Sức mạnh châu Á tại Liên hoan phim Cannes

Thứ ba, 28/05/2013, 14:18
"Ta lắng nghe nhịp đập tim mình". Ðó là lời đạo diễn Steven Spielberg thốt lên sau 12 ngày ông làm chánh chủ khảo Liên hoan phim (LHP) Cannes 2013 và trao giải Cành cọ vàng cho bộ phim về tình yêu đồng tính nữ có cảnh sex kéo dài Xanh là màu ấm áp nhất.

Lần đầu tiên trong lịch sử LHP Cannes có một bộ phim về đề tài tình yêu đồng tính giành giải cao nhất. Xanh là màu ấm áp nhất (Blue is the warmest colour) thuộc loại phim dán nhãn R (dành cho khán giả 18 tuổi trở lên) khi chiếu rạp vì có cảnh quay rõ nét hai nhân vật nữ ân ái với nhau kéo dài 12 phút.

Trang tin Variety đánh giá phim "có cảnh bùng nổ nhất về tình dục đồng tính nữ", The Hollywood Reporter nhận xét diễn viên diễn ái ân "quá thực tế".

Thế nhưng tại sao Xanh là màu ấm áp nhất của đạo diễn Pháp gốc Tunisia Abdellatif Kechiche lại chinh phục được ban giám khảo mà ngoài Spielberg còn những tên tuổi đáng kính khác như Lý An hay Nicole Kidman...? Không những thế, các nhà phê bình, nhà báo khắt khe khác tại Cannes phần lớn đều thừa nhận và tán thành việc phim sẽ đoạt giải ngay sau khi xem xong chứ không đợi đến lúc LHP công bố kết quả vào rạng sáng 27/5 (giờ Việt Nam).

Liên hoan phim Cannes
Nhà làm phim trẻ Singapore Anthony Chen nhận giải dành cho phim đầu tay từ ngôi sao Chương Tử Di - Ảnh: Getty

"Tôi nghĩ rằng bộ phim này chứa một thông điệp rất mạnh mẽ, một thông điệp rất tích cực. Ðây là một câu chuyện tình yêu tuyệt vời và sâu sắc khiến chúng tôi hoàn toàn bị say mê" - Spielberg lý giải.

Ông cũng giải thích yếu tố mang đến thành công nhất cho Xanh là màu ấm áp nhất chính là "sự lựa chọn hoàn hảo giữa hai nữ diễn viên với một nhà làm phim nhạy cảm và tinh tế khó tin".

Trên bục nhận giải, đạo diễn Kechiche đã bày tỏ về "quyền được yêu tự do và vui sống" mà ông đã tâm đắc "sau khi quan sát và khám phá nét đẹp của thế hệ trẻ ở Pháp trong một thời gian dài".

Xem bộ phim kéo dài 175 phút (dài nhất trong số các phim tranh giải) của Kechiche, khán giả cảm thấy xúc động, thấu hiểu và dần cảm thông vì sao một cô gái trẻ thơ ngây 15 tuổi Adele (Adele Exarchopoulos thủ vai) lại dần yêu và được người phụ nữ tóc xanh Emma (Lea Seydoux) khuyến khích cô theo đuổi những khát vọng lẫn biến cô trở thành đàn bà.

Ðoạn đối thoại mấu chốt của bộ phim có lẽ là khi Emma tâm sự với Adele có người đã khuyên cô rằng: "Chúng ta có thể lựa chọn cho cuộc đời mình không lệ thuộc vào bất cứ nguyên tắc đạo đức cao ngạo nào..., đặc biệt là về sự tự do và giá trị của bản thân".

Với Xanh là màu ấm áp nhất giành Cành cọ vàng, LHP Cannes năm nay giữ truyền thống tôn vinh những tác phẩm điện ảnh có tinh thần mới mẻ, lay động người xem và cũng mang hơi thở đương đại rõ nét.

Trên thế giới, sự kỳ thị về tình yêu đồng tính và cuộc tranh luận cho phép hôn nhân đồng giới hay không vẫn đang diễn ra rất gay gắt, kể cả ở những quốc gia đã ban hành luật như Pháp.

Giám đốc LHP Cannes Thierry Fremaux bình phẩm việc đăng quang của Xanh là màu ấm áp nhất trở nên "rất thời sự" khi cũng ngay trong ngày Cannes trao giải thì tại Paris diễn ra cuộc biểu tình lớn để phản đối hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.

Liên hoan phim Cannes

Sức mạnh châu Á

Tại Cannes, có bốn bộ phim đến từ Trung Quốc, Nhật, Singapore và Campuchia đã nhận được sự tôn vinh và tán thưởng nồng nhiệt. Theo AFP, tác phẩm được chú ý nhất là A touch of sin (Chạm vào tội ác) của đạo diễn - biên kịch Trung Quốc Giả Chương Kha, một câu chuyện về nạn tham nhũng và sự thối rữa trong xã hội Trung Quốc hiện đại. Ðạo diễn lừng danh Steven Spielberg mô tả đây là bộ phim "có tầm nhìn lớn lao".

A touch of sin dựa trên câu chuyện có thật của bốn người nghèo tại Trung Quốc, vì bị dồn vào đường cùng nên có những hành động tuyệt vọng. Các nhà phê bình điện ảnh tại LHP Cannes mô tả đây là tác phẩm phê phán sâu sắc hiện thực xã hội Trung Quốc.

Ðạo diễn đoạt giải Oscar Lý An khẳng định A touch of sin là một "bộ phim quan trọng", cho thấy điện ảnh Trung Quốc có thể là một thế lực mới trong ngành điện ảnh toàn cầu.

Trong khi đó, tác phẩm Like father like son (Cha nào con nấy) của đạo diễn Nhật Hirokazu Koreeda kể câu chuyện về hai gia đình có con bị tráo đổi khi mới sinh, đã giành giải thưởng của ban giám khảo.

Một bộ phim châu Á khác cũng được đánh giá rất cao là Ilo Ilo của đạo diễn Singapore Anthony Chen. Ðây là tác phẩm đoạt giải Camera vàng tại LHP Cannes. Ðây cũng là lần đầu tiên một bộ phim Singapore được tôn vinh tại Cannes. 

Ilo Ilo lấy bối cảnh là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, mô tả cuộc sống của những người Singapore tham công tiếc việc và sự phụ thuộc vào những người giúp việc trong gia đình. Ban giám khảo LHP Cannes đánh giá sự nhạy cảm và thông thái của đạo diễn Anthony Chen đã giúp bộ phim nêu bật được những chủ đề lớn như tuổi thơ, vấn đề nhập cư, khủng hoảng kinh tế, phân chia đẳng cấp...

Trước đó, bộ phim tài liệu Bức ảnh bị mất (The missing picture) của đạo diễn Campuchia Rithy Ranh phơi bày tội ác của Khmer Ðỏ đã giành giải Un certain regard (Một góc nhìn) tại LHP Cannes. Báo Mỹ Hollywood Reporter bình luận bộ phim "đã lột tả một cách ám ảnh một địa ngục trên trần gian".

Rõ ràng "nhịp đập trái tim" của những nhà làm phim châu Á, kể cả những quốc gia nhỏ như Singapore hay Campuchia, đã được Cannes "lắng nghe" (Philippines cũng có tới hai phim được chọn tranh giải Un certain regard, nhiều phim Hong Kong, Ấn Ðộ, Ðài Loan được chọn trình chiếu chính thức). 

"Buồn thật!"

Từ Cannes, Trần Dũng Thanh Huy - đạo diễn bộ phim ngắn 16:30 được trình chiếu tại LHP Cannes chia sẻ với PV:

- Quy mô LHP Cannes quá lớn, thật ngoài sự tưởng tượng của tôi. Cannes còn khổng lồ về sự sáng tạo khi riêng phim ngắn vòng trình chiếu đã là hơn 2.000 phim, vòng tranh giải 20 phim. Và tôi nhận ra rằng VN không được ai biết đến ngoài các điểm sáng cũ như Trần Anh Hùng hay Phan Ðăng Di.

Trong chợ phim cũng vậy, quá lớn và quá to, VN mình năm nay góp mặt Lửa Phật và Ðường đua, rất ít so với các nước khác. Nhiều đại biểu các LHP cũng có mặt để giới thiệu LHP của nước họ. Phải chi có đại diện LHP VN thì hay quá. Ngoài cổng chợ phim có cắm rất nhiều quốc kỳ của các nước, trong đó có Thái Lan mà lại không có VN. Buồn thật!

Theo Tuoitre

Các tin cũ hơn