Cánh diều vàng 2013: Hãy thôi vơ bèo gạt tép

Thứ bảy, 09/03/2013, 08:25
Trong vốn ngôn ngữ từ xưa để lại, có một cụm từ rất hay là “hội làng ta” và nếu mang từ này ra để ghép với LHP Cánh diều vàng – giải thưởng “uy tín” và duy nhất hằng năm của Hội Điện ảnh Việt Nam thì cũng chẳng có gì là bất nhã cả.

Tiêu chí giải thưởng: “Rối như canh hẹ”

Cánh diều vàng 2012

Chưa từng được chiếu nhưng "Lạc lối" của đạo diễn Nhuệ Giang vẫn nằm trong danh sách xét giải Cánh diều 2013.

Không bất nhã là bởi chỉ có ở “hội làng” thì ai thích làm gì thì làm, bên này leo cột mỡ, bên kia kéo co và bãi cỏ khác lại là…tán tỉnh gái trai. Cánh diều vàng cũng y chang vậy.

Giữa 20 phim được sản xuất trong năm 2012, Hội chỉ vận động được 10 phim tham gia. Chất lượng phim thì “tiếng một đường, hình một nẻo”, nếu có vô tình đặt chung vào một sự kiện cũng sẽ là sự bất nhã với chính những người làm nghề.

Gia sư nữ quái đường đường chính chính ngồi chung mâm với “anh Lưu” (đạo diễn Lưu Huỳnh) của Lấy chồng người ta dẫu rằng sự thật là nhà sản xuất của bộ phim hài nhảm là em ruột của “anh Lưu” nhưng chất lượng hai phim thì được ví như sự so sánh giữa Vietnam Idol và hội diễn văn nghệ quần chúng cấp phường xã.

Nó mang lại cảm giác như kiểu, ao ta có bao nhiêu bèo, thì vớt cho bằng hết. Tép có bấy nhiêu con, vặt hết. Miễn sao đông đủ vui tươi và huề cả làng là được. Nhìn vào danh sách phim tham gia là biết ngay, không cần phân tích nhiều.

Tiêu chí như thế thì thử hỏi nghệ sĩ, diễn viên sao mà hào hứng cho được, dẫu rằng họ có chiến thắng đi nữa. Chiến thắng của họ, nếu có, chắc cũng vì đối thủ quá yếu chứ không phải vì mình quá xuất sắc. Đó là chưa kể đến những trường hợp “bất thình lình nhảy từ bụi rậm” như trường hợp bộ phim Lạc lối của nữ đạo diễn Nhuệ Giang năm nay.

Không ai nghi ngờ tay nghề của nữ đạo diễn này bởi sự nghiệp của bà đã nói được nhiều điều nhưng cũng không phải ai cũng tin phim của bà sẽ hay mãi, tiêu biểu là Tâm hồn mẹ vừa qua là một sự thất bại kinh khủng về mọi mặt.

Không có lịch chiếu công khai, Lạc lối được đánh giá là một “ẩn số” (đúng nghĩa đen) của giải thưởng năm nay. Lỡ chẳng may phim có trúng giải thì chắc chắn trên tất cả các đầu báo của cả lãnh thổ Việt Nam sẽ không thể kiếm đâu ra được một bài bình phim này. Nếu có may chăng, là tờ báo của…Hội điện ảnh – đơn vị tổ chức giải thưởng.

Sự minh bạch và rõ ràng là điều cần thiết của mỗi giải thưởng. Để công chúng còn giám sát xem nó “sâu sắc” đến cỡ nào, nhà báo còn biết đường “hoang mang” ra làm sao mỗi khi bước chân ra khỏi rạp, và người làm nghề còn biết “ngỡ ngàng” thế nào về đồng nghiệp của mình.

Suy cho cùng, nếu có chiến thắng thì chiến thắng của Lạc lối cũng chả vang vẻ gì vì kiểu “tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh” như vậy.

Cánh diều vàng 2012

Chưa từng nhận được một lời khen nhưng "Cát nóng" của đạo diễn Lê Hoàng vẫn có "nguy cơ" đoạt giải Cánh diều 2013.

Cùng với Lạc lối, bộ phim Cát nóng của đạo diễn Lê Hoàng cũng vậy, chưa từng công chiếu một cách chính thức tại rạp. Cát nóng mới chỉ chiếu khai mạc LHP QTVN lần thứ 2 – một buổi chiếu phim mà đa phần khán giả bỏ về vì phim… phản cảm và thiếu hấp dẫn.

Sau đó, phim “im thin thít và lặn mất tăm”, tuyệt nhiên không có suất chiếu nào dành cho khán giả một cách thực sự. Phim chưa từng chiếu trên hệ thống phát hành thương mại, cũng chưa từng công chiếu phục vụ khán giả, nghĩa là dạng phim đắp chiếu trong kho, vẫn ung dung tham dự LHP.

Lý do mà ban tổ chức Cánh diều vàng đưa ra là bộ phim đã có giấy phép duyệt thì được tham gia. Trường hợp tương tự là Mùi cỏ cháy năm ngoái khi đoạt giải nhất mà chưa từng được sáng đèn ngoài rạp một lần nào (ngoài phạm vi các xuất chiếu trong LHP).

Chừng nào mà còn cái kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi” như vậy thì chừng đó Cánh diều vàng sẽ chẳng bao giờ là “vàng” thật như cái tên đầy sự khoa trương và phù phiếm của nó. Sẽ mãi chỉ là Cánh diều… xi măng mà thôi. Nặng trịch (vì đầy cảm tính và định kiến) và chẳng thể bay được (vì bay cho ai xem đây?).

Hãy nói không nếu đủ dũng cảm

Việc Hội Điện ảnh cố gắng mỗi năm tổ chức một lễ trao giải là một điều đáng khen. Nhưng nhìn ở khía cạnh khác là một điều đáng trách bởi hơn ai hết những giải thưởng vinh danh không đúng chỗ chính là “động lực” cho các bộ phim hài nhảm ra đời nhiều hơn nữa. Và không phải ngẫu nhiên mà VTV3 từ chối truyền hình trực tiếp lễ trao giải này. Năm nay nó được kéo về HTV, một đài địa phương!

Hãy thử tưởng tượng những bộ phim dở, chuyên chiếu vào dịp Tết mua vui dễ dãi, đoạt giải, dù là giải phụ, thì các nhà sản xuất phim vẫn có quyền tự hào chứ.

Họ tự hào rằng: Truyền thông cứ chê phim tôi nhảm nhưng những người làm nghề đáng kính nhất vẫn trao giải cho phim của chúng tôi đó thôi và chúng tôi tự hào về sự đánh giá cao của những người làm nghề đáng kính hơn là những bài báo đầy cảm tính!

Chẳng hạn, đọc được những dòng chữ như vậy từ một nhà sản xuất – đạo diễn nào đó, không biết BGK nghĩ gì, họ có ý thức được giải thưởng này “kích thích” nhiều bộ phim khác dở hơn nữa được ra đời?

Trong khi đó, tiêu chí của giải thưởng là vinh danh những giá trị đích thực của điện ảnh chứ không phải là cổ súy cho những bộ phim nhảm nhí.

Ai cũng biết điện ảnh Việt Nam còn yếu kém (chắc cũng còn dài dài nữa) và việc sản xuất những bộ phim tốt không phải năm nào cũng sẵn có như lấy đồ trong túi ra. Nhưng nếu như thấy năm qua toàn phim dở mà vẫn tổ chức giải thưởng để vinh danh thì đúng là… điều xấu khi đi vinh danh thứ hàng kém chất lượng.

Sao BTC không nghĩ chuyện “Quý hồ tinh hơn quý hồ đa” hay họ không đủ dũng cảm để nói “không” với những bộ phim dở hoặc họ cũng chẳng đủ tự trọng để từ chối tổ chức sự kiện thường niên này một vài năm, đợi khi nào gom đủ phim tốt sẽ vinh danh.

So sánh một cách dễ hiểu thì giống như việc ngày này qua ngày khác ăn cơm khê sẽ chẳng thể nào gật gù khen ngon mãi được. Thay vì thế thì hãy ngừng ăn vài hôm, học cách nấu cơm ngon hơn, dù có hơi nát đôi chút cũng được, ít ra nó vẫn hơn là cơm khê. Đó chắc chắn sẽ đẩy giá trị giải thưởng lên cao hơn.

Hay bởi là vì “cố đấm ăn xôi” tổ chức hàng năm để có sự kiện báo cáo kiểu như “thành công tốt đẹp” để ngân sách hằng năm vẫn được rót về và Hội có việc để làm?

Ngày hội của ai?

Gọi là một ngày hội của những người làm phim nhưng sự thật có vẻ không như vậy. Những ngôi sao quyến rũ đám đông, những tài tử váy áo điệu đà rất ít khi xuất hiện, thay vào đó là những ai đó đến dự một cách “tạm bợ” (viết đến đây lại lo lắng không biết sự kiện năm nay có trường hợp nào tương tự như cô người mẫu Hồng Quế mặc áo trong suốt khoe thân tại Hà Nội vài tháng trước).

Cánh diều vàng 2012

Lý Nhã Kỳ có thể đoạt giải năm nay.

Cũng sẽ là tâm lí chung thôi, sẽ chẳng ai đến một sự kiện được tổ chức với những thành phần tham dự là sự “vơ vét”, vinh danh những sản phẩm không chất lượng, sự hả hê giả tạo và đầy tính xã giao.

Hơn nữa, những người được kì vọng đoạt giải vì sự cố gắng của họ mà thua một cô “hot girl” hoặc một anh “hot-boy” nào đó thì rõ ràng lòng tự trọng với nghề cũng sẽ bị tổn thương ít nhiều chứ.

Và nếu niềm tin vào những người cầm cân nảy mực có thất lạc ở những nghệ sĩ thì cũng đừng ngạc nhiên nhiều bởi đó điều sẽ phải đến và đến một cách thẳng thừng không tránh được.

Theo một nguồn tin hành lang, bộ phim Mùa hè lạnh của đạo diễn Ngô Quang Hải vẫn sẽ tham dự Cánh diều vàng năm nay.

Cũng theo nguồn tin này, Lý Nhã Kỳ có thể có được một giải thưởng phụ nào đó – chắc hẳn đó sẽ là một bất ngờ thú vị nho nhỏ cho sự kiện.

Tất nhiên, mọi chuyện mới chỉ là tin hành lang, một dạng tin đồn nhưng nếu tin đồn thành sự thật thì chắc Cánh diều vàng năm nay cũng sẽ không thực sự êm đềm.

Hơn nữa, đời sống nghệ sĩ hiện nay họ cũng không còn mặn mà với những giải thưởng mà cho dù họ đến tham dự cũng vậy hoặc không tham dự thì vẫn vậy, truyền thông sẽ chỉ phản ánh… một chiều xấu tiêu cực mà thôi. Đơn giản là bởi, tích cực còn ít quá, không đủ để gom làm một bài – giống y chang tình trạng cố gắng gom phim của chính BTC.

Họ giờ cũng ý thức hơn về việc xuất hiện ở đâu và như thế nào, được tôn trọng ra làm sao, chăm sóc chu đáo như thế nào và thảm đỏ kia có thực sự là vinh quanh hay không thì bản thân người tham dự cũng lờ mờ nhận ra được nhiều điều.

Nhưng cũng thú vị một điều là hằng ngày vẫn có khá nhiều độc giả lên các trang báo mạng bình luận, lên án các ngôi sao ăn mặc sang trọng (tất nhiên họ kiếm được tiền thì họ có quyền được mua sắm đồ cho bản thân dù mắc đến đâu) nhưng chẳng thấy ai lên án những sự kiện tốt hơn hết là đừng tổ chức.

Câu hỏi và thắc mắc thường thấy ở nhưng những bạn đọc đó tại sao các ngôi sao không dùng số tiền lớn mà họ dùng để “đắp” vào bản thân sao không mang đi làm từ thiện. Vậy nên chăng cũng nên hỏi một câu tương đương như vậy với BTC của giải thưởng Cánh Diều Vàng?

Hoặc ít ra cũng là một câu nhẹ nhàng hơn là: Tiết kiệm một năm để năm sau cho xôm tụ, hoành tráng và chất lượng hơn chẳng nhẽ không được?

- Danh sách phim tham gia Cánh Diều Vàng 2013 – Hạng mục phim truyện nhựa là Ðam mê (đạo diễn Phi Tiến Sơn), Cát nóng (đạo diễn Lê Hoàng), Dành cho tháng 6 (đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn), Lấy chồng người ta (đạo diễn Lưu Huỳnh), Cưới ngay kẻo lỡ (đạo diễn Charlie Nguyễn), Gia sư nữ quái (đạo diễn Lê Bảo Trung), Nhà có 5 nàng tiên (đạo diễn Trần Ngọc Giàu), Thiên mệnh anh hùng và Scandal - Bí mật thảm đỏ(đạo diễn Victor Vũ) và bí ẩn duy nhất thuộc về bộ phim Lạc lối (đạo diễn Phạm Nhuệ Giang).

- Ngoài ra, LHP còn có sự tham gia của 18 phim truyền hình (tổng cộng 460 tập), 24 phim ngắn (dưới 30 phút và do tác giả dưới 30 tuổi thực hiện), 13 phim hoạt hình, 37 phim tài liệu, 10 phim khoa học, ba công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh sẽ tham gia tranh giải ở từng hạng mục liên quan.

- Lễ kỷ niệm Ngày điện ảnh và trao giải thưởng Cánh diều 2012 sẽ được tổ chức vào 20h30 ngày 9/3 tại Ðài truyền hình TP.HCM, chương trình được Ðài truyền hình TP.HCM phát sóng trực tiếp và nối sóng tới các đài truyền hình khác.

Ðạo diễn chương trình dự kiến sẽ là diễn viên Quyền Linh và đạo diễn Vũ Thành Vinh, âm nhạc: nhạc sĩ Ðức Trí, biên đạo múa: Trần Ly Ly, các nghệ sĩ tham gia biểu diễn: ca sĩ Thu Minh, Phương Thanh, Uyên Linh, Phạm Anh Khoa...

- Trong khuôn khổ chương trình lễ trao giải, Hội Ðiện ảnh Việt Nam dành nghi thức trang trọng tôn vinh đạo diễn - NSND Nguyễn Huy Thành và đạo diễn - NSND Trương Qua vì những cống hiến xuất sắc của hai nghệ sĩ cho nền điện ảnh dân tộc.

Theo Cảnh Sát Toàn Cầu

Các tin cũ hơn