Bằng mắt thường có thể thấy được mặt đường tiếp giáp với mố cầu VD07 (Km 18+840) bị lượn sóng, nhấp nhô |
|
Bằng mắt thường có thể thấy được mặt đường tiếp giáp với mố cầu VD07 (Km 18+840) bị lượn sóng, nhấp nhô |
Theo kế hoạch của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), ngày 27.11 các nhà thầu sẽ sửa chữa các vị trí bị lún, hư hỏng mặt đường tại một số cầu, cống trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tuy nhiên, đến hết ngày hôm qua 28.11, việc thi công vẫn chưa thể triển khai do trời mưa.
Sau tình trạng đường 'ổ gà', cầu thấm dột, mới đây cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi lại phải bù sụt lún ở một số vị trí đầu cầu, cống. Điều gì đang xảy ra trên tuyến cao tốc 34.000 tỉ đồng?
Bằng mắt thường có thể thấy được mặt đường tiếp giáp với mố cầu VD07 (Km 18+840) bị lượn sóng, nhấp nhô |
Theo ghi nhận của PV , nhiều cầu cống trên tuyến cao tốc hơn 34.000 tỉ đồng (thuộc các gói thầu số 2, 3A, 3B - đưa vào khai thác tháng 8.2017) bị lún, các vị trí tiếp giáp giữa phần đường và mố cầu bị đứt gãy, nứt lớp nhựa đường. Một số vị trí vết nứt lớn và kéo dài, có thể dễ dàng đưa cả bàn tay vào được. Riêng mặt cầu Kỳ Lam (ở TX.Điện Bàn, Quảng Nam) có một số vị trí không bằng phẳng, bê tông nhựa có dấu hiệu bong tróc khiến việc lưu thông khó khăn.
Thông cáo báo chí mà VEC gửi đi chiều 26.11 nêu chi tiết về kế hoạch thi công bù lún đầu cầu, cống thuộc phạm vi các gói thầu số 2, 3A, 3B. Cụ thể, VEC thừa nhận trong quá trình vận hành khai thác, có 6 cầu gồm LRB05B (Km 12+644), VD02A (Km 13+170), OP03 (Km 13+615), Kỳ Lam, VD06 (Km 18+600) và VD07 (Km 18+840) bị sụt lún hầu hết ở vị trí mố A1. Để đảm bảo “giao thông êm thuận và an toàn”, VEC yêu cầu các nhà thầu lên kế hoạch để thảm bù lún thuộc trách nhiệm bảo hành của nhà thầu cũng như sửa chữa các khiếm khuyết công trình trước khi hết thời gian bảo hành.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban Quản lý đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cho rằng theo báo cáo của tư vấn cũng như biện pháp sửa chữa bù lún mà nhà thầu báo cáo và tư vấn chấp thuận, thì những vị trí bù lún không có vi phạm về chất lượng công trình. “Chỉ là sửa chữa thông thường để đảm bảo độ an toàn, êm thuận”, ông Thành nói. Trong khi đó, giải thích “cơ chế” sụt lún, một đại diện VEC cho biết đầu cầu nằm trên móng cứng móng sâu, trong khi nền đường móng mềm nên một số chỗ vẫn hay có sự lún lệch.
“Khó nói hiện tượng lún đầu cầu, cống do lún kỹ thuật hay do thi công không hoàn thiện. Trong thi công đường giao thông nói chung, các vị trí đầu cầu, cống cũng bị lún nhiều, nhất là khi thực hiện nền đắp cao. Vừa qua, VEC kiểm tra thấy một số vị trí không êm thuận nên yêu cầu đơn vị thi công “vuốt” lại, các vị trí này lún chưa nhiều nhưng yêu cầu đặt ra là phải êm nên cần sửa chữa”, đại diện VEC (đề nghị giấu tên) nói.
Bù lún xuất hiện rõ nơi đầu cầu VD07 |
Cần khoan để kiểm tra chất lượng
Trả lời PV ngày 28.11, ông Lê Quang Hào, Phó tổng giám đốc VEC, cho biết theo tiêu chuẩn về trục tim của nền đường thì cho phép nền đắp thông thường lún là 30 cm; đường đầu cầu, cống theo tiêu chuẩn lún 10 - 20 cm, trong quá trình khai thác vòng dự án là 15 năm. Sau 15 năm, đến giai đoạn đại tu thì sẽ làm lại nhiều hơn. "Hiện tại độ bù lún trên các cầu trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nằm ở độ khoảng 5 cm. Khi rà soát các gói thầu hết bảo hành, thì thấy chỗ nào cần sửa, chỉnh trang lại sẽ tiến hành sửa chữa để mặt đường êm thuận thôi. Việc bù lún tại các đầu cầu, cống không có gì bất thường và tất cả đều nằm ở mức độ cho phép", ông Hào khẳng định.
Khảo sát thực tế trên tuyến cao tốc, bằng mắt thường, PV nhận thấy mặt đường tiếp giáp với mố cầu VD07 (Km 18+840) bị lượn sóng, nhấp nhô rất rõ. Cầu Kỳ Lam (gói thầu 3A) cũng có độ bù lún khoảng 5cm, trong khi công trình này đã hết thời hạn 24 tháng bảo hành...
Vết nứt rộng ở mố cầu VD06 |
Nhựa đường trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuất hiện vết nứt
|
TS Trần Đình Quảng, nguyên Viện trưởng Viện KH-CN giao thông vận tải miền Trung, hội viên Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường VN, đề xuất phải khoan thí nghiệm mới biết chất lượng nhà thầu làm thế nào, hay đơn vị tư vấn thiết kế không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. “Tất cả phải có số liệu khảo sát, phải khoan lên lấy mẫu, kiểm tra chất lượng vật liệu đắp đúng không, từng lớp một thi công phù hợp không, lu lèn đảm bảo không. Chứ mới thấy hiện tượng thì không đánh giá được”, TS Quảng phân tích.
Trong khi đó, kiến trúc sư Hồ Duy Diệm (nguyên Trưởng ban Quy hoạch TP.Đà Nẵng) cho rằng những đoạn đường trên nền đất mềm bao giờ cũng có dự phòng bù lún. Khi đắp đường lên mố cầu, yêu cầu đặt ra là phải đầm sao cho nền đất cứng đi. Để đảm bảo, phải đổ một lớp đất cao 20 - 30cm rồi đầm kỹ thì sẽ hạn chế độ lún. Nếu lớp đất đắp vào không đầm nén kỹ, khi trời mưa ngấm vào khiến đất mềm rồi dễ dẫn đến sạt lở qua hai bên và lún xuống. "Vấn đề ở đây là bù lún nhiều hay ít đều do chất lượng công trình", ông Diệm nhận định.
Theo kế hoạch ban đầu, đoàn công tác của Quốc hội do Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu sẽ kiểm tra việc khắc phục các khiếm khuyết, tồn tại trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Thực tế hôm qua 28.11 đoàn đã tới hiện trường nhưng chỉ là chuyến đi “thị sát”.
Khắc phục xong vẫn thấm dột
Ông Trần Văn Vũ, Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây (H.Núi Thành, Quảng Nam), cho hay ngoài việc một số nhà dân nằm cách tuyến cao tốc hơn 50m bị nứt nhưng bị từ chối đền bù, các tuyến đường gom dân sinh còn nham nhở..., thì đất đá trên cao tốc sạt lở xuống cũng gây vùi lấp ruộng của người dân. “Hầm chui qua đường DH5 mà báo chí phản ánh về việc dùng công nghệ băng keo để chống thấm dột, dù đã có xử lý nhưng khi mưa xuống vẫn có hiện tượng thấm dột như thường”, ông Vũ nói.
Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, sau sự cố thấm dột tại vị trí cầu VD09B (Km 107+829), hầm chui dân sinh (Km 106+730) và hiện tượng sụt lún tại nút giao Dung Quất nhánh C1 (Km 101+740) thuộc gói thầu A3 tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chạy qua địa bàn H.Bình Sơn, nhà thầu đã và đang khắc phục.
Ông Phạm Tấn Lực (thôn Phú Lễ 2, xã Bình Trung, H.Bình Sơn) cho PV Thanh Niên biết hiện một số tuyến đường dân sinh vẫn chưa được nhà thầu hoàn thiện. Ông Lực chính là lão nông nhiều năm liền cất công điều tra, thu thập chứng cứ và cùng người dân địa phương gửi đơn tố cáo cách làm ăn gian dối của nhà thầu đến cơ quan hữu trách ở địa phương và T.Ư.
Ông Đoàn Hà Yên, Phó chủ tịch UBND H.Bình Sơn, cho hay chính quyền địa phương đã yêu cầu nhà thầu phải hoàn thành việc tu sửa các tuyến đường ngang và đường qua các cầu chui trên cao tốc trước ngày 10.11 nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người dân đi lại, nhưng đến nay vẫn còn tuyến ĐH1 và ĐH2 chưa làm xong.
|
Theo Thanh Niên