnh.
Những người bạch tạng ở lục địa này thường phải sống một cuộc sống cô độc và luôn cảm thấy xấu hổ trước những ánh mắt soi mói và những lời chế giễu của người khác. "Thực sự tôi đã trải qua một thời niên thiếu rất khó khăn khi luôn bị những đứa trẻ xung quanh trêu chọc và quấy rối.
Tôi thường trở về nhà từ trường với đôi mắt sưng húp vì khóc. Và bố mẹ đã phải chuyển tôi đến một ngôi trường đặc biệt. Nhưng điều đó không thể so sánh được với điều mà những người giống như tôi ở châu Phi, đặc biệt là ở các vùng nông thôn phải trải qua”, Diandra Forrest chia sẻ.
“Tôi vô cùng choáng váng khi biết rằng ở những quốc gia như Tanzania, những người bạch tạng như tôi luôn có nguy cơ bị giết chết và cắt tay chân để phục vụ cho mục đích buôn bán. Mỗi ngày, họ đều phải sống trong nỗi lo sợ về số phận của mình. Thật là khủng khiếp!”.
Ở Kwazulu Natal, cách sàn diễn của Tuần lễ thời trang châu Phi khoảng một ngày đường ô tô, một cậu học trò bạch tạng đã bị bắt cóc và mất tích cách đây hơn một năm. Gia đình cậu bé lo sợ sự việc này có liên quan đến việc chế tạo bùa phép.
Mới đây nhất, vào tháng 7/2012, tại Meru, Tanzania, một người đàn ông bạch tạng khoảng 30 tuổi được phát hiện bị sát hại với một số bộ phận cơ thể đã biến mất. Những phần cơ thể này có thể được sử dụng làm bùa chú, thuốc hoặc được chôn tại các cơ sở doanh nghiệp với niềm tin chủ nhân sẽ làm ăn phát đạt.
Theo trích dẫn từ báo cáo của Liên Hiệp Quốc, tổ chức phi chính phủ Under the Same Sun ước tính rằng có khoảng 71 người bạch tạng đã bị sát hại tại Tanzania từ năm 2006 đến 2012, bên cạnh đó là 31 nạn nhân còn may mắn sống sót sau khi bị tấn công bằng dao.
Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, còn lại đa số những trường hợp tương tự thường không được điều tra hoặc báo cáo một cách chi tiết.
Người mẫu bạch tạng và thông điệp chống lại định kiến và phân biệt đối xử
Peter Ash, tác giả của báo cáo năm 2012 về chứng bạch tạng do Liên Hiệp Quốc ủy thác, nhận định người mẫu bạch tạng trên sàn catwalk có thể làm nên sự khác biệt bởi: “Khi hình ảnh của người bạch tạng được thể hiện một cách tích cực hơn thì điều đó sẽ giúp cho họ có được nghị lực trong cuộc sống.
Vấn đề chính mà chúng tôi nhận thấy là vấn nạn bạo lực đối với người bạch tạng được nhiều người chấp nhận bởi những nạn nhân này thường không được xem là con người mà luôn bị coi là hiện thân của ma quỷ, phù thủy hoặc một lời nguyền nào đó.
Vì thế, điều cốt yếu là xã hội châu Phi nên bắt đầu có cái nhìn tích cực đối với vai trò của những người mẫu bạch tạng để từ đó có thể thay đổi suy nghĩ về những người như vậy. Sự xuất hiện của họ mang một thông điệp mạnh mẽ chống lại nạn bạo lực đối với những người bạch tạng”.
Khi bắt đầu đặt những bước chân đầu tiên trên các sàn catwalk quốc tế, Diandra Forrest đã tạo ra một xu hướng mới. Cũng như nhiều nhà thiết kế khác trong giới thời trang, nhà thiết kế người Nam Phi làm việc tại Anh Jacob Kimmie cảm thấy hết sức ấn tượng khi gặp Diandra.
“Cô ấy trông rất khác biệt, tôi nghĩ tôi phải có được cô ấy trong chương trình của mình. Tại thời điểm này, việc sử dụng người mẫu bạch tạng đang trở thành một xu hướng mới mẻ và hy vọng điều này sẽ truyền cảm hứng cho một sự thay đổi lâu dài trong tương lai”, Jacob Kimmie cho hay.
Người mẫu Nam Phi mắc chứng bạch tạng Refilwe Modiselle có cùng ý kiến với nhà thiết kế Jacob Kimmie. Bắt đầu với nghề người mẫu từ năm 13 tuổi, tới nay, Refilwe đã trở thành gương mặt đại diện của chuỗi nhãn hàng thời trang Legit của Nam Phi
Cô cho biết, người mắc chứng bạch tạng thường bị nhìn nhận một cách tiêu cực nhưng: “Tôi cảm thấy công việc mà Diandra và tôi đang theo đuổi sẽ mở đường cho một sự thay đổi thực sự”, Refilwe tâm sự.
“Thật bất công khi nhiều người không coi bệnh nhân bạch tạng là con người. Thiết nghĩ, điều quan trọng là chúng ta cần lên án và xóa bỏ thành kiến đó ở châu Phi. Chúng ta không thể im lặng và trốn tránh thêm nữa”, cô tiếp lời.
“Bất cứ cô gái bạch tạng nào sải bước trên sàn diễn thời trang quốc tế hoặc thậm chí ngẩng cao đầu đi trên đường phố chính là hình ảnh chúng tôi hướng tới”, Modiselle chia sẻ. Modiselle hy vọng, cô có thể trở thành chất xúc tác tạo nên cảm hứng cho việc thay đổi định kiến ở một xã hội phân biệt chủng tộc như Nam Phi cũng như trên toàn châu lục:
“Chúng tôi là biểu tượng của sự thống nhất chủng tộc. Chúng tôi là những cô gái da đen sống trong lớp vỏ da trắng, như một cách thể hiện cho sự thống nhất sắc tộc. Và chúng tôi muốn được biết đến với tư cách là người mẫu và với tất cả những gì chúng tôi đã nỗ lực đạt được, chứ không phải chỉ là một người bạch tạng”.
Giờ đây, hẳn là những người trước đây đã từng trêu chọc và chế giễu Diandra đang cảm thấy vô cùng ngạc nhiên và tự thấy xấu hổ khi đứa trẻ “dị thường” ngày nào giờ đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, là một gương mặt người mẫu sáng giá trong làng thời trang quốc tế, kiếm được rất nhiều tiền, đi du lịch khắp thế giới và sống một cuộc sống sung sướng, xa hoa như trong mơ.
Đây là kết quả thành công của sự nỗ lực, của sức mạnh nội tâm chiến thắng định kiến lạc hậu và thái độ đối xử bất công, và nó chứng minh rằng mọi điều tuyệt vời đều có thể tìm đến với bất kỳ ai nếu chúng ta biết kiên cường chiến đấu với số phận và vươn tới những ước mơ cao đẹp không chỉ vì bản thân mình.
Theo Nguoiduatin