Nhầm Na Tra là anh bán trứng rong

Thứ hai, 22/07/2013, 09:11
Đạo diễn Dương Khiết lần lượt nhớ lại và liệt kê những tên tuổi các diễn viên phụ, thành viên đoàn phim đã đóng góp hơn chục vai diễn lớn nhỏ trong "Tây Du Ký", để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người hâm mộ.

Phó thừa tép riu trông ngựa cùng Bật Mã Ôn

Một diễn viên khác là Trương Ký Điệp, một diễn viên tài năng và sáng tạo. Trong Tây Du Ký, Trương Ký Điệp không chỉ diễn một vai mà gồm rất nhiều các vai diễn như, vai một trong hai viên quan trông coi ngựa trên thiên đình là mã (1) Phó giám ngự quan- trông coi ngựa trên thiên đình (Giám thừa do Diêm Hoài Lễ đóng), viên quan hầu cận và thông báo tước vị Bật Mã Ôn cho Tôn Ngộ Không sau khi được Ngọc Hoàng ủy thác cho Thái Bạch Kim Tinh vời lên thiên đình làm quan.

 - 1

Trương Ký Điệp (trái) trong vai phó thừa xum xoe dưới trướng Bật Mã Ôn.

Ở tập này, Trương Ký Điệp, Diêm Hoài Lễ và Lục Tiểu Linh Đồng/Chương Kim Lai có một đoạn diễn khá hài hước, tếu táo trên nền nhạc ca khúc Phong quan Bật Mã Ôn do nhạc sĩ Diêm Túc soạn lời, Hứa Kính Thanh viết nhạc. Trong phim, đoạn nhạc này không có lời, tuy nhiên trong clip này thì vẫn còn nguyên ca từ ẩn ý khá sâu cay về chức quan tép riu mà Tôn Ngộ Không bị Ngọc Hoàng lừa mà làm, một Mỹ Hầu Vương không sợ trời đất là gì bỗng dưng bị các vị thần tiên trên trời lừa dối mà không hề hay biết. Cảnh Trương Ký Điệp và Diêm Hoài Lễ trong vai hai viên trông ngựa tép riu xum xoe bên cạnh Ngộ Không cùng nền nhạc dí dỏm là những ấn tượng mà người xem nhớ mãi.

 - 2

Các vai diễn do Trương Ký Điệp thể hiện.

(2) Vai một tên cướp đường đòi hối lộ Đường Tăng; (3) Trong tập Thu nhận Bát giới với vai lính gác cho tiểu thư Cao Thúy Lan; (4) Yêu tinh chuột lông vàng Hoàng Phong đại vương hổ tiên phong trong tập 8 – Trên đường ba lần gặp nạn; Ở tập phim Đoạt bảo liên hoa động với vai tên tiểu yêu Linh Lợi (5), tiểu yêu thuộc hạ của Kim Giác ma vương và Ngân Giác ma vương.

Hiện nay ông là diễn viên hạng Nhất Trung Quốc, diễn viên của Viện Côn kịch tỉnh Giang Tô. Theo học kịch từ năm 1962, với sự thông minh, hiếu học và chuyên cần luyện rèn diễn tập, Trương Ký Điệp nhận được nhiều lời ngợi khen, ông được đặt danh hiệu Hoạt võ đại lang, từng nhận giải Hí kịch Hoa Mai lần thứ 3 cho những cống hiến trong nghệ thuật Côn kịch Trung Quốc. Ngoài diễn xuất, Trương Ký Điệp còn có đam mê hội họa, thư pháp, khắc con dấu. Ông từng vẽ tặng Dương Khiết bức họa đàn ngựa rất sống động mang tên Thiên hà mục mã.

Anh tài xế vui tính nói lắp mà đạo diễn Dương Khiết có lần đã nhắc đến cũng từng góp mặt không ít vai trong Tây Du Ký. Trước khi tham gia đoàn phim, Lý Liên Nghĩa (Ảnh 1) từng là một nhân viên lái xe cho một cơ quan ở Bắc Kinh. Sau này có người trong đoàn Tây Du Ký giới thiệu ông sang làm cùng. Dương Khiết thấy bộ dạng ông khá đặc biệt, người dài nhẳng như cây sậy, ốm và cao, đúng là có nét đặc biệt. Lý Liên Nghĩa cũng từng theo học lớp diễn kịch trong thời gian ngắn, vì vậy đạo diễn Dương có thể bố trí cho ông làm diễn viên phụ kiêm tài xế cho đoàn cũng không phải không có lý do chính đáng.

 - 3

Lý Liên Nghĩa (1) ngoài đời thực hiện tại và các vai diễn của ông trong Tây Du Ký.

Dù thời gian Lý Liên Nghĩa gắn bó với đoàn không nhiều, thế nhưng những vai diễn của ông lại không phải là ít. Có thể kể đến các vai như yêu tinh sói, (2) đại hòa thượng trong Quan Âm viện tập Họa khởi Quan Âm viện – vị hòa thượng mặc áo nâu (giữa); (3) Vai anh chàng hầu bàn trong cảnh quay Ngộ Không ăn mì trong quán; (4) Cô Cốt tinh (yêu tinh đầu lâu), thuộc hạ của Bạch Cốt Tinh.

Lý Kiến Thành (Ảnh 4), diễn viên từ Đoàn kịch nói Dương Châu, một diễn viên kiêm nhân viên khá đắc lực và nhanh nhẹn của đoàn phim Tây Du Ký,  khán giả nhớ nhất vai diễn của ông trong vai thái giám xu nịnh, gian ác của quốc vương giả nước Ô Kê trong tập Trừ yêu nước Ô Kê.

 - 4

Các vai diễn của Lý Kiến Thành trong Tây Du Ký cũng khá nhiều, bao gồm (2) vai Phật Ca Diếp – đệ tử Phật Tổ trong tập 25 – Đến miền cực lạc; (3) Tinh Tế quỷ (một trong hai tiểu yêu thuộc hạ của Ngân Giác và Kim Giác ma vương sai đi mời mẹ là cửu vỹ hồ về ăn thịt Đường Tăng) và Sơn thần núi Hiệu Sơn trong tập 12 – Đoạt bảo Liên Hoa động.

(5) Một trong hai hồn ma dẫn lối đưa Ngộ Không xuống âm phủ; (6) Tăng Trưởng Thiên Vương (thần hộ pháp - một trong Tứ Đại Thiên Vương của Phật Tổ trong lần giao đấu với Ngộ Không Tề Thiên Đại Thánh); (7) Qủy Phán ở Quán Giang Khẩu (nơi Ngộ Không giao đấu với Nhị Lang Thần); (8) Chủ quán trà ở Trường An; (9) Đặc Quốc thiên vương (thiên binh thiên tướng nhà trời);  (10) Tượng Linh Bảo Đạo Quân trên gian thờ Tam Tinh Quán và vai một hòa thượng (11) trong số các nhà sư bị đầy ải trong tập 15 - Đấu phép hạ tam quái; (12) Tiểu yêu Bôn Ba Nhi Báo (yêu tinh cá chép, thuộc hạ của Cửu Đầu trùng và công chúa động Bích Ba trong tập 18 – Quét tháp biện kỳ oan).

 - 5

Các vai diễn của Lý Kiến Thành (từ ảnh 5 -9).

 - 6

Những vai diễn phụ của Lý Kiến Thành (từ ảnh số 10 - 16).

(13) Quân lính giao úy của nước Chu Tử trong tập 20 – Tôn hầu xảo hành yêu; (14) Đạo sĩ ở Hoàng Hoa quán của Đa mục quái - sư bác của 7 yêu tinh nhện trong tập 21 – Vào nhầm động bàn tơ; (15) Cửu Linh Nguyên Thánh – con sư tử chín đầu, vật cưỡi của Thái Ất Chân Nhân trong tập 23 – Truyền nghệ Ngọc Hoa Châu. Ngoài ra, Lý Kiến Thành còn từng làm diễn viên đóng thế cho Mã Đức Hoa trong vai Trư Bát Giới ở Hỏa Diệm Sơn.

Dương Bân (1) vốn do chủ nhiệm sản xuất phim của đoàn Tây Du Ký là Ân Tiểu Thường giới thiệu vào đoàn. Trong lần đến Hợp Phì, tỉnh An Huy gặp nữ diễn viên Dương Tuấn cho vai thôn cô trong tập Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, Ân Tiểu Thường gặp Dương Bân và mời vào đoàn Tây Du Ký. Khi từ An Huy trở lại Bắc Kinh, Tiểu Thường giới thiệu với Dương Khiết: “Tôi giới thiệu với chị một diễn viên này, diễn khá được, chị xem có được không”.

 - 7

Dương Bân từng bị đạo diễn Dương Khiết lầm tưởng là cậu nhóc bán trứng rong.

Không lâu sau đó, vào một buổi sáng khi Dương Khiết vừa mới ngủ dậy thì có người gõ cửa. Lúc mở cửa, đạo diễn Dương thấy trước mặt là một bé trai có vẻ lem luốc, tay cầm một chiếc túi vải mà Dương Khiết khi đó còn ngỡ là thằng bé bán trứng gà: “Chúng tôi không mua trứng, đi chỗ khác bán đi”, vừa nói dứt lời, Dương Khiết liền đóng sầm cửa lại.

Cậu bé lại gõ cửa tiếp, nhìn mặt mũi như sắp muốn khóc: “Cháu đến để gặp cô, cháu từ An Huy đến”, cậu bé rầu rĩ trình bày với đạo diễn Dương khiến bà càng hốt hoảng, một cậu bé tận An Huy đến đây tìm bà có chuyện gì không biết: “Là do chủ nhiệm Ân giới thiệu cháu đến đây”. Lúc này Dương Khiết mới sực nhớ ra một diễn viên ở An Huy mà Ân Tiểu Thường từng nói với bà trước đó. Dương Khiết mời cậu bé vào nhà và bắt đầu “săm soi” khi nhận thấy cậu bé chỉ trạc 16, 17 tuổi.

Sau khi chuyện trò bà mới biết cậu bé đã 20 tuổi, là diễn viên của Đoàn kịch Huy tỉnh An Huy. Tướng mạo thanh tú, lanh lợi và nhỏ nhắn như một cô gái, võ công không phải loại xoàng. Dương Khiết nghĩ ngay đến nhân vật Mộc Tra hầu cận bên cạnh Quan Âm Bồ Tát thì không còn gì thích hợp hơn. Hơn nữa, diễn viên phụ trong đoàn chưa ai có dáng người như Dương Bân, Dương Khiết quyết định nhận giữ anh ở lại đoàn.

 - 8

Những vai phụ để lại ấn tượng trong Tây Du Ký của Dương Bân.

Trong Tây Du Ký, Dương Bân thể hiện khá nhiều vai diễn. Có lần khi quay tập Hầu Vương bảo Đường Tăng ở Thanh Tây Lăng, cảnh vua Đường tiễn biệt Đường Tăng, trong khi diễn viên đóng vai cung nữ lại chưa kịp đến. Đang lúc cuống quýt chưa biết tìm ai đóng thế, trong khi đoàn lại không còn ai là nữa giới, Dương Khiết sực nhớ ngay đến Dương Bân. Thân hình nhỏ bé, mặt mũi nhỏ nhắn xinh xắn nên sẽ không ai nhận ra là đàn ông. Như vậy là trong tập này Dương Bân vào vai một cung nữ của vua Đường. Tướng mạo dễ thương và có vẻ chúm chím của cung nữ do Dương Bân hóa vai thậm chí còn nổi bật hơn hẳn những diễn viên cùng thể hiện vai cung nữ. Khi đó, Dương Bân trở thành cung nữ đẹp nhất của đoàn Tây Du Ký.

 - 9

Tạo hình Huệ Ngạn hành giả của Dương Bân.

Những vai diễn khác của Dương Bân trong Tây Du Ký như (3) Huệ Ngạn hành giả - đệ tử của Bồ Tát nhận lệnh xuống giúp thu phục Sa Tăng trong tập 8 – Trên đường ba lần gặp nạn; (4) Vai Tam thái tử con vua Hoa Châu, được Sa Tăng nhận làm đồ đệ và truyền võ nghệ trong tập 23 - Truyên nghệ Ngọc Hoa Châu; (5) Một đạo sĩ Hoàng Hoa quán, pha chế thuốc độc cho Đa mục quái (yêu tinh rết) nhằm đầu độc hãm hại thầy trò Đường Tăng trong tập Vào nhầm Động Bàn tơ; (6) Vai tiểu hòa thượng ở Trường An đi theo vị đại hòa thượng (Trương Gia Khánh đóng) do Bồ Tát hóa thân đến bán áo cà sa và bảo trượng cho vua Đường và Đường Tăng ở tập 4 – Giam cầm Ngũ Hành Sơn; (7) Vai Na Tra (thế vai cho Ngải Kim Mai trong các tập 12, 17 và 22); Một trong 18 La Hán ở Tây Trúc và cả một tên thổ phỉ bị Ngộ Không đánh tử nạn (2).

 - 10

Vai diễn của Diệp Dĩ Manh trong Tây Du Ký.

Trong đoàn kịch ở An Huy còn có một diễn viên khác là Diệp Dĩ Manh, do Dương Bân sau này giới thiệu vào đoàn Tây Du Ký. Diệp Dĩ Manh từng thủ vai một trong ba lão tiên cây (1) trong tập 19 - Vào nhầm Tiểu Lôi Âm, đóng thế cho nghệ sĩ Lý Hồng Xương vai nhân vật Đa Mục quái khi đánh nhau dưới nước cùng Ngộ Không trong tập 21 -Vào nhầm động bàn tơ. Ngoài ra còn khá nhiều những vai diễn phụ khác như Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Lăng công tử, (2) Nhị thái tử ở Ngọc Hoa Châu trong tập Truyền nghệ Ngọc Hoa Châu, thương khách Vương Tiểu Nhị tại một lữ quán, sái quan nước Thiên Trúc.

 - 11

Vai diễn của Từ Đình Lôi trong Tây Du Ký.

Nam diễn viên Từ Đình Lôi từ Đoàn kinh kịch Vân Nam, kỹ năng lộn và nhảy khá điêu luyện. Thêm vào đó là thân hình nhỏ nhắn rất dễ tạo hình. Khán giả chắc hẳn còn nhớ nhân vật tiểu hòa thượng (1), đạo sĩ (2) trong chiếc tủ qua trò phán đoán giữa thầy trò Đường Tăng và ba pháp sư Hổ lực, Dương Lực và Lộc Lực pháp sư tại nước Xa Trì trong tập 15 - Đấu pháp hạ tam quái. Những vai diễn khác do Từ Lôi Đình thể hiện như thổ địa nhị (3) ở núi Hiệu Sơn (thổ địa nhất do Hạng Hán thủ vai) trong tập 12- Đoạt bảo Liên Hoa động; Vai đạo sĩ ở Hoàng Hoa đạo quán của Đa mục quái trong tập 21.


Nam diễn viên Nhậm Phượng Pha (Ảnh 1) trong các vai như (3) Hoàng Bào quái trong tập 11 – Cầu viện Mỹ Hầu Vương; (4) Linh Cát Bồ Tát trong các tập 8,17, 25 – Đến miền cực lạc; (5) Vai phương trượng chùa Bố Kim Thiền; (2) Thế thân vai Ngộ Không ở Bình Hạng sơn trong tập 12 – Đoạt bảo Liên Hoa động, bởi lúc này Lục Tiểu Linh Đồng phải vào vai mụ cáo chín đuôi (Cửu Vỹ hồ) – thân mẫu của Ngân Giác và Kim Giác ma vương. Trong tập này có cảnh Ngộ Không giao đấu với Cửu vỹ hầu, vì vậy Nhậm Phượng Pha được giao thể hiện vai Tôn Ngộ Không thay cho Lục Tiểu Linh Đồng.

 - 12

Nhậm Phượng Pha và các vai diễn trong Tây Du Ký.

Cảnh nghệ sĩ Nhậm Phượng Pha hóa thân Ngộ Không vẫn còn khá nhiều vụng về, lóng ngóng.

Nghệ sĩ Nhậm Phượng Pha vốn là diễn viên Viện Kinh kịch Trung Quốc (nay là Viện Kinh kịch quốc gia), đồng thời là đạo diễn hạng A của thể loại kinh kịch. Ông theo học kinh kịch tại Trường Hí khúc Trung Quốc năm 1951 và đảm nhiệm một lượng lớn vai các nhân vật lịch sử qua môn nghệ thuật kinh kịch trong các vở kịch kinh điển như Bình nguyên tác chiến, Hồng đăng ký, Bướm yêu hoa…

Nghệ sĩ Hàn Thiện Tục cũng là người thể hiện khá nhiều vai diễn phụ trong Tây Du Ký, vai Lưu Hồng (1) đã hãm hại Trần Quang Nhụy và Ân Tiểu Tả (cha mẹ Đường Tăng) sau ngày hai người thành hôn và đi dạo trên thuyền, dùng mái chèo đập vào đầu Quang Nhụy; (2) Vai Qủy vương một sừng; (3) Võ tướng nhà Đường; (4) Ông lão Trần dưới chân núi Ngũ hành – đứa trẻ chăn trâu từng nhặt đào cho Ngộ Không khi bị nhốt dưới núi ngũ hành trong tập 4 – Giam cầm Ngũ Hành Sơn; Xích Cước đại tiên ở tập 2 và 3.

 - 13

Nghệ sĩ Hàn Thiện Tục ngoài đời.

 - 14

Ngoài ra, Hàn Thiện Tục còn là người lồng âm cho các nhân vật trong phim như lồng âm cho vai yêu tinh gấu đen của Hạng Hán, Kim Giác đại vương của Chu Hiểu Đồng và Hổ Lực đại tiên của Lưu Cần.

Hàn Thiện Tục (1937) là diễn viên hạng A quốc gia, một nghệ sĩ thâm niên và lão làng của Kịch viện Nghệ thuật Nhân dân Bắc Kinh, ông có thâm niên công tác tại đây hơn 40 năm. Ông gia nhập làng kịch nghệ từ năm 1958 cho đến nay, từng tham gia hơn 60 vở kịch nói (Thiên hạ đệ nhất lầu, Giếng nhỏ phố cổ, Người chim…), hơn 50 bộ phim điện ảnh và truyền hình ( Bình Tam, Tây Du Ký, Tam quốc diễn nghĩa vai Trương Tú, Bát kỳ tử đệ…) với hàng trăm tạo hình nhân vật.

Trong số những vai phụ không thể không nhắc đến một nhân vật vô cùng quan trọng của đoàn Tây Du Ký, đó là chỉ đạo võ thuật Lâm Chí Khiên. Anh tham gia đoàn từ năm 1982, nhờ có tài năng võ nghệ của Nhị Lang Thần đã tạo ra rất nhiều những thế võ đẹp mắt cho các nhân vật trong Tây Du Ký. Những đường võ mà Lâm Chí Khiêm thể hiện trong phim đều do tự ông sáng tác dựa theo đặc điểm của nhân vật.

 - 15

Lâm Chí Khiêm khi còn ở đoàn Tây Du Ký.

Từ thế võ khôn ngoan, lanh lợi của Ngộ Không cho đến hài hước và vụng về của Trư Bát Giới hay công chúa động Bích Ba là Vạn Thánh công chúa, thế võ của nàng phải vừa mềm mại, uyển chuyển với dải lụa rất đặc trưng của Trung Quốc, đặc biệt là phải dùng kèm với loại vũ khí có tên hải đới. Ngoài vai trò trên, Lâm Chí Khiêm còn được giao đóng vai Nhị Lang Thần (1), Hỗn Thế ma vương (2) và Quảng Mục thiên vương (3) và vai một khách quan uống trà trong quán mỳ nơi Ngộ Không ghé qua trên đường tầm sư học đạo ở tập đầu, sau bị Ngộ Không dọa đã sợ hãi mà bỏ chạy.

 - 16

Các vai diễn trong Tây Du Ký của Lâm Chí Khiêm.

Đạo diễn Dương Khiết khi khởi quay Tây Du Ký đã gặp Lâm Chí Khiêm ở Đoàn ca múa Phúc Kiến trong quá trình bà đi tìm bối cảnh quay cho phim. Sau này nhớ lại, Dương Khiết vẫn còn cảm thấy xấu hổ khi trong lần đến Phúc Kiến đã kiểm tra trình độ võ công của ông. Nói về Lâm Chí Khiêm, một người vô cùng đặc biệt, hào hiệp và nghĩa khí, tướng mạo rất gần gũi và phù hợp với những vai diễn trong những phim võ hiệp cổ trang. Về võ nghệ, ông cũng nhận được lời  ngợi khen của đạo diễn Dương Khiết, ông còn là học trò của võ sư nổi tiếng Vạn Lại Thanh, vốn từng là vệ sĩ của Tưởng Giới Thạch và được họ Tưởng đề tặng 5 chữ "Thiên hạ vô địch thủ".

Trong đoàn Tây Du Ký, những đồng nghiệp nữ ở trong đoàn kịch của ông bị đám lưu manh quấy rối, vì vậy Lâm Chí Khiêm đã kiêm luôn là vệ sĩ bảo hộ cho nữ giới, một mình chống chọi lại cả đám yêu râu xanh, trong số bị đánh không ít kẻ đã phải nhập viện khi trúng đòn của ông. Đặc biệt trong đoàn có không ít các diễn viên nữ đã đem lòng thầm yêu trộm nữ Lâm Chí Khiêm, một anh chàng cao lớn, khôi ngô và rắn rỏi. Một vài cô trong đoàn cũng đánh tiếng muốn kết hôn với Lâm Chí Khiêm nhưng đều không thành. Nhiều cô còn “bật đèn xanh” ra ám hiệu này nọ nhưng dường như Lâm Chí Khiêm như có chất cách điện và hoàn toàn không hề đả động gì đến họ.

 - 17

Lâm Chí Khiêm là người sáng tạo ra các thế võ cho các nhân vật trogn Tây Du Ký.

 - 18

Lâm Chí Khiêm ghi dấu ấn không chỉ ở vai trò chỉ đạo võ thuật của Tây Du Ký, vai Nhị Lang Thần của ông được khán giả hết sức thích thú.

Mọi người trong đoàn nhiều lần nửa đùa nửa thật nói với ông rằng: "Kết hôn thôi, tìm bạn gái đi!", thế nhưng thường Lâm Chí Khiêm không thèm để ý mà chỉ cười trừ cho qua chuyện. Có lần Lâm Chí Khiêm hẹn hò với nữ viên Trương Thanh (vai Vạn Thánh công chúa) sau khi hai người cùng tập rượt võ nghệ với nhau đã nảy sinh tình cảm. Cuối cùng giữa hai người vẫn không đi đến đâu khi ông chọn kết hôn với nhà vô địch điền kinh cự ly chạy 100m nữ là Kha Cẩm Hà năm 1987. Sau hơn 20 năm khi Dương Khiết tái khởi động dựng phần 2 Tây Du Ký, Lâm Chí Khiêm tiếp tục được mời vào làm cố vấn võ thuật cho phim.

Nghệ sĩ Lý Hồng Xương (1930), diễn viên kiêm phó chủ nhiệm sản xuấLt đoàn phim Tây Du Ký. Ông là diễn viên của đoàn kịch nói Sơn Đông, một diễn viên kỳ cựu và có nhiều kinh nghiệm trong diễn xuất. Trong tập 21 -Vào nhầm động bàn tơ quay năm 1982, Lý Hồng Xương năm đó 52 tuổi thủ vai Đa mục quái - sư huynh của 7 yêu nữ nhện tinh, một yêu tinh rết nham hiểm, xảo quyệt. Trong vai diễn này, nghệ sĩ Lý đã rất thành công khi xây dựng hình ảnh một tên yêu tinh âm mưu hiểm ác và vô cùng tàn độc.

 - 19

Nhân vật Đa mục quái của Lý Hồng Xương hết sức thành công trong Tây Du Ký.

Tuy vai diễn của ông khá thuận lợi là không phải đeo mặt nạ hóa trang, thế nhưng trong tập này lại có khá nhiều cảnh đánh đấm nên Lý Hồng Xương chịu không nổi, người đóng thế ông trong những cảnh này là diễn viên Diệp Dĩ Manh, hai người cùng có tướng tá và chiều cao tương đương nhau, nhìn từ xa khó mà nhận ra, còn ở những cảnh quay gần thì Lý Hồng Xương vẫn phải đảm nhiệm vai diễn của mình. Lý Hồng Xương còn thủ các vai phụ khác như Hắc hồ tinh (2) dưới trướng của Hoàng Bào quái trong tập 11 – Cầu viện Mỹ Hầu Vương; (3) Dịch thừa quốc Tì Khâu; (4) Phật Tổ Tiếp Dẫn – nhân vật ông lái đò chở thầy trò Đường Tăng qua sông đến với đất Phật ở tập 25 – Đến miền Cực Lạc; Vai Ngư ông Trương Tiêu,.

 - 20

Các vai diễn của nghệ sĩ Lý Hồng Xương.

Lý Hồng Xương đã có đóng góp to lớn của ông cho đoàn phim Tây Du Ký. Nhờ có Lý Hồng Xương mới có số tiền tài trợ 3 triệu tệ (9,9 tỷ đồng) cho đoàn phim tiếp tục thực hiện những tập còn lại. Nếu không có sự trợ giúp của ông thì đoàn phim cũng chỉ làm được đến tập Đại chiến Hồng Hài Nhi vì không còn kinh phí làm tiếp. Nghệ sĩ Lý Hồng Xương qua đời năm 2009 thọ 82 tuổi.

Ngay đến chuyên gia hóa trang lão luyện của đoàn là nghệ sĩ Vương Hy Chung cũng được mời tham gia một vai nhỏ trong phim,vai Kim Đỉnh đại tiên ở đất Thiên Trúc, vị thần tiên đã yêu cầu Đường Tăng suối liên trì (hồ sen) tắm trước khi diện kiến Phật Tổ Như Lai trong tập 25 – Đến miền Cực Lạc.

 - 21

Nghệ sĩ hóa trang Vương Hy Chung (ngoài cùng bên phải) cũng được huy động đóng Tây Du Ký.

Lý Vĩnh Qúy (Ảnh 1) là một nghệ sĩ vui tính và thường xuyên đảm nhiệm những vai hài hước. Mỗi khi nhận vai diễn ông đều khiến khán giả cười lăn cười bò vì sự tếu táo và máu hài sẵn có trong người. Trong Tây Du Ký, Lý Vĩnh Qúy từng đảm nhiệm qua các vai diễn như vai ông chủ quán mỳ (2) trong tập 1 – Hầu Vương sơ vấn thế. Khi gặp Ngộ Không đã khiến ông chủ quán này hết hồn té xỉu vì sợ hãi;

 - 22

Vai diễn của Lý Vĩnh Qúy trong Tây Du Ký.

(3) Vai đại hòa thượng của Kim Trì trưởng lão (Trình Chi đóng), một hòa thượng khá mưu mô và láu cá, đã bàn mưu với sư trụ trì đánh cắp áo cà sa của Đường Tăng trong tập Họa khởi Quan Âm viện. Có thể thấy máu hài trong vai diễn này của Lý Vĩnh Qúy với cảnh đại hòa thượng và Kim Trì trưởng lão đang bàn mưu lấy áo cà sa. (4) Xem cảnh này chắc hẳn không ít khán giả phì cười vì hành động gian tà của một vị hòa thượng qua sự thể hiện đầy châm biếm và chế giếu của Lý Vĩnh Qúy.

Hàng loạt các diễn viên phụ khác trong Tây Du Ký có thể kể ra đây như nam diễn viên Cung Minh ngoài đảm nhiệm vai quốc vương Châu Tử quốc trong tập 20 – Tôn Hầu xảo hành y (Ngộ Không chữa bệnh cho vị vua tương tư khi vương hậu bị yêu quái bắt đi). Ngoài ra Cung Minh còn vai vai Vương tiểu nhị.

 - 23

Cung Minh và vai diễn trong Tây Du Ký.

Lý Nhuận Sinh vai Lộc Tinh, Yêu tinh đầu lâu dưới trướng Bạch Cốt Tinh, giặc cướp; Lam Pháp Khánh vai con rùa trắng ở sông Thông Thiên hà, yêu tinh sói xanh lưng sắt – tiểu yêu của yêu quái Sư Đà Linh, Giác Mộc Giao hay Giác Tinh – một trong Nhị thập bát tú được Bát Giới cầu viện xuống cứu Ngộ Không thoát khỏi chiếc chũm chọe đồng của Hoàng My lão quái trong tập 19 - Vào nhầm Tiểu Lôi Âm; Khương Báo Hồng vai giặc cướp, Xích Cửu mã hầu, Đầu Mộc Giải – một trong Thập nhị bát tú; Cận Căn Tuất vai Xích Cước đại tiên, Văn Thù Bồ Tát, Đạo sĩ ở Xa Trì quốc;

 - 24

Khổng Nhuế trong vai thổ địa Bàn đào tiên và Cao Thái Công.

 - 25

Vai diễn của Tào Phong trong Tây Du Ký.

Khổng Nhuế vai thổ địa ở Bàn đào tiên trên thiên đình và vai Cao thái công (nhạc phụ tương lai của Bát Giới); Tào Phong vai Hồ Trực Công – một trong những yêu tinh cây cùng Hạnh Tiên (Vương Linh Hoa đóng) mời Đường Tăng ngâm vịnh thơ ca trong tập 19 – Vào nhầm Tiểu Lôi Âm; Quách Gia Khánh vai Lão tăng ở thành Trường An – hóa thân Quan Âm Bồ Tát bán áo cà sa và quốc trượng cho Đường Tăng và vua Đường trong tập 4 – Giam cầm ngũ hành sơn, vai Hoàng Phong đại vương; Thái Du Ca vai Dương Lực đại tiên – một trong ba yêu quái đấu phép cùng thầy Đường Tăng trong tập 15 – Đấu phép hạ tam quái và vai Bích Trần đại vương; An Vân Võ vai Phúc Tinh và Báo tinh; Hà Dịch vai Thiệt thưởng tư và Cổ quái tập toàn – yêu tinh dưới trướng của Yêu tinh sư tử lông vàng; Lưu Kình vai Bạch Lộc yêu đạo và đạo sĩ Ngũ Trang quán;

 - 26

Bà xã của Lục Tiểu Linh Đồng - Vu Hồng trong Tây Du Ký.

Vu Hồng vốn là thư ký trường quay (vợ Lục Tiểu Linh Đồng về sau) cũng thủ diễn hai vai là Sứ thần ở Nữ Nhi quốc và Vương hậu n ước Thiên Trúc; Trương Dương vai tiều phu núi Ẩn Vụ và Hoàng tử cả của nước Ngọc Hoa (quốc vương và hoàng hậu bị cạo trọc đầu vì kỳ thị tăng ni nhà Phật) – được Ngộ Không truyền dạy võ nghệ trong tập 23 - Truyền nghệ Ngọc Hoa Châu; Nghê Phủ Tuyền vai Thổ địa núi Kim Đâu, Lão thái y ở Chu Tử quốc; Từ Kiện Sinh vai Cẩm y quan ở Tì Khâu quốc và vai Khuê Mộc Lang – một trong Nhị thập bát tú; Võ Chí Dũng vai Báo Tử tinh và Đông Hải Long Vương; Lý Long Bân vai Cửu Đầu trùng và một vị thiên binh.

Trương Dương (ngoài cùng bên phải) trong vai đại thái tử của Hoa Châu.

Trên đây là những diễn viên phụ của đoàn Tây Du Ký, số lượng hơn 20 người. Những vai diễn của họ thật vô cùng phong phú, đa dạng, từ tiểu yêu tiểu quái, thần tiên cho đến các vị La Hán, hòa thượng, đạo sĩ… đều không đếm sao cho xuể. Nhưng vì các vai diễn của họ đều sử dụng đến mặt nạ hóa trang, vì vậy khán giả cũng khó nhận ra nếu không theo dõi đề mục danh sách vai diễn.

Trong đoàn Tây Du Ký, nhưng diễn viên này không chỉ tham gia diễn xuất, họ còn hăng hái và tích cực tham gia nhiều hoạt động của đoàn phim, từ phụ trách cho đến quản lý đạo cụ, quản lý trường quay… đều thực hiện hết mình và tận tụy mà không hề đòi hỏi công xá, đó là tình trạng chung của các nhân viên trong đoàn Tây Du Ký thời bấy giờ.

Theo Khám Phá

Các tin cũ hơn