Cuộc họp báo với nội dung "Asanzo được minh oan" diễn ra trong khoảng thời gian 1 giờ đồng hồ, sáng ngày 17/9 tại Hà Nội. Ông Phạm Văn Tam - CEO Asanzo cho hay, đây là khoảng thời gian tối đa được Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho phép đơn vị này tổ chức họp báo để công bố các kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng về nghi vấn gian lận xuất xứ của Asanzo trong thời gian qua.
Tại cuộc họp báo, Asanzo nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến các thông tin được đưa ra. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đã bị hạn chế và từ chối trả lời do khoảng thời gian eo hẹp.
Một trong những điều đáng chú ý tại họp báo, ngoài việc tuyên bố "Asanzo được minh oan" là việc ông Phạm Văn Tam công bố hoạt động nội địa của Asanzo chính thức trở lại sau thời gian đóng cửa.
Ông Phạm Văn Tam tại buổi họp báo 17/9. |
Ngày 30/8, sau 70 ngày vướng vào nghi án gian lận xuất xứ hàng hóa, Asanzo đã ra thông báo tạm ngừng hoạt động.
Trong thông cáo phát đi ngày 30/8, Công ty Asanzo cho biết trong 70 ngày chờ kết luận thanh tra về nghi án "bán hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam", mỗi ngày Asanzo mất 1 tỷ đồng do hệ thống bán hàng tê liệt, nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động. Khoản tiền này chưa gồm các chi phí phát sinh khác. Do đó, công ty phải "bất đắc dĩ thông báo tạm ngừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh", nhưng vẫn duy trì hoạt động bảo trì bảo hành để bảo đảm quyền lợi sau mua hàng của người tiêu dùng.
Cũng tại cuộc họp báo sáng 17/9, ông Phạm Văn Tam nêu con số thiệt hại tính đến nay ước khoảng 1.000 tỷ đồng, chưa kể những chi phí phát sinh khác chưa được thống kê.
Dù vậy, theo CEO Asanzo, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục đặt ra những mục tiêu hoạt động kinh doanh sắp tới, trong đó có việc vực dậy thương hiệu đã bị tổn thương và mất mát.
Theo ông Tam, hoạt động nội địa chính thức trở lại sau hơn 2 tuần tạm dừng, còn các hoạt động xuất khẩu của công ty vẫn được tiến hành bình thường trong thời gian vừa qua.
Nói về hành trình xây dựng thương hiệu Asanzo, ông Phạm Văn Tam cho hay, 4 năm trước, xuất phát điểm của Asanzo là làm ra chiếc TV chạy trên những nguồn điện 12v dành cho những người dân miền Tây sống trên ghe thuyền và chiếc TV chạy ổn định trên dải điện thế có thể tụt xuống 80-90v, thay vì trong khoảng 160-220v.
"Những người dân vùng sông nước chỉ có bình ắc quy hay những khu vực điện thế trồi sụt, các tập đoàn điện tử nước ngoài gần như bỏ quên họ. Trong những ngày lăn lộn với thị trường điện tử, tôi nhìn thấy khoảng trống đó và điền vào. Các tập đoàn lớn phục vụ khách hàng đô thị có nhiều tiền, đội ngũ kỹ sư của tôi thiết kế sản phẩm, thiết kế bo mạch điện tử để làm ra tiếc TV phục vụ những khách hàng nông thôn ít tiền bị bỏ quên. Đó là lý do, ngay trong tháng đầu tiên đưa TV ra thị trường, tôi bán được 1.000 chiếc. Và chỉ sau 4 năm, TV Asanzo đã cạnh tranh ngang ngửa các đập đoàn điện tử công nghệ toàn cầu, vượt qua cả Sharp, Toshiba, TCL... để vươn lên vị trí thứ 4, chiếm 16% thị phần ở thị trường Việt Nam. Đây là số liệu được khảo sát và công bố bởi các công ty nghiên cứu thị trường".
Trả lời câu hỏi về tính khách quan của cuộc họp báo, ông Tam nhấn mạnh, ông phải có trách nhiệm công bố các kết quả mà doanh nghiệp nhận được từ cơ quan chức năng. "Trong trường hợp họ chậm trễ, việc doanh nghiệp chủ động công bố thông tin về kết quả thanh tra, kiểm tra là một cách tự cứu lấy mình', ông Tam nói.
Theo VTC