Ngay sau khi Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đã tổ chức tọa đàm giữa DN hội viên với Cục Thuế TP.HCM và Hội Tư vấn thuế Việt Nam để làm rõ những thắc mắc xung quanh việc triển khai HĐĐT.
Lợi ích có thật
Ai cũng biết, sử dụng HĐĐT giúp DN tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí: Giảm 70% quy trình phát hành và 90% tranh chấp liên quan đến hóa đơn, rút ngắn 99% thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn, tiết kiệm 80% chi phí cho mỗi hóa đơn... Đây là tổng kết đã được kiểm chứng sau hơn 8 năm thực hiện thí điểm HĐĐT theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó, sử dụng HĐĐT còn giúp DN giảm nhiều chi phí liên quan đến các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế. Với việc HĐĐT dần thay thế hóa đơn giấy trong mua bán hàng hóa, dịch vụ, quản lý của cơ quan thuế được thực hiện theo hướng hiện đại hóa trên nền tảng công nghệ thông tin để thu thập, tổng hợp, báo cáo dữ liệu. HĐĐT còn giúp ngành thuế xây dựng cơ sở dữ liệu, hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế, phân tích rủi ro của DN. Đối với cơ quan hải quan, HĐĐT tại các cửa khẩu có được thông tin đầy đủ về hàng hóa để việc hoàn thuế nhanh chóng, chính xác.
Hiện nay, khi kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN, cơ quan thuế phải đối chiếu hóa đơn (công việc bắt buộc), thông thường, để có được kết quả khoảng 10 ngày làm việc. Trong khi dùng HĐĐT thì thông tin hóa đơn của DN được truyền về cơ quan thuế một cách liên tục, chỉ cần tra cứu trên hệ thống, nhân viên thuế có ngay dữ liệu về doanh thu, chi phí hàng ngày của DN, kịp thời phát hiện ra những bất thường khi DN xuất hóa đơn.
Sử dụng HĐĐT cũng giúp cơ quan thuế kịp thời ngăn chặn hóa đơn của các DN bỏ trốn, mất tích, khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn, gian lận, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Lợi ích khác không hề nhỏ khi sử dụng đồng bộ HĐĐT là góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Vẫn còn nhiều nỗi lo
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Chu Tiến Dũng - Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi ủng hộ chủ trương sử dụng HĐĐT. Tuy nhiên theo luật định thì đến tháng 7/2022 mới bắt buộc phải sử dụng toàn bộ HĐĐT, sự không đồng bộ này sẽ dẫn đến tình trạng khi Nhà nước chưa thành lập trung tâm lưu trữ dữ liệu về HĐĐT quốc gia thì DN phải hoàn toàn chịu trách nhiệm lưu trữ, quản lý hóa đơn của chính mình.
Đây là vấn đề vô cùng khó khăn bởi lẽ, ngoài việc có chi phí lớn để tự bảo quản, lưu trữ dữ liệu, vẫn có thể gặp rủi ro, chẳng hạn, xảy ra trường hợp mất dữ liệu thì pháp luật sẽ bảo vệ người nộp thuế ra sao, giao dịch với khách hàng bằng cách nào. Rồi những tình huống khác như đường truyền Internet yếu, không truy cập được thì ai xác nhận việc này. Việt Nam có những đơn vị lớn mạnh về công nghệ như Misa, VNPT, Viettel, song họ chỉ là những tổ chức làm dịch vụ HĐĐT, không có chức năng quản lý nhà nước. Vậy khi mất dữ liệu hóa đơn của DN, Nhà nước có chịu trách nhiệm hay không? Nếu nhà cung cấp dịch vụ chỉ có Data Center để lưu dữ liệu thì khác gì chúng tôi tự lưu giữ ở DN”.
Cho nên, vấn đề DN và người nộp thuế quan tâm chính là việc Nhà nước phải sớm xây dựng trung tâm lưu trữ dữ liệu quốc gia về HĐĐT để bảo vệ DN. Hiện nay cũng chỉ hạn chế cho một số đơn vị được cung cấp dịch vụ HĐĐT, như vậy sẽ làm mất cơ hội và tạo sự bất bình đẳng trong kinh doanh với những DN cùng ngành công nghệ số khác, mà việc đảm bảo an toàn cho DN chưa chắc đã tối ưu.
Giải đáp khúc mắc này, ông Lê Duy Minh - Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM chia sẻ: “Khi kê khai nộp thuế điện tử, chúng tôi ý thức được những rủi ro có thể xảy ra. Tuy nhiên, từ khi thực hiện kê khai và nộp thuế điện tử năm 2013 cho đến nay, việc nộp thuế điện tử vẫn rất trơn tru. Tất nhiên, vấn đề HĐĐT không thể nói là đơn giản nhưng cũng không nên quá lo lắng. Ở nước ngoài, hóa đơn (invoice) được quan niệm rất nhẹ nhàng, chỉ là xác nhận ngày hôm nay có giao dịch thương mại. Đi kèm với invoice là chứng từ thanh toán qua ngân hàng, có tính chất xác nhận giao dịch mua bán đã hình thành. Tổng cục Thuế sẽ cố gắng duy trì được dữ liệu về invoice để thực hiện đối chiếu, tránh DN mua bán hóa đơn bất hợp pháp, còn lại dữ liệu cụ thể invoice thì vẫn phải lưu trữ ở máy của DN. Tổng cục Thuế cũng muốn có hệ thống quản lý tập trung, nhưng chi phí lớn quá”.
Để có đủ điều kiện sử dụng HĐĐT, bắt buộc DN phải đầu tư máy móc, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ số đảm bảo vận hành an toàn, ổn định và phải có nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn để sử dụng. Đó là chưa kể sự cố kỹ thuật như lỗi hệ thống, đường truyền, cúp điện, sóng Internet yếu dẫn đến việc xuất hóa đơn chậm trễ ảnh hưởng tới công việc kinh doanh, điều hành.
Một số DN đặc thù như kinh doanh nhà hàng, khách sạn tỏ ra lo ngại với HĐĐT. Giám đốc một khách sạn tại TP.HCM chia sẻ: Quy định tất cả hàng hóa mà khách hàng dùng thì DN phải liệt kê hết trên HĐĐT. Như vậy, HĐĐT với danh mục dài quá một trang giấy A4 có được làm bảng kê hay không? Ông Lê Duy Minh giải thích: Theo quy định, hóa đơn giấy yêu cầu tất cả hàng hóa, dịch vụ phải thể hiện trên hóa đơn, nếu danh mục hàng hóa dịch vụ quá nhiều thì có bảng kê đính kèm. Khi chuyển qua HĐĐT, bản chất của nó là một tập tin dữ liệu chứ không có khái niệm trang của hóa đơn, vì vậy phải thể hiện đủ các loại dịch vụ, hàng hóa đó.
Một vấn đề nảy sinh đối với ngành kinh doanh vận chuyển: Khi lưu thông hàng hóa phải có hóa đơn để trình khi bị kiểm tra trên đường thì HĐĐT làm sao có để trình? Ông Minh khẳng định: HĐĐT vẫn có thể chuyển qua hóa đơn giấy, chỉ in ra và có xác nhận của DN là đủ.
HĐĐT không đơn thuần là một giải pháp công nghệ của DN hay cơ quan quản lý thuế mà đòi hỏi sự đồng bộ về mặt quản lý nhà nước, hạ tầng kỹ thuật và cơ chế vận hành hoàn thiện. Có như vậy quyền, nghĩa vụ của DN và người nộp thuế mới được đảm bảo công bằng, minh bạch, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.
Theo DNSG