Trên hành trình sang Tây Trúc thỉnh kinh cùng bốn thầy trò Đường Tăng, không thể không nhắc đến một nhân vật cũng hết sức quan trọng – Bạch Long Mã, hóa thân của Tam Thải Tử ở Long cung. Có thể coi đây là đồ đệ thứ tư của nhân vật Đường Tăng.
Theo trình tự nguyên tác và trên phim mà công chúng được thấy, ban đầu Tam Thái Tử được Quan Âm thu nhận, để rồi biến thành Bạch Mã cho Đường Tăng cưỡi, coi như món nợ phải trả vì từng “thó mất” con ngựa mà vua Đường tặng cho Đường Tăng khi bắt đầu hành trình sang Tây Trúc lấy kinh. Thế nhưng trên thực tế quay phim lại không tuần tự như vậy. Ngay ban đầu đoàn phim đã thực hiện quay luôn với nhân vật Bạch Mã, sau đó mới đến phần quay Quan Âm thu nhận Tam Thái Tử.
Vì ăn mất Bạch Mã mà Tam Thái Tử phải hóa thân thành Bạch Long Mã cho Đường Tăng cưỡi
Từ những tập khởi quay như Trừ yêu nước Ô Kê, Ăn trộm quả nhân sâm đến Họa khởi Quan Âm viện và Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, đoàn phim Tây Du Ký không hề có lấy một con ngựa trắng nào là của riêng, đều là “đồ đi mượn”. Vốn dĩ việc nuôi và chăm sóc một con ngựa không phải là một việc dễ dàng. Do đó, đoàn đã quyết định đến đâu quay phim thì mượn tạm ở nơi đó, vừa giản tiện, vừa đỡ phiền phức và tốn kém. Ngược lại với suy nghĩ ban đầu, việc đoàn không có ngựa lại gây không ít phiền toái và khó khăn.
Ví dụ trong lần đoàn thực hiện quay ở đảo Hải Nam, tìm đỏ mắt cũng không lấy đâu ra một con ngựa bạch. Nhân viên phụ trách, quản lý trường quay chạy tất tả mới mượn tạm được một con ngựa đỏ, bù lại tướng tá cao to, bệ vệ của chú ngựa này thì không chê vào đâu được. Chỉ còn cách nhờ đến chuyên gia mỹ thuật dùng sơn trắng phủ kín mình chú ngựa đỏ, nhìn không khác một chú ngựa bạch đích thực.
Thế nhưng sau khi được phủ lớp sơn “hóa trang”, chú ngựa này bỗng trở nên lồng lộn và cuồng loạn lạ thường, nhảy cẫng lên giật tung dây, phi thẳng xuống sông cạnh đó để gột rửa màu sơn trên mình. Thế là bao công sức chuyên gia mỹ thuật sơn sơn quét quét, ngựa vừa dính nước đã khiến lớp sơn trở nên lem luốc, từ ngựa đỏ thành ngựa trắng và giờ là thành “ngựa hoa”.
Sau vụ việc xảy ra, chú ngựa này trở nên cảnh giác hơn, đặc biệt với những chuyên gia mỹ thuật có ý định lại gần để quét sơn lên mình ngựa. Không còn cách nào, vậy là Dương Khiết quyết định quay cảnh thầy trò Đường Tăng và chú ngựa từ phía xa, vì vậy khán giả cũng khó phát hiện ra chú ngựa này có thực sự là ngựa bạch hay không.
Việc không có ngựa riêng khiến đoàn Tây Du Ký nhiều lần rơi vào tình trạng dở khóc dở cười
Kỷ niệm hài hước nhất với đoàn là khi khởi quay ở Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam. Lý Thành Nho như thường lệ đi tiền trạm và báo cáo về cho biết, ở khu vực Trương Gia Giới về cơ bản không có ngựa, chứ chưa nói đến có ngựa trắng như yêu cầu của đoàn. Dương Khiết yêu cầu cho Lý Thành Nho tiếp tục cấp tốc tìm cho ra trước khi đoàn có mặt. Tuy nhiên khi cả đoàn đã lũ lượt kéo đến Trương Gia Giới và chuẩn bị tiến hành quay mà vẫn không tìm đâu ra được một con ngựa bạch.
Đạo diễn Dương Khiết lúc này giao trọng trách tìm ngựa cho phó đạo diễn Vương Tiểu Dĩnh, người còn có mệnh danh là “anh Vương miệng sắt”. Nữ đạo diễn giao hẹn, nội trong ba ngày, cho dù phải đi đâu cũng phải tìm cho ra bằng được một con ngựa bạch mang về cho đoàn.
Vương Tiểu Dĩnh vì lo nghĩ, hơn nữa lại được giao nhiệm vụ không hề đơn giản như lần này nên đến nỗi mồm miệng phồng rộp hết cả. Thế nhưng có đi khắp Hồ Nam cũng không tìm đâu ra ngựa bạch. Về sau, Vương Tiểu Dĩnh tình cờ đi trên tàu hỏa và nghe thấp thoáng có người nói đến ở khu vực giáp ranh giữa Hồ Bắc và Hồ Nam có ngựa bạch, chỉ cần nghe đến vậy là Vương liền lao ngay đến tỉnh Hồ Bắc kiếm tìm.
Vì chú ngựa quá lùn và "xấu mã" nên Đường Tăng không cưỡi được, đành để Bát Giới dắt dọc đường
Trong ngày thứ ba, Vương Tiểu Dĩnh gọi điện về thông báo với đạo diễn Dương: “Ở đây có ngựa bạch và đoàn ta có thể mượn, nhưng chủ ngựa yêu cầu được đến cùng đoàn, hơn nữa còn muốn trả ngần này tiền…”. Dương Khiết nghe thấy có ngựa trắng cũng đủ vui rồi, bà chấp nhận dù người ta có ra điều kiện gì đi nữa đều không đáng nói, đồng thời đề nghị Tiểu Dĩnh mang ngay chú ngựa bạch về cho đoàn.
Đúng như hẹn trước, Vương Tiểu Dĩnh dẫn về đoàn một chú ngựa bạch. Cả đoàn vừa nhìn thấy chú ngựa đều “mắt chữ A mồm chữ O” và hết sức ngạc nhiên. Chú ngựa này đúng là có màu trắng, nhưng than ôi sao mà ngựa gì lại vừa lùn vừa gầy giơ xương, đầu thì lúc nào cũng cúi gằm, cứ như thể không còn đủ sức để vươn được đầu lên khỏi mặt đất vậy. Thế này thì làm sao có được khí thế như của một con Bạch Long Mã. Dương Khiết băn khoăn hỏi chủ nhân chú ngựa nguyên nhân vì sao ngựa lại gầy đến vậy, hay là do bị bệnh. Người chủ của chú ngựa cho biết vì đường xá xa xôi, đi lại khó khăn nên đâm ra vậy.
Đạo diễn Dương thầm nghĩ, dù thế nào đi nữa cũng đã có ngựa để cưỡi là tốt rồi, hơn nữa lại là ngựa trắng. Như vậy coi như còn tốt hơn chán so với không có ngựa mà quay. Tưởng chừng công việc quay sẽ thuận lợi, ai dè mới chuẩn bị tiến hành quay liền nảy sinh vấn đề, Uông Việc (vai Đường Tăng) nhảy lên lưng ngựa nhưng hai chân đã chạm cả xuống đất. Hơn nữa, chú ngựa còm bước đi loạng choạng như muốn ngã nhào trước sức nặng của Đường Tăng (Uông Việt khi được giao đóng vai Đường Tăng còn được khuyên ăn uống bổ dưỡng cho tạng người phốp pháp hơn).
Nhiều cảnh trong Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, đoàn phim tránh không quay đến chú ngựa
Dương Khiết biết tình thế này mà tiếp tục cưỡi thì chắc chú ngựa tội nghiệp này sẽ ngã gục bất cứ lúc nào. Bà liền đổi kịch bản, yêu cầu Uông Việt xuống ngựa và dắt thay vì cưỡi. Việc này chẳng khác nào một anh chàng dắt xe xịt lốp mà không có bơm. Đó cũng là lý do trong tập Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, Đường Tăng không hề có một cảnh nào cỡi trên lưng ngựa. Trong quá trình quay, Dương Khiết chú ý không tập trung quay toàn cảnh, nếu không sẽ khiến người xem nhận ra ngay sự tương đồng giữa người và ngựa, thậm chí người còn to hơn cả ngựa.
Trong cảnh quay bốn thầy trò Đường Tăng vượt núi, đạo diễn Dương chuẩn bị tiến hành mọi công việc đâu ra đấy, chỉ việc quay trên núi Hoàng Thạch (Sư) Trại một lần là xong. Bốn thầy trò được hóa trang, vừa đi trên đường vừa quay cảnh luôn. Chuyên gia sương khói Lưu Lễ từ trên đỉnh núi tạo khói cho bay từ trên xuống, tạo hiệu ứng cho khung cảnh trở nên u tịch, ma quái. Những cảnh quay thực hiện trên núi diễn ra thuận lợi, rất ít cảnh phải quay đến ngựa. Khi quay có ngựa, thường để nhân vật Trư Bát Giới dắt ngựa, khi không lại để cho chủ ngựa đi cùng cố gắng kéo ngựa đi, giúp chú ngựa có thêm tinh thần thay vì ủ rũ mệt mỏi như mọi khi.
Ngộ Không ôm chú ngựa bạch còm nhom trước lúc từ biệt sau khi bị sư phụ đuổi
Trên đường xuống núi mới thật vất vả, bốn chân của chú ngựa đáng thương chắc vì quá mỏi nên cứ run bần bật. Đường xuống núi vừa gập ghềnh, trắc trở và khó đi khiến chú ngựa đi lại vô cùng khó khăn. Vì vậy, người trong đoàn phải đi phía sau kéo đuôi, chủ ngựa đi trước cầm dây cương, đi bên cạnh còn có thêm người trợ giúp phòng trường hợp chú ngựa còm quỵ bất cứ lúc nào.
Như vậy, dù cho bao vất vả, khó khăn, có cả những tình huống dở khóc dở cười, tập phim cũng đã hoàn thành. Lúc này trong đầu Dương Khiết đã nghĩ thầm, nhất định phải mua một con ngựa trắng về cho đoàn sử dụng.
Theo Khám Phá