Grab hay Go-Jek sẽ thắng trong cuộc đua “siêu ứng dụng” ở Đông Nam Á?

Thứ ba, 17/09/2019, 09:39
Grab không giấu tham vọng trở thành “siêu ứng dụng” thống trị thị trường Đông Nam Á, nhưng đối mặt với sự cạnh tranh dữ dội từ Go-Jek.

Tài xế Grab tại Jakarta, Idonesia. (Ảnh: Nikkei).

Kể từ khi ra đời tại một nhà kho ở ngoại ô Kuala Lumpur (Malaysia) hồi năm 2012, Grab đã mở rộng hoạt động tới 8 quốc gia khu vực Đông Nam Á. Hãng khẳng định có 2,8 triệu tài xế và ứng dụng đã được tải tới 139 triệu thiết bị di động, xử lý hơn 6 triệu cuộc gọi xe mỗi ngày.

Theo Fortune, doanh thu năm 2018 của Grab vượt mức 1 tỷ USD và hãng kỳ vọng đạt gấp đôi con số này trong năm 2019. Tháng 3/2018, thị trường dịch vụ gọi xe Đông Nam Á thay đổi lớn khi Uber thông báo bán hoạt động Đông Nam Á cho Grab để đổi lấy 27,5% cổ phần trong công ty đối thủ.
Hai người sáng lập Grab là Anthony Tan, 37 tuổi, và Hooi Ling Tan, 35 tuổi, không giấu tham vọng biến Grab thành một “siêu ứng dụng” thu hút khách hàng ở nhiều lĩnh vực, từ giao đồ ăn, thanh toán online, dịch vụ tài chính, thậm chí cả dịch vụ y tế.
Với dân số 650 triệu người và GDP năm 2017 đạt 2.800 tỷ USD, Đông Nam Á là nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, khu vực sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030.
Tận dụng nguồn dữ liệu khách hàng khổng lồ
Nhưng với các nhà đầu tư, quy mô thị trường chỉ là một phần. Các “siêu ứng dụng” hứa hẹn một mô hình mới để kết nối với khách hàng và cơ hội để thu thập một lượng dữ liệu khổng lồ về sở thích và thói quen mua sắm của họ.
“Siêu ứng dụng” là mô hình được Alipay của Alibaba và WeChat của Tencent tiên phong phát triển. Theo Fortune, rất nhiều nhà đầu tư xác định dịch vụ “siêu ứng dụng” và kho dữ liệu này sẽ đem lại lợi nhuận lớn và ổn định hơn nhiều so với dịch vụ gọi xe.
Tại Đông Nam Á, mô hình “siêu ứng dụng” được đánh giá là đang phát triển nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Đó là lý do tại sao Grab huy động được tới 8,6 tỷ USD từ các đại gia như SoftBank và Toyota Group (Nhật Bản), Didi Chuxing (Trung Quốc) và Microsoft (Mỹ). Giờ giá trị thị trường của Grab được ước tính lên đến 14 tỷ USD.
Tuy nhiên Grab đang đối mặt với một đối thủ lớn tại Indonesia, thị trường lớn nhất Đông Nam Á. Grab đã di chuyển trụ sở đến Singapore, nhưng Fortune cho biết Anthony Tan dành tới 70% thời gian ở Indonesia. Các nhà phân tích cho rằng đây là thị trường quyết định thế “bá chủ” của khu vực.
Indonesia chiếm 40% GDP Đông Nam Á. Đặc biệt, 74% người dân nước này sử dụng dịch vụ thương mại điện tử, theo khảo sát của nền tảng quản lý mạng xã hội HootSuite.
Tại đây, Grab phải cạnh tranh với Go-Jek, dịch vụ gọi xe nhận đầu tư của Google và Tencent. Go-Jek có hơn 1 triệu tài xế và xử lý hơn 100 triệu giao dịch cho 25 triệu người dùng hàng tháng.
Gojek là đối thủ Grab muốn vượt mặt tại Indonesia. (Ảnh: Nikkei).
Go-Jek cũng được coi là một “siêu ứng dụng” với nhiều dịch vụ như Go-Mart (mua sắm hàng thực phẩm), Go-Clean (lau dọn nhà cửa), Go-Glam (làm tóc và trang điểm), Go-Massage (mát-xa). Go-Jek khẳng định ứng dụng của hãng đã được tải về 108 triệu thiết bị di động và gần 50% người sử dụng Go-Jek cũng dùng dịch vụ thanh toán Go-Pay.
Đối đầu quyết liệt
Người sáng lập Go-Jek Nadiem Makarim, 34 tuổi, cũng có tham vọng chinh phục thị trường khu vực và cho rằng Anthony Tan cùng Hooi Ling Tan đã sao chép mô hình kinh doanh của anh ta.
“Grab có ý đồ cướp cái tên siêu ứng dụng từ chúng tôi. Những năm đầu tiên họ sao chép mô hình của Uber, 3 năm tiếp theo chạy theo Go-Jek”, Fortune dẫn lời Makarim bày tỏ sự bức xúc.
Phản ứng lại, bộ đôi Tan của Grab tuyên bố: “Có một ý tưởng hay không đảm bảo thành công”.
Những màn đối đáp qua lại cho thấy cuộc đối đầu của Grab và Go-Jek không chỉ ở trên thị trường, mà còn là “trận chiến” giữa Makarim và bộ đôi Tan. Cả ba là bạn học ở Trường Kinh doanh Havard và từng là bạn bè.
Trước đây, Grab và Go-Jek là “nước sông không đụng nước giếng”. Nhưng hiện tại hai công ty đang đối đầu quyết liệt ở nhiều thành phố Đông Nam Á, đặc biệt ở dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn. Ở Indonesia, cả hai chọn màu xanh là màu đại diện của công ty.
Hiện tại, Grab có chút lợi thế so với Go-Jek. Hãng này hoạt động ở nhiều thị trường hơn Go-Jek và có giấy phép thực hiện dịch vụ thanh toán online ở sáu thị trường. Go-Jek chỉ có dịch vụ này ở Indonesia và Philippines.
Sau khi mua Uber, Grab sở hữu thị phần gọi xe lớn ở Singapore, Malaysia, Philippines và Việt Nam dù Go-Jek đều có mặt tại những thị trường này. Kể cả ở Indonesia, Grab nắm 62% thị phần gọi xe, theo ABI Research.
Anthony Tan cùng Hooi Ling Tan, hai người sáng lập Grab. (Ảnh: Fortune).

Dù vậy, Go-Jek vẫn là đối thủ khó nhằn đối với Grab. Theo Crunchbase, công ty này huy động được 3,1 tỷ USD và đạt giá trị vốn hóa 11 tỷ USD. Người sáng lập Makarim tự tin tuyên bố dịch vụ đa dạng của Go-Jek sẽ giúp hãng giành chiến thắng.

Trong khi dịch vụ gọi xe của cả hai hãng đều bị coi là lỗ, Makarim cho rằng Go-Jek đang tiến gần tới việc đạt lợi nhuận nhờ các dịch vụ phi giao thông khác. Cả hai công ty đều không công bố doanh thu ở từng mảng kinh doanh.
Các nhà đầu tư quốc tế đang cẩn trọng quan sát cuộc đua này. “Mọi người nghĩ rằng việc Grab huy động được rất nhiều tiền đầu tư trong thời gian ngắn cho thấy sức mạnh của hãng này. Nhưng Grab đang mở rộng quá nhanh, vượt ra khỏi khả năng của hãng”, Fortune dẫn lời giáo sư Jason Davis thuộc Trường Kinh doanh Insead ở Singapore.
Grab và Go-Jek làm “siêu ứng dụng” như thế nào?
Mô hình “siêu ứng dụng” đầu tiên là Alipay được Alibaba thành lập năm 2004 với nền tảng thương mại điện tử Taobao. Alipay dần trở thành hệ thống thanh toán di động hàng đầu tại Trung Quốc, một loại ví điện tử kết nối với các tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng, được sử dụng để trả hóa đơn, chuyển tiền cho bạn bè, đặt phòng khách sạn…
Tương tự là WeChat do Tencent tung ra năm 2011. Ban đầu đây chỉ là một ứng dụng nhắn tin và chia sẻ hình ảnh, nhưng Tencent đã đưa chức năng ví điện tử vào WeChat, cùng với đó là hàng loạt tính năng xã hội khác.
Với các hãng công nghệ Trung Quốc, “siêu ứng dụng” chính là mỏ vàng dữ liệu của hàng trăm triệu người dùng. Nhờ kho ứng dụng này, các công ty trên kiếm bộn tiền từ mối quan hệ với các doanh nghiệp và hãng quảng cáo cùng những sản phẩm riêng của chúng.
Sao chép mô hình của Alipay và WeChat nhưng Grab và Go-Jek đối mặt với một khó khăn riêng. Đó là sự hạn chế của hệ thống ngân hàng Đông Nam Á. Ở Trung Quốc, hơn 80% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Malaysia và Thái Lan có tỷ lệ tương tự.
Nhưng tại Indonesia, tỷ lệ này chỉ là 50%. Ở Philippines và Việt Nam, con số còn thấp hơn, dưới 35% (theo Fortune). Sự khác biệt đó xuất phát từ sự phát triển của nền kinh tế và hạ tầng các quốc gia.
Người sáng lập Go-Jek Nadiem Makarim. (Ảnh: Nikkei).
Làm thế nào để tạo ra một “siêu ứng dụng” cho hàng triệu khách hàng chưa bao giờ sở hữu thẻ tín dụng? Go-Jek và Grab dùng Internet và điện thoại thông minh để tạo ra một đội quân thu ngân di động.
Tài xế thu tiền mặt và chuyển thông tin vào ví điện tử của khách hàng. Hai ứng dụng này còn giúp khách hàng không có tài khoản ngân hàng mua hàng qua mạng, thanh toán các hóa đơn, mua bảo hiểm hoặc vay vốn.
Grab và Go-Jek cạnh tranh giành khách hàng ở nhiều lĩnh vực, từ giao đồ ăn cho đến dịch vụ y tế. Tuy nhiên cuộc đua dịch vụ tài chính mới tạo ra hàng loạt thỏa thuận hợp tác. Go-Jek dùng phương thức sáp nhập để đảm bảo quyền kiểm soát.
Ví dụ, ở Indonesia hãng tăng cường sức mạnh thanh toán bằng việc mua ba công ty dịch vụ tài chính vào năm 2018 và đưa chúng vào hệ thống Go-Pay. Trong khi đó, Grab chọn giải pháp lập đối tác và công ty liên doanh. Nhờ đó Grab tiếp cận nhiều thị trường nhanh hơn.
Hồi tháng 10/2018, Grab công bố thỏa thuận hợp tác với Mastercard để cung cấp thẻ trả trước cho khách hàng của hãng. Họ có thể sử dụng thẻ này để thanh toán với các cửa hàng chấp nhận thẻ Mastercard.
Grab cũng hợp tác với Credit Saison của Nhật để tạo ra Grab Financial Services, cung cấp vốn vay cho các khách hàng không có tài khoản ngân hàng. Grab kết hợp dữ liệu về hành vi của khách hàng và kinh nghiệm của Credit Saison để phân tích khả năng trả nợ của người vay vốn.
Những khó khăn trước mắt
Grab hứng một cú đòn nặng tại Indonesia hồi năm ngoái khi chính quyền nước này cấm các doanh nghiệp liên doanh có hơn 49% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ ví điện tử. Grab “đi vòng” qua quy định này bằng việc mua Kudo, một startup thanh toán Indonesia, và hợp tác với Ovo, hãng dịch vụ tài chính của Lippo Group, một tập đoàn Indonesia.
Cổ phần của Lippo trong các trung tâm mua sắm giúp hệ thống thanh toán di động của Ovo có lợi thế tại các nhà hàng và trung tâm thương mại. Người dùng Ovo cũng được đánh giá là thuộc tầng lớp có tiền, qua đó giúp Grab chạm tới đối tượng khách hàng cao cấp hơn.
Dù mở rộng ra nhiều lĩnh vực, Grab và Go-Jek vẫn đụng độ dữ dội ở mảng gọi xe, theo những cách bị giới phân tích cho là ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của hai hãng. Ở Singapore, việc Grab mua Uber gây làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng tài xế.
Họ cho rằng sự sáp nhập này ảnh hưởng đến đời sống của họ, trong khi khách hàng phản đối tình trạng giá Grab ngày càng cao trong khi chất lượng dịch vụ kém. Chính quyền Singapore cũng phạt Grab và Uber 9,5 triệu USD vì cho rằng thỏa thuận giữa đôi bên triệt tiêu cạnh tranh và đẩy giá dịch vụ lên 15%.
Grab và Go-Jek đều đối mặt với nhiều khó khăn khi mở rộng tại Đông Nam Á. (Ảnh: Nikkei).
Cơ quan quản lý Singapor yêu cầu Grab phải khôi phục chế độ giá như trước khi mua lại Uber. Động thái này mở ra cơ hội cho Go-Jek. Hãng này quyết đầu tư 500 triệu USD để mở rộng hoạt động tại Singapore và các thị trường khác.
Tuy nhiên, nỗ lực mở rộng và lập công ty con của Go-Jek cũng vấp phải sự phản đối ở nước ngoài. Tại Philippines, các cơ quan quản lý từ chối cung cấp giấy phép cho một dịch vụ của Go-Jek vì quy định hạn chế sở hữu nước ngoài.
Những thay đổi trên thị trường cũng tạo ra nhiều biến động khác. Hồi tháng 10/2018, hàng trăm tài xế Grab tập trung ở tòa nhà Lippo tại thủ đô Jakarta. Họ đòi cơ hội gửi đề xuất tăng lương tối thiểu tới ban lãnh đạo Grab. Trụ sở Indonesia của Grab nằm trong tòa nhà này.
Không được tiếp nhận, các tài xế bức xúc ném đá vào cửa sổ tòa nhà. Cảnh sát Jakarta phải giải tán đám đông bằng hơi cay. Fortune nhận định vụ bạo loạn đó cho thấy những biến động lớn của các thị trường mà Grab và Go-Jek cạnh tranh. Nhiều người dự đoán một trong hai hãng sẽ nuốt chửng kẻ còn lại thông qua một thỏa thuận.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng thị trường “siêu ứng dụng” ở Đông Nam Á sẽ là nơi các công ty có vốn mạnh cạnh tranh lâu dài. “Quan điểm trước đây là kẻ thắng sẽ ăn tất. Nhưng giờ không ai nghĩ như vậy. Cuộc đua vẫn còn rất nhiều vòng”, Fortune dẫn lời doanh nhân David Katz thuộc hãng KKK, một nhà đầu tư của Go-Jek, nhận định.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích