Động thái này liệu có kích cầu được người mua?
Đua nhau chiết khấu, giảm giá
Không chỉ tiến độ đóng tiền được chia thành nhiều đợt, chủ dự án Daewoo Cleve còn hợp tác với ngân hàng giúp người mua nhà được vay vốn thanh toán đợt 2 và đợt 4 với số tiền tương đương 25% giá trị căn hộ. Đáng chú ý, lãi suất cho vay cũng ưu đãi chỉ 12%, người mua trả lãi hàng tháng, còn tiền gốc đến quý 1.2014, đúng thời điểm bàn giao nhà mới phải thanh toán.
Tại dự án Sky Garden (Định Công) để thu hồi vốn nhanh, chủ đầu tư cũng đưa ra chính sách ưu đãi trong đợt góp vốn đầu tiên, nếu đóng 80% sẽ được chiết khấu 10% giá bán. Đặc biệt, người mua nhà còn được ngân hàng hỗ trợ tới 70% vốn trong suốt thời gian 3 năm.
Một số dự án chung cư "bình dân" khác cũng đua nhau tặng quà để "hút" người mua như: chung cư Tân Tây Đô được chiết khấu 2% hoặc voucher mua hàng trị giá 20 triệu đồng, dự án Green Park cũng được tặng gói nội thất giá 50 triệu đồng...
Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, việc giảm giá của các chủ dự án được cho là chiêu
thức thông minh để kích cầu. Ảnh: Nguyễn Lê
Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, chủ đầu tư buộc phải tự tìm kiếm khách hàng tiềm năng từ nhiều nguồn với nhiều phương pháp là điều tất nhiên. Theo giới chuyên gia trong ngành, BĐS đang dần hướng tới khách hàng nhiều hơn. Do đó, chủ đầu tư các dự án sẽ ngày càng phải có những chiến lược kinh doanh để cạnh tranh nhau trong thời điểm khó khăn này.
Điều đáng nói, chủ đầu tư phải hướng đến khách hàng mua dự án bây giờ chủ yếu là những người có nhu cầu thực nên hầu bao của những đối tượng khách hàng này không giống như những nhà đầu tư lướt sóng. Vì vậy, chủ đầu tư buộc phải có những chia sẻ nhất định với khách hàng như việc hợp tác với ngân hàng để vừa giúp người mua nhà có vốn thanh toán mà chủ đầu tư lại bán được hàng.
Có kích cầu được người mua? Theo ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Cty Tư vấn BĐS Navigat, chúng ta không nên quá bi quan khi thị trường ồ ạt chiết khấu, tặng quà, giảm giá căn hộ. Bởi theo ông, hạ giá là chiêu thức thông minh để kích cầu, nhất là trong bối cảnh thị trường BĐS ảm đạm, èo uột như hiện nay. Còn theo nhận định của ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, nếu khuyến mãi, chiết khấu ồ ạt chủ đầu tư có thể gặp rủi ro.
Tuy nhiên, khi thị trường đi xuống, chủ đầu tư buộc phải giảm bớt lợi nhuận kỳ vọng, thậm chí sau khi khuyến mãi giá bán có thể trở về đúng bằng suất đầu tư gốc cũng vẫn phải chấp nhận để bán được hàng.
"Trong trường hợp phát sinh lãi suất, trượt giá vật liệu xây dựng hay nhân công, cũng như các chi phí khác trong quá trình đầu tư thì dự án có thể lỗ", ông Mai cho hay. Vậy việc giảm giá, chiết khấu của các chủ đầu tư dự án có thể kích cầu, "hút" được người mua thì lại phải đợi kết quả trong thời gian tới.
Bởi lẽ, giá nhà ở Hà Nội dù đã giảm nhưng vẫn còn cao, chắc chắn sẽ lại tiếp tục giảm nên tâm lý chờ giá nhà giảm thấp hơn nữa đang còn tồn tại trong tâm trí của nhiều người có nhu cầu mua nhà thực. Điều quan trọng mà vị Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã chia sẻ với các doanh nghiệp BĐS gần đây, đó là doanh nghiệp phải tự cơ cấu lại sản phẩm của mình.
Nếu trước đây làm ra những sản phẩm phục vụ người có khả năng về kinh tế cao thì nay họ phải làm những sản phẩm có quy mô vừa và nhỏ để phù hợp với đa số đối tượng.