Theo thông lệ thì vào cuối năm, các chuỗi siêu thị điện máy lớn như Thế giới di động, Viễn thông A, Trần Anh, Pico… đều đưa ra những chương trình giảm giá, khuyến mại hấp dẫn nhằm kích cầu người tiêu dùng.
Hai tuần trước kỳ nghỉ Tết, các cửa hàng điện thoại trên phố tại Hà Nội vẫn khá đắt hàng với chủ yếu là các sản phẩm điện thoại giá rẻ. “Các mặt hàng điện thoại di động thường xuyên hết hàng đột xuất, trong một ngày cửa hàng có thể bán được từ 100 - 200 điện thoại di động thuộc nhiều chủng loại khác nhau” - đại diện một cửa hàng của hệ thống cửa hàng Thế Giới Di Động cho biết.
Mặc dù vậy vào khoảng 4 ngày trước Tết, sức mua mặt hàng điện tử này của người dân đã có dấu hiệu “hụt hơi”. Lượng sản phẩm bán ra đã bắt đầu giảm hẳn, số người mua cũng thưa thớt dần. Điều này trái với quy luật của thị trường di dộng mọi năm, khi đó các cửa hàng đều “chật cứng” khách hàng.
Lý giải về dấu hiệu bất thường này, anh Trọng, trưởng bộ phận kinh doanh của một cửa hàng của Trần Anh chia sẻ với PV: “Nguyên nhân là do tình hình kinh tế khó khăn, người dân đã có tâm lý tiết kiệm hơn trước rất nhiều. Hàng tiêu dùng Tết họ còn cắt giảm và chỉ mua những thứ thiết yếu chứ huống chi là điện thoại di động.”
Sau Tết: Thị trường vẫn chưa “tỉnh ngủ”
Sức tiêu thụ mặt hàng điện thoại di động vẫn tiếp tục “ì ạch” cho đến thời điểm sau Tết do người tiêu dùng vẫn chưa "bắt nhịp" trở lại với thị trường. Thậm chí tình hình kinh doanh tại các siêu thị điện máy lớn có phần “ảm đạm” hơn rất nhiều.
Một nhân viên bán hàng tại cửa hàng của Viễn Thông A cho biết: “Tính đến ngày 2/2 đã là ngày thứ tư mọi người đi làm lại sau kì nghỉ Tết Nhâm Thìn nhưng mỗi ngày cửa hàng chỉ bán được khoảng 10 chiếc điện thoại di động, chủ yếu vẫn là những mặt hàng giá rẻ.”
Còn theo ông Đinh Anh Huân, giám đốc kinh doanh của hệ thống Thế Giới Di Động thì sản lượng tiêu thụ “dế” tại các cửa hàng trên toàn quốc tính đến thời điểm này đã giảm từ 10-20%. “Với tâm lý e dè, ai cũng dự đoán tình hình kinh tế sau tết sẽ khó khăn, mọi thứ chậm lại, công việc khó khăn nên người tiêu dùngthắt chặt chi tiêu dự phòng. Do đó nhu cầu mua cũng giảm đáng kể”.
Ngoài ra, theo khảo sát của phóng viên thì không chỉ các siêu thị lớn không “hút” khách hàng, sự sa sút của thị trường sản phẩm thiết bị di động cũng xuất hiện ngày càng nhiều tại các cửa hàng điện thoại nhỏ lẻ trên các con phố tại Hà Nội.
“Dạo này hàng hóa ế ẩm, hầu như chẳng có khách đến xem hàng. May ra một ngày bán được 2 cái điện thoại loại bình dân” - Chị Thanh, chủ một cửa hàng điện thoại trên phố Mai Hắc Đế buồn bã nói.
Còn theo anh Thắng, chủ cửa hàng điện thoại số 119 Kim Mã thì thời gian gần đây hầu hết các cửa hàng chỉ bán được từ 1 - 3 chiếc điện thoại di động một ngày, cao điểm nhất cũng chỉ bán được nhiều nhất là 5 chiếc. Thậm chí có khá nhiều cửa hàng cả ngày không bán được sản phẩm nào.
Đi tìm lời giải cho bài toán khó này, ông Đinh Anh Huân, giám đốc kinh doanh của hệ thống Thế Giới Di Động cho biết việc kích cầu người tiêu dùng Việt Nam vào thời điểm này là khó có thể thực hiện được.
“Thị trường năm 2012 đã được đánh giá là khó khăn hầu như đối với tất cả các nhà đầu tư, không chỉ tại Việt Nam mà cả trên thế giới cũng vậy. Đó là những khó khăn về nguồn vốn, về nhu cầu tiêu dùng. Do đó mỗi hệ thống siêu thị điện máy, mỗi cửa hàng cần thực hiện đánh giá xác thực hơn nữa thông qua các phiếu đánh giá hiệu quả từ phía khách hàng. Song song với đó cũng cần phải tăng quy mô đầu tư, phát triển thêm các sản phẩm giá rẻ, tuy nhiên nên hạn chế mở các đại lý và các cửa hàng.”
Cũng theo ông Huân thì không chỉ đối với điện thoại di động mà thị trường các sản phẩm công nghệ khác như máy vi tính, laptop, máy ảnh số… hiện cũng khá trầm lắng sau thời điểm Tết Nhâm Thìn. Hiện người tiêu dùng lại đang bị thu hút bởi các nhiều hoạt động quen thuộc của tháng Giêng âm lịch như các buổi họp mặt, các cuộc hành hương...