|
Với sức ảnh hưởng lớn, sở hữu kết nối rộng khắp không biên giới với hàng tỉ người trên khắp thế giới, sự ra đời đồng tiền số libra của Facebook sẽ mang lại nhiều lợi ích về mặt thanh toán tiện lợi. Tuy nhiên, nó cũng đặt các quốc gia vào nguy cơ mất chủ quyền tiền tệ.
Facebook tạo ra cơn địa chấn
Facebook, mạng xã hội lớn nhất hành tinh, vừa ra mắt tiền điện tử libra, dự kiến giao dịch chính thức từ đầu năm 2020. Theo Bloomberg, Facebook kỳ vọng đồng tiền libra do công ty phát triển sẽ được giao dịch trên quy mô toàn cầu giống như đồng USD.
Theo giới phân tích, libra có thể tạo nên cơn địa chấn trong ngành tài chính toàn cầu, có khả năng thay đổi cục diện thị trường tài chính và là đối thủ đáng gờm của các tổ chức tài chính, ngân hàng. Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương đánh giá đồng tiền của Facebook có thể tạo ra một quyền lực khủng khiếp như cách mà gã khổng lồ này đang hoạt động với vai trò mạng xã hội, kết nối con người.
Cụ thể, theo ông Phương, bitcoin được xem là đồng tiền số có vốn hóa giá trị cao nhất thế giới nhưng vẫn chưa tạo ra nền tảng giao dịch thuận lợi và chủ yếu mang tính đầu cơ, lưu trữ giá trị là chính. Hơn nữa, muốn có đồng tiền bitcoin thì phải “đào”. Song với đồng tiền libra, Facebook đang tìm cách xây dựng một mạng thanh toán bằng cách tạo ra một hệ sinh thái trực tuyến mà người dùng có thể mua hàng (ví dụ như vàng, ô tô, quần áo, giày dép… - PV) và trả tiền cho nhau.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, giải thích thêm: Cơ chế hoạt động của đồng tiền libra mang tính linh hoạt rất cao và rộng khắp thế giới. Chẳng hạn, theo một cách thông thường, muốn chuyển ngoại tệ sang cho con du học ở nước ngoài, hiện nay phụ huynh phải ra ngân hàng lấy tiền đồng để mua USD, sau đó chuyển số tiền này vào tài khoản của con ở nước ngoài. Tuy vậy, cũng không dễ mua ngoại tệ và còn mất tiền phí lẫn chênh lệch tỉ giá mua và bán.
Ngược lại, với đồng tiền libra của Facebook, người dùng Việt Nam chỉ cần lấy tiền đồng mua libra, sau đó chuyển đổi đồng libra chỉ bằng cú pháp tin nhắn cho người thân ở nước ngoài. Người thân ở nước ngoài sau khi nhận được sẽ đổi libra ra đồng tiền bản tệ ở nước đó, ví dụ như đổi ra USD và sử dụng.
Mặt khác, theo TS Hiếu, đồng tiền libra của Facebook còn được đảm bảo bằng tài sản và nhận được sự hậu thuẫn bởi những tập đoàn tên tuổi hàng đầu trên thế giới. Trong đó có những gã khổng lồ về công nghệ và thanh toán như Mastercard, PayPal, Uber, Visa hay Spotify Technology… nên nó có giá trị và niềm tin. Đây mới là điều quan trọng và tạo ra sự chấn động cho thị trường tài chính hiện tại.
“Thực tế cho thấy rất nhiều người chưa tin tưởng bitcoin vì thấy đồng tiền này đào bằng thuật toán, sự tồn tại cũng không chắc chắn. Nhưng giờ có đồng tiền libra được đảm bảo bằng tài sản, tức là có cơ sở vững chắc và có thể hàng tỉ người sử dụng đồng tiền đó” - ông Hiếu nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng với đặc tính hữu dụng không thua kém tiền thật và nếu xây dựng được niềm tin về giá trị đồng tiền thì tính phổ biến của đồng tiền libra sẽ không thua kém các đồng tiền lớn trên thế giới.
|
Mark Zuckerberg, ông chủ gã khổng lồ công nghệ Facebook, có kế hoạch đưa đồng tiền điện tử libra vào sử dụng trong nửa đầu năm 2020. |
Đừng để nước đến chân mới nhảy
Ban lãnh đạo Facebook nhấn mạnh: Không tạo ra một đồng tiền thanh toán thay thế các ngân hàng trung ương của các quốc gia mà chỉ nhằm mục đích đem đến giao dịch thuận tiện hơn. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đánh giá: Nếu nhìn vào các đồng tiền lớn trên thế giới như USD, nhân dân tệ, yen hay euro thì hệ thống tiền tệ do Facebook sáng tạo ra vô cùng mới. Đây là hệ thống tiền tệ mà thế giới chưa bao giờ tưởng tượng đến.
“Trong tương lai, khi libra chính thức áp dụng có khả năng sẽ là đồng tiền vượt qua tất cả biên giới và ranh giới về kiểm soát tiền tệ. Đây là điều nguy hiểm trên thế giới vì nó liên quan đến rửa tiền, tham nhũng và dễ dàng tài trợ cho các tổ chức khủng bố trên thế giới. Do đó, dưới góc nhìn của tôi, nó có thể sẽ xóa bỏ chủ quyền về tiền tệ của nhiều quốc gia vì không thể kiểm soát được đường đi giao dịch của nó” - TS Hiếu cảnh báo.
Cũng chính vì lý do này, theo Bloomberg, khi Facebook vừa thông báo ra mắt đồng tiền libra, lập tức các nhà lập pháp Mỹ và châu Âu đã yêu cầu áp dụng các quy định chặt chẽ hơn cho đồng tiền này. Ví dụ, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng không nên coi libra là sự thay thế cho các loại tiền tệ truyền thống. Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện Mỹ Maxine Waters cũng kêu gọi mạng xã hội lớn nhất hành tinh dừng dự án libra cho đến khi Quốc hội Mỹ và các nhà quản lý xem xét.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, hiện chưa thể hình dung giá trị thực của đồng tiền libra nếu so sánh với USD hay các đồng tiền khác. Tuy vậy, với đồng tiền mới này, chắc chắn Việt Nam sẽ rất bỡ ngỡ, do đó đòi hỏi cơ quan chức năng tại Việt Nam phải có đội ngũ nghiên cứu và đưa ra quyết sách trong trường hợp đồng tiền libra đi vào hoạt động đại trà, mang tính phổ biến.
“Đây là điều cần phải làm ngay. Đừng chờ đợi nước đến chân mới nhảy vì lúc đó đã muộn và khiến cho hệ thống tiền tệ quốc gia khó kiểm soát. Chúng ta đã có kinh nghiệm với đồng bitcoin khi đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có quy định hay luật nào để định nghĩa, quản lý đồng tiền số này mà chỉ mới cấm là phương tiện thanh toán. Trong khi đó, các hoạt động giao dịch, “đào”, kinh doanh bitcoin đang phổ biến trong xã hội” - ông Hiếu góp ý.
Tiền của Facebook gắn với tài sản thực Lãnh đạo Facebook kỳ vọng nhiều người trong số hơn hai tỉ người đang sử dụng dịch vụ của mình có thể sử dụng đồng libra để mua hàng hóa và chuyển tiền quốc tế. Khi chính thức hoạt động, đồng libra sẽ giúp người dùng dễ dàng gửi tiền cho bạn bè, gia đình và các doanh nghiệp thông qua các ứng dụng. Ông David Marcus, người điều hành Calibra, bộ phận mới được Facebook thành lập để quản lý libra, tuyên bố: “Sứ mệnh của libra là trở thành một đồng tiền đơn giản, toàn cầu và là nền tảng tài chính giúp ích cho hàng tỉ người trên thế giới”. Facebook khẳng định libra là một “đồng tiền ổn định” do có giá trị gắn với tài sản thực. Nói một cách dễ hiểu, đồng tiền kỹ thuật số này được tạo ra cũng giống như cách các ngân hàng trung ương trên thế giới phát hành tiền giấy... Trao đổi với báo chí về việc Facebook có kế hoạch phát hành tiền kỹ thuật số, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay đang tìm hiểu về tính năng, phạm vi phát hành… rồi mới có định hướng. Thời gian qua cơ quan này cũng đã nghiên cứu về các loại tiền kỹ thuật số, tiền ảo. “Các loại tiền kỹ thuật số, tiền ảo chưa được phép thanh toán ở Việt Nam” - vị này nhấn mạnh. |
Theo PLO