"Chúng tôi đã làm việc với phía Trung Quốc suốt 20-30 năm qua. Họ có lợi thế chuyên môn và cơ sở hạ tầng", Matt Fass, chủ tịch Maritime Products International, trả lời CNN.
Công ty của Fass kinh doanh cá được bắt tại Mỹ, nhưng ông đang phải lo lắng vì những lệnh áp thuế mà Tổng thống Donald Trump dùng để đe dọa Trung Quốc.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đồng thời là "nhà máy" hàng đầu trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản. Cá từ khắp nơi trên thế giới được làm sạch rồi đông lạnh, chuyển đến Trung Quốc để rút xương hoặc cắt thành fillet, trước khi xuất khẩu đến những nơi khác, bao gồm cả điểm xuất phát ban đầu.
Câu chuyện của cá hồi, cá tuyết và cá minh thái ở Alaska cũng diễn ra tương tự. Điều này đặt hải sản Alaska, dù cho xuất phát từ chính trên đất Mỹ, có khả năng rơi vào danh sách áp thuế của Tổng thống Trump. Để tránh kịch bản này, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ phải đặc cách cá Alaska khỏi danh sách áp thuế.
Một cầu cảng và nhà máy sơ chế hải sản tại hạt Seward, bang Alaska. Ảnh: Reuters. |
Công ty của Matt Fass có trụ sở ở Virginia và nhập khẩu khoảng 20% lượng hải sản kinh doanh từ Trung Quốc, tùy vào những giai đoạn khác nhau trong năm. Phần lớn cá được người Mỹ tiêu thụ đều được bắt hoặc chế biến ở nước ngoài.
Fass cùng nhiều nhà nhập khẩu nổi tiếng khác sẽ dự một phiên điều trần tại Washington tuần này, đề nghị chính phủ Tổng thống Trump đưa hải sản khỏi danh sách áp thuế nhắm vào Trung Quốc. Sức ép từ các doanh nghiệp này giúp mặt hàng được loại khỏi vòng áp thuế trước đó.
Không chỉ giới doanh nghiệp, các chính trị gia bang Alaska cũng lên tiếng quan ngại. Hai thượng nghị sĩ Lisa Murkowski và Dan Sullivan, cùng Hạ nghị sĩ Don Young đã yêu cầu gạch hải sản khỏi danh sách áp thuế.
"Đòn roi bất ngờ này sẽ tạo nên sự bất ổn rất lớn cho ngành hải sản trong những tháng tới. Các doanh nghiệp đang đàm phán giá bán và hợp đồng thì đột nhiên đứng trước nguy cơ hàng hóa bị áp thuế", các nghị sĩ đảng Cộng hòa gửi thư cho Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.
Giới chủ doanh nghiệp không biết được khi nào họ bắt đầu chịu tác động từ lệnh áp thuế. Tổng thống Trump tuần qua cho biết ông không có hạn chót để đưa ra lệnh thuế mới vì vẫn đang đàm phán với Bắc Kinh. Giờ đây Fass đang phải báo cho khách hàng của ông hai mức giá khác nhau, một mức giá thông thường và một cho kịch bản có áp thuế.
Một vài công ty nhập khẩu ngày 18/6 cho biết họ sẵn sàng tìm đối tác chế biến hải sản mới, đa dạng hóa nguồn cung khác Trung Quốc. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi có thể kéo dài nhiều năm, trong khi một số loại cá lại đòi hỏi mức độ lao động cao và vẫn phải chế biến ở Trung Quốc trong thời gian đầu.
"Chúng tôi đông lạnh cá hồi tại Alaska, chuyển chúng đến Seattle, đánh tàu sang Trung Quốc để chế biến lại và bán ngược về thị trường Mỹ. Chúng tôi có thể giảm sự tham gia toàn cầu và mọi thứ sẽ đơn giản, nhưng thực tế là chúng ta không thể cạnh tranh khi xét đến giá lao động", Robert Zuanich, một lãnh đạo công ty Silver Bay Seafoods ở Alaska, cho biết.
Phần lớn cá mà các gia đình Mỹ tiêu thụ được đánh bắt hoặc chế biến ở nước ngoài. (Ảnh: Reuters). |
Người tiêu dùng Mỹ sẽ nhanh chóng nhận ra ảnh hưởng của mức thuế nhập khẩu 25% khi so sánh với cá nhập từ những nơi khác. Geogre Souza, chủ tịch công ty Endeavor Seafood tại đảo Rhode, dự báo giá tăng sẽ khiến bán hàng sụt giảm nghiêm trọng.
"Tôi nghĩ đương nhiên giá sẽ tăng cao. Ngành này không có được chênh lệch (giữa chi phí sản xuất và doanh thu) đến 25%. Mỹ có rất nhiều mặt hàng thực phẩm khác nhau và mọi người có thể chọn không ăn cá nữa", Souza bi quan nhận định.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ sẽ gặp và lấy ý kiến từ 300 nhà nhập khẩu cá tại Washington tuần này trước khi phê duyệt danh sách chính thức cho lệnh áp thuế kế tiếp. Nhiều mặt hàng khác như giày và điện thoại thông minh cũng có thể rơi vào danh sách.
Nếu Tổng thống Trump vẫn cương quyết đưa ra lệnh áp thuế mới, Mỹ sẽ tăng thuế đối với gần như mọi mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo Zing