Phía sau sự "tuột dốc không phanh" của sao Kpop

Thứ hai, 17/06/2013, 10:10
Làm việc từ sáng đến tối, chỉ được ngủ 2-3 giờ mỗi ngày, chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt... và đặc biệt là "hợp đồng nô lệ" kéo dài cả chục năm khiến các ca sĩ, nhóm nhạc Hàn hát như một cái máy trên sân khấu.

Tháng 4/2006, Rain được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới. 2NE1, Big Bang, Wonder Girls... thường xuyên xuất hiện trong những bảng xếp hạng âm nhạc của Billboard, iTunes.

Không chỉ thống trị châu Á, Kpop đã vươn tới khắp các ngõ ngách trên toàn cầu và bắt đầu có những ảnh hưởng nhất định. SNSD đã có những liveshow ở châu Âu, Mỹ, trò chuyện trong chương trình talkshow nổi tiếng của David Letterman. Năm 2012, Wonder Girls ra mắt sản phẩm hợp tác cùng chàng rapper danh tiếng Akon. 2NE1 bắt tay cùng Will.i.am, T-ara N4 với Chris Brown.

Năm 2009, Kpop là một ngành công nghiệp với doanh thu khoảng hơn 30 triệu USD/năm. Nhưng vào thời điểm này, con số đó đã lên tới 3 tỷ USD/năm với lượng fan đông đảo trên khắp thế giới.

Và một trong những bí quyết làm nên câu chuyện thành công của Kpop chính làhợp đồng nô lệ - thứ gắn nghệ sĩ với công ty quản lý trong một thời gian dài nhưng có quá ít sự kiểm soát và phần thưởng về tài chính.

DBSK tan rã vì bản hợp đồng quá dài - 13 năm.

Không phải ai cũng muốn làm sao thần tượng

Sao thần tượng đồng nghĩa với việc làm việc 24/7, luyện tập và bận rộn từ sáng sớm đến tối mịt, hạn chế gặp gỡ bạn bè và ngay cả người thân trong gia đình, làm việc gì cũng phải xin phép, ra ngoài phải có người quản lý đi cùng, bất kỳ phát ngôn và hành động nào cũng được kiểm duyệt,..

Đối với một người trưởng thành, việc rời nhà ra sống tự lập không phải là điều gì quá to tát. Nhưng với những người đã chọn con đường showbiz và làm thần tượng của hàng triệu fan kia thì sẽ không ngoa nếu nói đó là hành động "bán linh hồn và cơ thể" cho cỗ máy Kpop.

Các ca sĩ (phần lớn ở độ tuổi 17 - 23) phải trải qua hàng tháng, thậm chí hàng năm không được gặp gia đình, bạn bè vì lịch luyện tập và làm việc từ sáng đến tận tối mịt. Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi các sao gần như không có bạn.

Việc người hâm mộ chứng kiến sao kiệt sức ngay trên sân khấu cũng không còn là điều gì quá hiếm hoi. Các nghệ sĩ cũng thường xuyên thú nhận việc có những giai đoạn, họ chỉ được ngủ 2 - 3 giờ mỗi ngày hay phải tiêm thuốc trước mỗi lần làm việc.

Ngay cả ăn uống cũng không phải là thứ được thoải mái. Không phải là người mẫu hay vận động viên nhưng chế độ ăn kiêng và ép cân của sao Hàn khắc nghiệt không kém.

Với các ngôi sao có xuất thân là người nước ngoài - như Han Geng của Super Junior, Victoria của f(x) hay Nich Khun của 2PM - thì đó còn là hàng giờ học tiếng và văn hóa của Hàn Quốc.

Và điều khiến bản hợp đồng của các ca sĩ Hàn bị gọi là "nô lệ" chính là vì nó có thời hạn quá dài - trên 10 năm - trong khi lại được ký khi các ca sĩ đều ở độ tuổi vị thành niên (khoảng 12 - 17 tuổi). Nhiều người đồng tình rằng ở cái tuổi đó, hầu hết các nghệ sĩ - và thậm chí là phụ huynh - đều không thể nhận thức được những gì sẽ xảy ra khi đặt bút ký vào một bản hợp đồng bởi sự lung linh của ước mơ đã phần nào khiến họ lóa mắt.

Hầu hết sao Hàn bắt đầu sự nghiệp từ khi còn là những gương mặt non nớt.

Tuy nhiên, các công ty giải trí có lý do để làm công việc vẫn bị cho là "quỷ dữ" này. Mặc dù có doanh thu khủng nhưng Kpop là một "mặt hàng" chi phí cao. Mỗi một nhóm nhạc cần có một đội ngũ quản lý, người sáng tạo vũ đạo, nhóm trang điểm, stylist, người dạy hát, dạy nhảy, nhà ở và vô số chi phí sinh hoạt khác. Hóa đơn này có thể lên tới hàng trăm ngàn đôla. Tùy thuộc vào nhóm, đôi khi con số đó còn lên tới hàng triệu. Để đảm bảo nguồn đầu tư, các công ty đã chọn cách khai thác hết những gì có thể từ nghệ sĩ.

Chi phí lớn cũng có nghĩa là với mỗi đồng kiếm được, các nghệ sĩ chỉ nhận được một phần rất nhỏ cho riêng mình. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến sao Hàn buộc phải đa-zi-năng, từ ca hát lấn sân sang cả điện ảnh, truyền hình,...

Tất cả stress, sự mệt mỏi và thiếu những phần thưởng, khích lệ xứng đáng đã biến sao thần tượng thành bình thường. Họ không biểu diễn với tất cả khả năng nữa bởi vì đơn giản đó là công việc chứ không còn là đam mê, tình yêu. Không những thế, đó còn là một công việc mà họ không có hy vọng sớm thoát ra trong tương lai. Họ ì ạch hoạt động.

Xu hướng xuống dốc này dễ dàng nhận thấy trong những màn trình diễn live của sao. Đã bao nhiêu lần fan được chứng kiến các nhóm nhạc ra đời với hừng hực khí thế, tươi tắn, hết mình, nhưng rồi thời gian qua, họ tuột dốc không phanh. Người hâm mộ dễ dàng nhận thấy những gương mặt mệt mỏi, không mấy vui vẻ.

Hợp đồng nô lệ "nổi tiếng" đến mức pháp luật Hàn đã phải can thiệp. Ngày nay, thời hạn dài nhất cho một bản hợp đồng chỉ được dừng ở con số 7 năm. Tuy nhiên, điều đó vẫn là chưa đủ để đảm bảo một môi trường sáng tạo cho các ca sĩ thần tượng xứ kim chi.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn