Sẽ lập Tổng cục Quản lý, Giám sát tài chính doanh nghiệp

Thứ ba, 07/02/2012, 16:15
Bộ Tài chính vừa được giao xây dựng, trình Thủ tướng đề án thành lập Tổng cục Quản lý, Giám sát tài chính doanh nghiệp.

 

Sẽ lập Tổng cục Quản lý, Giám sát tài chính doanh nghiệp


Tổng cục này sẽ trực thuộc Bộ Tài chính, làm đầu mối chính giám sát, đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, kể cả các tập đoàn, tổng công ty, đồng thời tiếp tục nâng cao năng lực của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Bộ Tài chính cũng đang xây dựng nghị định về giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp Nhà nước, xác lập và khống chế các tỷ trọng tài chính nhằm đảm bảo an toàn tài chính cho các tập đoàn theo từng nhóm ngành, nghề, trong đó giới hạn cụ thể tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu.

Trong năm 2011, Bộ Tài chính đã xây dựng đề án khung tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước và đề án chi tiết đang được hoàn tất với bốn bước.

Bước một, phê duyệt và giao triển khai thực hiện phương án tái cơ cấu từng tập đoàn, tổng công ty.
Bước hai, xây dựng các phương án sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của các bộ, ngành, địa phương.

Bước ba sẽ là việc thực hiện lộ trình tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước theo các giai đoạn: từ năm 2012-2015 sẽ cơ cấu xong nợ, cổ phần hóa xong đối với những doanh nghiệp Nhà nước được duyệt, hoàn thiện thể chế quản lý, tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp. Năm 2015 sẽ hoàn thành việc thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty.

Bước bốn, từ năm 2015-2020 sẽ tiếp tục sắp xếp lại, cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành, địa phương.

Bộ Tài chính cũng phân loại doanh nghiệp Nhà nước thành bốn nhóm.

Nhóm 1 gồm các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động trong các ngành, lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, hệ thống cơ sở hạ tầng then chốt, các ngành độc quyền mà Nhà nước cần kiểm soát. Nhóm này sẽ được tái cấu trúc về chiến lược, mô hình tổ chức, quản trị nội bộ, tái cấu trúc tài chính, nhân sự để nâng cao hiệu quả.

Nhóm 2 gồm các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tuyệt đối, có quyền quyết định các vấn đề quan trọng (trên 75% vốn điều lệ), hoạt động trong các ngành, lĩnh vực sản xuất, cung cấp các sản phẩm dịch vụ công ích, bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc ở miền núi...

Nhóm 3 gồm các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trên 65% vốn điều lệ) gồm những công ty quy mô lớn, có đóng góp lớn cho ngân sách, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mũi nhọn, công nghệ cao và có vai trò đảm bảo các cân đối lớn cho nền kinh tế, bình ổn thị trường. Nhóm 2 và nhóm 3 sẽ được tái cấu trúc trước cổ phần hóa, cổ phần hóa, và tiếp tục tái cấu trúc sau cổ phần hóa.

Nhóm 4 gồm các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần hoạt động kinh doanh thuần túy. Các doanh nghiệp thuộc nhóm 4 sẽ được đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
 

Theo TBKTSG

Các tin cũ hơn