Để hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt là lừa dối

Thứ tư, 26/06/2019, 08:42
Trao đổi với PV về nghi vấn hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt của Tập đoàn điện tử Asanzo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói: “Nếu có lòng tự tôn dân tộc, đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, thì không thể gắn “Made in Vietnam” lên hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc. Vì họ thừa hiểu rằng, đó là lừa dối người tiêu dùng”.

Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam tại dây truyền lắp tivi.

Liên quan vấn đề hàng hóa “xuất xứ Việt Nam”, hay “Made in Vietnam”, ông Lộc cho rằng, nếu 100% nguyên liệu nước ngoài, nếu khâu cuối cùng lắp ráp bằng máy móc hiện đại...thì vẫn có thể gọi là “Made in Vietnam”. Hàng hóa có thể dùng “xuất xứ Việt Nam” khi một công đoạn lắp ráp cơ bản ở Việt Nam, còn chỉ dùng “dùng vài ốc vít” thì không được.

Theo ông Lộc, về quy tắc xuất xứ, tùy theo các hiệp định thương mại quy định về tỷ lệ nội địa hóa, như khu vực ASEAN, hay các nước trong CPTPP sẽ khác nhau. Đương nhiên, trong vấn đề trên, các cơ quan quản lý nhà nước chưa đưa ra được định nghĩa rõ ràng về  “Made in Vietnam”, mà chỉ là nói về “xuất xứ Việt Nam” (thường là công đoạn cuối cùng lắp ráp tại Việt Nam, chứ không nhất thiết là tất cả các linh kiện, phụ tùng được sản xuất ở Việt Nam).

Còn nếu doanh nghiệp nhập hàng nguyên chiếc về, chẳng hạn “Made in China”, rồi xé đi, hoặc dán “Made in Vietnam” đè lên là không được. Đó là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, lừa đảo người tiêu dùng. “Việc này đi ngược lại và là lực cản với chủ trương về người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, điều này phải lên án” - ông Lộc nói.

Theo Chủ tịch VCCI, để xảy ra vấn đề trên, đầu tiên là trách nhiệm của doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật và thiếu đạo đức kinh doanh.

“Nếu có lòng tự tôn dân tộc, đạo đức văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, thì không thể gắn “Made in Viet Nam” lên hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc được. Vì họ thừa hiểu rằng, đó là lừa dối người tiêu dùng” - ông Lộc phân tích.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, ở đây công tác quản lý nhà nước còn sơ hở, đặc biệt là vấn đề gian lận thương mại.

Về việc ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Asanzo, lên chương trình “Thương vụ bạc tỷ” - Shark Tank Việt Nam dành cho các dự án khởi nghiệp tiềm năng, nói về startup cho giới trẻ, ông Lộc cho rằng, hiện Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành kiểm tra và chưa đưa ra kết luận cuối cùng. Một doanh nghiệp liên quan gian lận thương mại rất đáng lên án. Những người đó không đủ tư cách để trở thành giảng viên, người thúc đẩy cho phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam.

“Tôi cho rằng, còn có những doanh nghiệp khác có hiện tượng như vậy. Vấn đề này cần xử lý nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng để răn đe, cảnh báo với các trường hợp khác” - ông Lộc nói.

Về việc Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) từng trao chứng nhận và cho phép (hiện đã rút) Tập đoàn Asanzo sử dụng nhãn hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, ông Lộc cho rằng, doanh nhân, hệ thống quản lý nhà nước làm việc hiệu quả, hết chức trách của mình thì không xảy ra vấn đề như vậy.

Ở đây, hiệp hội cũng trên cơ sở bình xét của người tiêu dùng nên việc lựa chọn của HVNCLC cũng dễ sai lầm. “Dù sao, việc tôn vinh những doanh nghiệp như vậy, có phần trách nhiệm của các hiệp hội. Nhưng tôi hoan nghênh, Hội Doanh nghiệp HVNCLC có quyết định kịp thời, tước bỏ ngay quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận HVNCLC của Asanzo” - ông Lộc nói. 

Ngày 20/7, có kết quả kiểm tra Asanzo và các doanh nghiệp tương tự

Ngày 25/6, Bộ Tài chính có thông báo số 485 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 Quốc gia) về việc kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh về Cty CP Điện tử Asanzo.

Theo đó, BCĐ 389 Quốc gia được yêu cầu khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5546 ngày 24/6. BCĐ 389 Quốc gia phải phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Tài chính giao Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với Tổng cục Thuế và các đơn vị liên quan rà soát việc thực hiện quản lý nhà nước đối với việc nhập khẩu các sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn mác xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam.

Tổng cục Thuế rà soát báo cáo về công tác quản lý thuế và các nội dung liên quan khác đối với Cty CP Điện tử Asanzo gửi Tổng cục Hải quan trước ngày 10/7/2019.

Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát nhằm phát hiện các trường hợp tương tự và đề xuất các biện pháp thanh kiểm tra, chống thất thu, nợ đọng thuế... Tổng cục Hải quan sẽ chủ trì tổng hợp chung, trình Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/7/2019.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn