Kinh tế châu Á không "đen" như dự đoán

Thứ tư, 08/02/2012, 01:27
SaigonNews - Các nhà kinh tế đang bắt đầu giảm độ đen tối của những kịch bản dành cho nền kinh tế châu Á.



Tính ra trong tình hình nợ công Hy Lạp vẫn đang hỗn độn, nền kinh tế Mỹ có một vài phục hồi nhỏ thì châu Á là nguồn hy vọng mới cho kinh tế toàn cầu.

Không ai dám chắc sự tăng trưởng của châu Á sẽ cất cánh hoàn toàn nhưng chắc chắn rằng nền kinh tế sẽ không bị trì trệ như dự đoán cuối năm 2011 và lạm phát cũng sẽ không đáng ngại.

Vào ngày thứ ba, Goldman Sachs cho biết họ dự đoán sẽ không có cắt giảm lãi suất ở các nước như Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan hay Philippines, chủ yếu là do triển vọng kinh tế đang phục hồi ở thị trường lớn Hoa Kỳ.

Ngân hàng trung ương Úc đã giữ lãi suất ổn định vào ngày hôm qua do kỳ vọng đà tăng trưởng của nền kinh tế được duy trì, gây bất ngờ cho thị trường nội địa đang hồi hộp chờ đợi một đợt giảm lãi suất mới.

JP Morgan đã tăng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Đông Nam Á vào tuần trước và dự đoán tương tự cho nền kinh tế Nhật Bản do những động thái kích cầu kinh tế của chính phủ. Ngân hàng này cho biết dữ liệu kinh tế tháng 1 cho thấy có một sức sống mới trong nền kinh tế toàn cầu.

“Ở giai đoạn này không gì có thể chắc chắn, thế nhưng tăng trưởng đã quay trở lại dù có chút khiêm tốn. Có thể nói dự báo xu hướng của kinh tế thế giới nửa đầu năm sẽ là tăng trưởng tương đối.” nhà kinh tế Bruce Kasman viết trong báo cáo gửi đến các nhà đầu tư.

Chỉ một vài tháng trước đây, mối quan ngại về sức ảnh hưởng của châu Âu lên nền tài chính châu Á còn làm khu vực này “đổ mồ hôi” về một cuộc khủng hoảng tín dụng mới. Mối lo ngại khác là kinh tế Trung Quốc có thể vấp phải một cuộc khủng hoảng nhà đất và xuất khẩu trì trệ. Thế nhưng sự lo lắng đó đã tạm lắng xuống vào tháng 10.

GDP của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 8,6% vào năm 2012 theo Micheal Buchanan, nhà kinh tế của Goldman. Ông cũng cho biết bất kỳ sự trì trệ nào trong tháng 1 vừa qua của nền kinh tế cũng chỉ do việc ăn mừng năm mới âm lịch.

“Một khi bước qua tháng 2, tất cả những con số như tăng trưởng tín dụng, lạm phát hay những hoạt động sản xuất cũng sẽ tăng đáng kể.” ông Buchanan phát biểu trong Hội nghị tầm nhìn vĩ mô 2012 của Goldman ở Hongkong. Tín hiệu thị trường cũng đã tươi sáng trở lại khi chi phí bảo hiểm chống vỡ nợ của Trung Quốc giảm mạnh.

Thêm vào sự lạc quan từ Trung Quốc, việc phục hồi của nền kinh tế Mỹ cũng cho các nhà kinh tế một cái nhìn lạc quan hơn. Họ không còn chắc chắn về một đợt cắt giảm lãi suất mới của chính phủ khu vực châu Á.

Cắt giảm lãi suất là “đòn” phòng thủ của các nước khu vực này bù đắp cho sự ảnh hưởng xấu của nền kinh tế thế giới và tình hình thắt lưng buộc bụng của châu Âu. Thế nhưng hiện nay cả hai mối đe dọa đó đều đã suy giảm đáng kể.


Goldman không phải là ngân hàng duy nhất phải xem xét lại những dự báo của mình về một tương lai đen tối cho nền kinh tế châu Á. Các nhà kinh tế tại Nomura cũng đã từng dự đoán khả năng Trung Quốc sẽ phải “hạ cánh cứng” là 1/3, với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5% hoặc ít hơn trong suốt bốn quý. Thứ sáu vừa qua, Nomura cũng công bố khả năng này giờ đây sẽ khó xảy ra.

Các nhà kinh tế khác cũng cho biết do tốc độ tăng trưởng và lạm phát đang quay lại, các nước Đông Nam Á sẽ không phải cắt giảm lãi suất như dự đoán. Đó là chưa kể đến tình hình việc làm tại thị trường Mỹ - khách hàng lớn của khu vực này đang tăng trưởng tốt, kéo chỉ số S&P 500 lên 7%.

Châu Âu, nơi được xem là “tử huyệt” của nền kinh tế thế giới hiện nay, đã từng được dự báo sẽ gây ảnh hưởng lan rộng với nền kinh tế châu Á. Tuy nhiên nhiều nhà kinh tế cho rằng hiện nay mối đe dọa này không còn nghiêm trọng như từng được dự đoán năm ngoái.

“Tuần trước chúng tôi đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng cho nền kinh tế khu vực đồng euro.”, theo Huw Pill, từng là nhà nghiên cứu của ECB. Được như thế bởi vì cả thế giới đang cùng những con nợ châu Âu mong ngóng những gói cứu trợ hiệu quả từ hệ thống ngân hàng, Goldman Sachs cho biết.
 

KP (Theo Reuters)

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn