Năm 1938, Liên hoan phim Venice Mostra của Italy sửa soạn để vinh danh một tác phẩm điện ảnh của Mỹ nhưng ban giám khảo khi đó, dưới can thiệp của nước Đức, đột ngột thay đổi quyết định và trao giải cho "Gods of the Stadium" của đạo diễn người Đức Leni Riefensthal. Kết quả khiến không ít cường quốc điện ảnh bất bình.
Đây cũng là lúc người Pháp quyết định phải có một festival quốc tế của riêng họ. Nhưng ở đâu? Cannes - thành phố thuộc miền Nam, bên sông Riviera - hay Biarritz, thành phố bên bờ biển ở Tây nam, là những địa danh được nhắm đến. Cuối cùng Cannes được chọn.
Mùa đầu tiên của Liên hoan phim Cannes dự kiến diễn ra vào 1/9/1939. Douglas Fairbanks, Gary Cooper, Tyrone Power, Paul Muni, Norma Shearer và Mae West từ nước Mỹ đã rục rịch lên đường tới festival.
Đại lộ Croisette nằm bên bờ biển của thành phố Cannes đã sẵn sàng chào đón những ngôi sao điện ảnh đến từ nhiều nơi trên thế giới.
Tham gia sự kiện, Pháp cử các đạo diễn Julien Duvivier, Jean de Baroncelli và Christian-Jaque; Mỹ đưa "Wizard of Oz" của Victor Fleming, "Union Pacific" của Cecil B. DeMille trong khi Liên Xô chọn "Tractor Drivers, Lenin in 1918" và đáng chú ý nhất, tác phẩm với tiêu đề "If War Comes Tomorrow" giống như một lời tiên tri.
Đúng ngay khai mạc, 1/9/1939, lính Đức Quốc xã tấn công Ba Lan, mở màn cho Thế chiến hai. Chiến tranh nổ ra, liên hoan phim bị hoãn tới 1946.
Poster của festival phim dự kiến diễn ra từ 1/9 đến 20/9/1939 không bao giờ được treo lên do Thế chiến 2. |
Tất cả những gì còn lại của ý tưởng festival mùa đầu tiên là một tấm poster do họa sĩ địa phương Jean-Gabriel Domergue thiết kế. Nhưng từ tấm poster duy nhất này, người ta thấy hàm chứa những điều mà sau này sẽ làm nên huyền thoại và cả những nghịch lý của Cannes.
Tấm poster vẽ người phụ nữ tóc đỏ, diện chiếc đầm dạ hội tuyền màu với tóc. Người phụ nữ vỗ hai bàn tay có những ngón thon dài, làm liên tưởng đến hình ảnh cô đào Rita Hayworth với đôi găng tay nổi tiếng trong "Gilda". Bên cạnh cô là một người đàn ông diện tuxedo.
Ngay từ buổi mới "nhú mầm", sự hào nhoáng và lấp lánh của liên hoan phim đã chạm phải thực tế khắc nghiệt của thế giới. Ngoài xa, những chiếc xe tăng quân sự gầm rú và những bộ đồng phục xám của quân đội Đức Quốc xã nhuộm khắp châu Âu.
Sau này, khi liên hoan phim chính thức diễn ra, trải qua 66 mùa Cannes là 66 tấm poster khác nhau. Gilles Jacob - chủ tịch đương nhiệm, người gắn bó với Cannes từ năm 1978 với vai trò chủ tịch Liên hoan phim - cho biết, đối với ông tấm poster năm 1985 tiêu biểu nhất cho tinh thần của Cannes.
Bức hình vẽ một cặp nam - nữ đang say sưa khiêu vũ. Đầu tiên là trong trang phục đen trắng, sắc màu sau đó hiện dần, qua từng khuôn ảnh, cho tới khi người nam và người nữ thoát khỏi khung ảnh. “Điệu walt cuối cùng giữa một thế giới hỗn loạn. Tôi nghĩ đây là biểu tượng chính xác nhất cho sự sang trọng của Cannes”, Gilles nói.
"Điệu walt cuối cùng giữa một thế giới hỗn loạn" - thông điệp từ poster Cannes 1985. |
Cannes - chướng ngại vật cuối cùng của Hollywood
Liên hoan phim sẽ không bao giờ quên lịch sử khắc nghiệt của nó. Chính vì thế, Cannes sẽ duy trì việc chọn lựa hà khắc với những bộ phim nghệ thuật.
“Trước tiên và trên hết, Cannes dành cho lòng nhiệt thành về nghệ thuật” - Veronique Cayla, cựu giám đốc nghệ thuật của liên hoan phim và giờ là giám đốc của kênh Arte TV của Pháp, nói - “Ngày nay, thế giới điện ảnh có hai đối cực: đó là Cannes và Hollywood - ngôi nhà của phim nghệ thuật và cỗ máy giải trí Hollywood".
Veronique Cayla cũng đánh giá cao tính kết nối toàn cầu trong điện ảnh của liên hoan phim mà nước Pháp chủ trì. "Tôi chứng kiến Cannes đã thực sự hợp nhất các nghệ sĩ trên khắp thế giới vốn không hề quen biết. Tôi thích thú khi thấy đạo diễn người Nhật Takeshi Kitano rời khỏi tháp ngà của anh để tham gia một cuộc trò chuyện đầy nhiệt hứng với đạo diễn người Iran Abbas Kiarostami, trong sự bất đồng về ngôn ngữ”.
Dưới con mắt nghiêm khắc của các giám khảo liên hoan phim, những tác phẩm được vinh danh ở Cannes chắc chắn có giá trị nghệ thuật cao. Một bộ phim được chiếu ở Cannes, không chỉ mang về thành công cho chính nó mà có thể thay đổi hoàn toàn sự nghiệp của một đạo diễn. Nhưng không phải không có lỗi.
Một vài Cành Cọ Vàng - giải thưởng danh giá nhất của liên hoan phim - hoàn toàn thất bại: chỉ có hơn 91.000 người mua vé xem "Best Intentions" của Bille August trong khi những bộ phim khác có tới 3 đến 5 triệu lượt xem tại các phòng vé (như "MASH", "Apocalypse Now", "Pulp Fiction", "The Piano").
Dù vậy, đó không phải là điểm mấu chốt. Nhìn vào trường hợp "Uncle Boonmee" của đạo diễn người Thái Apichatpong Weerasethakul. Buổi sáng trước khi công chiếu tại Cannes, bộ phim không tìm được nhà phân phối, nhưng sau liên hoan phim, nó thu hút tới 130.000 khán giả ở Pháp.
Thierry Fremaux, một đại diện của liên hoan phim, nói: “Có một hiệu ứng rõ rệt từ Cannes. Uncle Boonmee có thể sẽ chỉ bán được 10.000 vé ở Pháp nếu không có Cannes. Mỗi bộ phim giành Cành Cọ Vàng đều thu hút nhiều người xem hơn nhờ giải thưởng. Những đồn đại rằng tất cả phim chiến thắng Cành Cọ Vàng đều thất bại về thương mại là hoàn toàn không đúng".
Thierry Fremaux cũng cho rằng, phim nghệ thuật thành công ở khía cạnh nghệ thuật, khác với dòng điện ảnh thương mại, thành công ở khía cạnh thương mại.
Trong số những bộ phim từng đoạt giải thưởng cao nhất của Cannes, có những chiến thắng được liệt vào hàng bất ngờ. Chủ tịch Gilles Jacob nhắc tới "The Given Word" của đạo diễn Brazil Anselmo Duarte, giành Cành Cọ Vàng năm 1962, trong khi Bresson, Bunuel, Antonioni và Satyajit Ray mới là những đạo diễn được cho là nhiều khả năng chiến thắng.
Thậm chí, có những "phim nhỏ", chiếu vào ngày thứ bảy cuối cùng của liên hoan phim, đôi khi có thể bật lên giành giải thưởng lớn. Ví dụ tiêu biểu là "Rosetta", thắng giải năm 1999, khi tên tuổi đạo diễn - anh em nhà Dardenne - hoàn toàn chưa được biết tới.
Trước đó, năm 1991, suốt kỳ liên hoan, trưởng ban giám khảo Roman Polanski liên tục phàn nàn ông không nhìn thấy bất kỳ bộ phim nào xứng đáng trao Cành Cọ Vàng. Nhưng vào ngày thứ bảy, Gilles Jacob thấy Roman Polanski ra khỏi nhà hát Lumière với nụ cười rạng rỡ trên gương mặt: ông vừa xem "Barton Fink" của anh em nhà Coen - những người vốn chưa có tên tuổi vào thời điểm đó.
Gilles Jacob bày tỏ niềm tự hào khi những đạo diễn như Soderbergh, Jane Campion, Moretti, Lars von Trier và anh em nhà Dardenne, anh em nhà Coen đều đã mang những tác phẩm điện ảnh đầu tiên của họ tới Cannes. Trong danh sách, ông còn bổ sung những cái tên như Tarantino, Scorsese, Kusturica...
Hào quang và scandal - hai đối cực của Cannes
Liên hoan phim Cannes là nơi tất cả tham vọng và hy vọng đều có đất - nơi những thú vị của cuộc sống bày ra trên thảm đỏ. Cannes là nơi người ta có thể đợi hàng giờ đồng hồ, đội mưa đội nắng, chỉ để chiêm ngưỡng ngôi sao trong vài giây hay có được chữ ký của họ.
Từ những năm 1970, Gilles Jacob đã tài tình nhận ra rằng, ông cần phải thiết lập một sự cân bằng giữa việc chiếu phim nghệ thuật và thảm đỏ.
"Một thứ thúc đẩy cái khác. Một thứ vượt lên trên cái còn lại. Những gì tôi học được trong nhiều năm qua là Sharon Stone có thể hoàn toàn tôn vinh và làm nổi bật các buổi chiếu phim của Manoel de Oliveira - nhà làm phim Bồ Đào Nha nổi tiếng. Họ tôn nhau lên, giống như rượu Bordeaux Margaux ngon kết hợp hoàn hảo với pho mát Saint - Nectaire. Tôi nói điều này với tất cả sự tôn trọng", Gilles Jacob nói.
Quý ông có thể làm mọi điều họ muốn, thậm chí điên rồ, nhưng trong một bộ tuxedo. |
Nhưng festival sẽ không bao giờ thỏa hiệp với những thứ đi trái nguyên tắc của nó. Bởi thế, khi Lars von Trier - vị đạo diễn mà tên tuổi được "khai sinh từ Cannes", đưa ra những quan điểm ủng hộ Hitler và Đức quốc xã, ông lập tức bị đuổi khỏi liên hoan phim, bỏ lỡ cơ hội nhận Cành Cọ Vàng thứ hai.
Thế nhưng, scandal vốn là một phần không thể thiếu của Cannes. Giống như những bộ tuxedo. Tuxedo được coi là nguyên tắc đối với những quý ông dự các buổi chiếu phim trong khuôn khổ liên hoan. Quy định ăn mặc đó không phải trò đùa.
Đạo diễn người Burkina Faso - Idrissa Ouedraogo - từng học được bài học đắt giá. Người thắng giải đặc biệt của ban giám khảo cho bộ phim “Tilai” năm 1990 từng phá lệ diện trang phục truyền thống lên thảm đỏ. Mặc dù rất phong cách, bộ đồ của ông giống đồ ngủ hơn lễ phục và ông đã bị từ chối vào rạp chiếu phim.
Nam đạo diễn sau đó nhắc lại lời ông nội mình từng nói: “Con trai, nếu con đến một nơi mà mọi người đều hành động điên rồ, chỉ cần làm giống họ, họ hẳn phải có lý do chính đáng”.
Cannes là nơi mà mọi người đều hành động một cách điên rồ nhưng... trong một bộ tuxedo.
Theo VNE