|
Chủ tịch Phạm Văn Tam đang kiểm tra chất lượng sản phẩm |
Sáng 17/9, tại Hà Nội, Asanzo đã tổ chức buổi họp báo công bố được minh oan, kết thúc 89 ngày bão tố và công bố mở cửa nhà máy hoạt động trở lại bình thường. Buổi họp báo chỉ được cấp phép kéo dài 1 giờ (từ 10h-11h cùng ngày) thu hút sự quan tâm của nhiều phóng viên, nhà báo nhưng không có sự tham dự của đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.
Asanzo nói gì về 3 cáo buộc?
Về cáo buộc Asanzo giả xuất xứ, ông Hoàng cho rằng, Tổng Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia để báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh đối với Asanzo. Theo báo cáo này, Tổng cục Quản lý thị trường không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hoá, sau khi đã kiểm tra việc ghi nhãn hàng hoá của doanh nghiệp.
Ngoài ra, đại diện Asanzo cho biết, tổ công tác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kết luận rằng, đối với các “sản phẩm điện tử Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hoá “sản xuất tại Việt Nam”, hoặc “chế tạo tại Việt Nam”, “nước sản xuất Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật”.
Về cáo buộc sai phạm xuất nhập khẩu, ông Hoàng cho biết, Tổng cục Hải quan đã gửi công văn cho CTCP Tập đoàn Asanzo. Công văn này nêu rõ, “Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) đã tiến hành kiểm tra và có biên bản kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan số 774/KL-KTSTQ (C3) ngày 15/8/2019 gửi công ty”.
"Như vậy, kết luận của Cục Kiểm tra sau thông quan chính là kết luận kiểm tra của ngành hải quan đối với Asanzo và kết luận này cho thấy, Asanzo không sai phạm vể xuất nhập khẩu", vị luật sư này nói.
Về việc sử dụng slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”, Asanzo cho biết đã xin phép Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch TP.HCM và được đồng ý.
"Asanzo có hợp tác với Sharp Roxy - một công ty con tại HongKong của Tập đoàn Sharp (Nhật Bản). Ngày 12/9/2019, Sharp Roxy đã có văn bản tuyên bố rằng: “Theo yêu cầu của CTCP Tập đoàn Asanzo, chúng tôi, Sharp Roxy HongKong, tuyên bố và khẳng định rằng, chúng tôi đang có hợp đồng kinh doanh với Asanzo, bao gồm bán linh kiện điện tử, chuyển giao phần mềm, công nghệ và cách làm, cùng với các dịch vụ liên quan. Cho đến bây giờ, hợp đồng vẫn đang có hiệu lực”, ông Hoàng nói.
Sắp mở thêm 1 nhà máy, quy mô gấp 4 lần một nhà máy cũ
Tại cuộc họp báo, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Asanzo nói: “89 ngày vừa qua chúng tôi đã phải rất vất vả, rất chịu đựng để có một ngày chúng tôi sống lại”. Theo ông Tam, ông từng là người đi buôn, từng là người đi làm thuê ở Móng Cái (Quảng Ninh), ông đã có mong muốn, ấp ủ làm 1 chiếc tivi phục vụ đối tượng trên xuồng ghe, chạy bằng ắc-quy và chưa nghĩ đến việc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài mà làm phục vụ những đối tượng đã bị “bỏ quên”, hy vọng làm ra cái tivi tháng bán được vài trăm chiếc.
Ông Tam nói thêm, 4 năm trước, Asanzo ra đời, làm ra tivi phục vụ bà con miền Tây, cao nguyên, những vùng không có điện hoặc nguồn điện yếu, đội ngũ kỹ sư của Asanzo đã thiết kế ra chiếc tivi để phục vụ những bà con đó. “Chúng tôi trải qua 5 năm, có nhiều thứ chúng tôi cần cải tiến và làm lại mình”, ông Tam nói.
Kết thúc 1 tiếng họp báo, các phóng viên vẫn tiếp tục đặt câu hỏi cho ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Asanzo
|
“Đến ngày hôm nay, Asanzo được minh oan và công ty đã hoạt động lại bình thường. 20 năm xây dựng, nhưng chỉ trong 89 ngày vừa qua lại về lại vạch xuất phát. Những cũng trong thời gian đóng cửa nhà máy, như các bạn thấy, không có ngân hàng nào công bố Asanzo nợ”, ông Tam cho biết thêm.
Đồng thời, ông Tam cũng tuyên bố việc sắp mở thêm một nhà máy tại khu công nghiệp cao quận 9, TP.HCM.
Trả lời câu hỏi của BizLIVE, ông Tam cho biết, nhà máy thứ 5 dự kiến có công suất là 2 triệu - 2,5 triệu tivi/năm. Nhà máy này sẽ bằng 4 nhà máy đã có của Asanzo. Trong quá trình khủng hoảng, Asanzo vẫn xuất khẩu đi Nhật.
“Chúng tôi luôn luôn mạnh mẽ hơn, 5 năm tiếp theo phải là doanh nghiệp đa ngành, nhất là trong lĩnh vực điện tử, có nhánh công ty chuyên thiết kế phần mềm sản phẩm thông minh hơn. Nhà máy thứ 5 sản xuất bo mạch, sản xuất màn hình. Asanzo không bao giờ đứng lại, còn sức chúng tôi còn phấn đấu và vươn lên”, ông Tam khẳng định.
14 công ty “bỏ trốn”: “Họ tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước chúng tôi”
Tại cuộc họp báo, một vấn đề được báo chí quan tâm là thông tin về 14 công ty trong tổng số 58 công ty có hoạt động mua bán linh kiện, hàng hoá với Asanzo được Tổng cục Hải quan xác nhận đã “bỏ trốn”.
Đại diện pháp luật của Asanzo cho biết, Asanzo không có mối quan hệ sở hữu, mối quan hệ điều khiển ngoại trừ giao dịch hàng hoá trước đây. “Họ cũng không chỉ cung cấp hàng hoá cho Asanzo mà còn các doanh nghiệp khác, ngoài ra chúng tôi cũng khá băn khoăn khi nhận được thông cáo báo chí của Tổng cục Hải quan về vấn đề các công ty bỏ trốn”, luật sư Trần Đức Hoàng, tư vấn pháp luật của Tập đoàn Asanzo nói.
Cũng theo ông Hoàng: “Nếu công ty này được coi là “bỏ trốn” khi thay đổi địa chỉ , mong các phóng viên hiểu rằng đây không phải chuyện hiếm có ở Việt Nam. Ở Việt Nam, hàng vạn công ty hàng năm thay đổi địa chỉ mà không đăng ký thông báo tại Sở Kế hoạch đầu tư. Các công ty có vi phạm quy định pháp luật hay không, các công ty này tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước chúng tôi nếu hành vi này ảnh hưởng đến chúng tôi”.
Về công ty Sa Huỳnh, ông Hoàng nói: “Tôi đã gọi điện thoại cho bên pháp chế và mua bán kinh doanh, lục ngay hồ sơ đặt hàng, các hợp đồng mua bán xem mình đã từng mua bán, đặt hàng từ Công ty Sa Huỳnh không. Câu trả lời là không”.
Khi được hỏi về việc cơ quan chức năng còn chưa công bố kết luận cuối cùng thì Asanzo đã tổ chức họp báo và cho rằng được "minh oan", luật sư của Asanzo cho rằng: Đến thời điểm này, cơ quan nhà nước chưa ban hành kết luận gì về việc Asanzo sai phạm. Đồng thời, vị luật sư này khẳng định thêm, tất cả các thông tin Asanzo công bố là “đúng”.
Theo BizLive