Hàng Trung Quốc đội lốt vì thiếu tiêu chí hàng Việt?

Thứ hai, 24/06/2019, 09:26
Sau Khaisilk, đến lượt thương hiệu điện tử Asanzo bị tố đánh tráo xuất xứ hàng Trung Quốc thành hàng Việt lừa người tiêu dùng.

Sản phẩm ti vi Asanzo với linh kiện nhập khẩu đến 70 - 80% vẫn được chủ doanh nghiệp cho là hàng xuất xứ Việt.

Sau khi thông tin về sản phẩm điện tử của Asanzo đã được “phù phép” từ 100% linh kiện của Trung Quốc, gỡ xuất xứ, dán mác xuất xứ Việt Nam để bán cho người tiêu dùng Việt được báo chí đưa tin ngày 21/6 vừa qua, ngay chiều cùng ngày, Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) thông báo đã rút danh hiệu HVNCLC của các sản phẩm mang thương hiệu Asanzo.
Trong thông cáo báo chí của hội ghi rõ: “Đây là một bằng chứng về một vấn nạn tai hại là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt, mà trong bối cảnh hiện nay càng dễ gây ra thiệt hại lớn cho Việt Nam vì có thể bị cho là tiếp tay cho cách làm ăn gian lận, man trá”. Hội DN HVNCLC cũng khẳng định mình là hội tư nhân không “tiêu tiền nhà nước và cả tiền DN để vinh danh DN”.

"Thông thường, người ta hiểu nôm na gọi là hàng của quốc gia đó như hàng Việt, hàng Mỹ, hàng Nhật hay hàng Trung Quốc thì tối thiểu ý tưởng sản phẩm, thiết kế sản phẩm và thương hiệu sản phẩm đó phải được dựng lên từ quốc gia đó".

Chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh

Lắp ráp từ hơn 70% linh kiện nhập vẫn là hàng "xuất xứ Việt" ?
Chiều qua 23/6, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Tập đoàn điện tử Asanzo, đã có buổi gặp gỡ trao đổi với một số báo chí ngay tại nhà máy của DN đặt tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (H.Bình Chánh, TP.HCM) về vấn đề này. Cho biết đang mua 3 bộ phận quan trọng trong chiếc ti vi là màn hình tấm panel LCD, màn hình LCD và bo mạch từ Trung Quốc, nhưng ông Tam vẫn khẳng định chiếc ti vi Asanzo là thương hiệu Việt và trực tiếp thực hiện các công đoạn lắp ráp ti vi ngay tại chuyền 1 nhà xưởng trong vòng 15 phút.
“Chúng tôi không chủ trương gỡ bỏ tem sườn có chữ “made in China” trên linh kiện bởi không cần thiết. Nó là phần bên trong, mà sau khi lắp, công nhân nhà máy phải ốp bên ngoài bảng nhựa sau lưng ti vi và dán tem bảo hành cho linh kiện tấm LCD đó. Công ty bảo hành cho người tiêu dùng chiếc ti vi 3 năm 6 tháng. Ngoài linh kiện nhập khẩu đến 70 - 80%, chúng tôi phải sử dụng một số linh kiện được cung cấp tại Việt Nam. Đặc biệt, giá trị cốt lõi của chiếc ti vi là hệ điều hành, phần mềm của ti vi và thiết kế mẫu mã phải được thực hiện bởi đội ngũ kỹ sư của công ty. Ti vi Asanzo chạy hệ điều hành Android mà Trung Quốc không sử dụng hệ điều hành này. Với những điều này, chúng tôi tự tin sản phẩm mang thương hiệu Asanzo ghi xuất xứ Việt Nam và công nghệ Nhật là có căn cứ, phù hợp thông lệ thị trường và không trái pháp luật Việt Nam”, ông Tam nói.
Trước thông tin bị rút danh hiệu HVNCLC, ông Tam cho biết hoàn toàn tôn trọng quyết định này, sẽ không sử dụng danh hiệu HVNCLC trong các hoạt động truyền thông. Tuy nhiên, ông Tam cũng cho biết chỉ có hàng điện gia dụng được gắn mác HVNCLC, chứ trên ti vi và máy lạnh, công ty chưa bao giờ gắn mác HVNCLC cả.
Người tiêu dùng cảm thấy bị lừa
Theo các chuyên gia, các sản phẩm mà linh kiện chủ yếu nhập khẩu thì chưa thể gọi là sản xuất tại Việt Nam mà mới chỉ dừng lại ở mức gia công lắp ráp. Muốn minh bạch rõ ràng, nhất thiết phải có bộ tiêu chí định nghĩa thế nào gọi là hàng Việt
Với hơn 70% linh kiện của chiếc ti vi được nhập từ nước ngoài mà Asanzo vẫn khẳng định mình là hàng Việt mà “không trái pháp luật” không chỉ gây bức xúc cho nhiều người mà còn cho thấy lỗ hổng trong việc định danh hàng Việt.
Chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng đến nay chưa có một bộ tiêu chí cho hàng Việt. “Thông thường, người ta hiểu nôm na gọi là hàng của quốc gia đó như hàng Việt, hàng Mỹ, hàng Nhật hay hàng Trung Quốc thì tối thiểu ý tưởng sản phẩm, thiết kế sản phẩm và thương hiệu sản phẩm đó phải được dựng lên từ quốc gia đó. Kiểu như sinh ra đứa con phải có hình hài, tâm hồn, tính cách. Còn lại sữa để nuôi con, áo quần cho con mặc… có thể sử dụng mua từ quốc gia khác. Thế nên định nghĩa là hàng gì phải bắt đầu từ 3 yếu tố nói trên”, chuyên gia Vũ Quốc Chinh nói và cho rằng thương hiệu chỉ là một phần trong câu chuyện hàng gắn mác xuất xứ quốc gia đó.
Cho rằng trong truyền thông của Asanzo còn lập lờ, dù sản phẩm của họ tương tự sản phẩm điện tử gia dụng của Kangaroo, Sunhouse… nhưng các sản phẩm này đều ghi xuất xứ Trung Quốc, ông Chinh nói rằng chính vì việc không có tiêu chí nên trong cách làm truyền thông của DN khiến người tiêu dùng thấy như bị lừa khi hay tin đây là hàng Trung Quốc.
“Nhiều DN ngày nay quá lạm dụng cụm từ hàng Việt. Nó xuất phát từ phong trào kêu gọi người Việt dùng hàng Việt, lẽ ra đòi hỏi hàng Việt vì người Việt. Điều này dẫn đến tình trạng lạm dụng tinh thần dân tộc của người tiêu dùng. Mà chính cách làm không rõ ràng của chúng ta đã dung dưỡng cho vấn nạn nói trên”, ông Chinh nêu quan điểm và khuyên DN Việt muốn làm hàng Việt cần có thái độ “bình tĩnh hơn” trong quá trình xây dựng và cẩn trọng hơn.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn