Kinh tế Việt Nam 2016-2019 và định hướng 2020

Thứ ba, 28/01/2020, 11:12
Tăng trưởng trên 7% năm 2019 là một tin vui đối với từng người dân Việt Nam, trong bối cảnh các tổ chức quốc tế đều cho rằng, nền kinh tế thế giới đang xuất hiện hiện tượng “bốn thấp”.

Cụ thể, đó là tăng trưởng thấp, thương mại- đầu tư thấp, lãi suất thấp và lạm phát thấp. Điều này có thể dẫn đến trì trệ kéo dài và sẽ chuyển sang suy thoái.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chững lại, tiến trình phục hồi về thương mại, sản xuất, đầu tư đang mất đà. Thuế quan gia tăng và tình trạng bấp bênh kéo dài do chính sách thương mại gây ra đã làm suy yếu hoạt động đầu tư và nhu cầu hàng hóa lâu bền. Lĩnh vực sản xuất tiếp tục trì trệ và thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm. Căng thẳng thương mại Mỹ- Trung Quốc diễn biến phức tạp, dòng vốn FDI phục hồi so với năm 2018, nhưng còn yếu, niềm tin đầu tư giảm.

Tổng quan kinh tế vĩ mô Việt Nam thời kỳ 2016- 2019

Ngày 12/04/2016, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 142/2016/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016- 2020. Nghị quyết đã đặt ra mục tiêu về kinh tế sau đây:

i. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm tăng 6,5 - 7%/năm.
ii. GDP bình quân đầu người đến năm 2020 khoảng 3.200- 3.500 USD.
iii. Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP năm 2020 khoảng 85%.
iv. Tổng vốn đầu tư xã hội bình quân 5 năm khoảng 32 – 34% GDP.
v. Bội chi ngân sách năm 2020 dưới 4% GDP.
vi. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 – 35%.
vii. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng 5%/năm.
viii. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 – 1,5%/năm.
Ngoài các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, các chỉ tiêu về xã hội và môi trường cũng được đặt ra.

Kết quả, về tăng trưởng GDP, mặc dù môi trường kinh tế toàn cầu trở nên thách thức hơn, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững nhờ sức cầu mạnh trong nước và nền sản xuất định hướng xuất khẩu.

Tăng trưởng Việt Nam so với các khu vực trên thế giới. Nguồn: World Economic Outlook, 10/2019, Tổng cục Thống kê và tổng hợp các dự báo.

Nền kinh tế không những đạt mức tăng trưởng cao, mà cơ cấu kinh tế còn tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Tỉ trọng trong GDP của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ mức 17%  của năm 2015  xuống 13,96% vào năm 2019, trong khi đó, tỉ trọng của khu vực dịch vụ tăng từ mức 39,73% của năm 2015 lên 41,17% vào năm 2018 và 41,64 % trong năm 2019; tỉ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng duy trì ổn định ở mức 33-34,5% từ năm 2015 đến năm 2019.

Tăng trưởng kinh tế dần chuyển dịch theo chiều sâu, tỉ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 46,11%, bình quân giai đoạn 2016- 2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,6% của giai đoạn 2011- 2015. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2019 ước đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4791 USD/lao động), tăng 6,2% so với năm trước theo giá so sánh.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực. Năm 2019, đầu tư phát triển tăng 10,2%, nâng tổng mức đầu tư lên mức 33,9% GDP so với 32,6% trong năm 2015. Trong đó, đầu tư khu vực nhà nước chiếm 31% tổng vốn và tăng trưởng 2,6% so với năm trước; mặc dù có tăng trưởng nhưng  tỉ trọng vốn đầu tư khu vực nhà nước tiếp tục xu hướng giảm từ mức 38% năm 2015 xuống 31% năm 2019.

Đầu tư khu vực nhà nước giảm về tỉ trọng trong thời gian qua được bù đắp còn nhiều hơn bởi đầu tư của khu vực tư nhân nhờ chính sách ưu đãi, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, đưa tốc độ tăng trưởng và tỉ trọng vốn đầu tư của khu vực này lần lượt lên mức 17,3%  và 46% vào năm 2019 so với mức 13% và 38,7% năm 2015. Đầu tư khu vực FDI vẫn duy trì mức tăng trưởng khá trong thời gian qua; năm 2019, tổng vốn FDI đạt 38,02 tỉ USD, tăng 7,2% so với cùng kì; duy trì tỉ trọng ổn định ở mức 23,3 – 23,8% trong giai đoạn 2015 – 2019.

Về ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; thanh khoản của tổ chức tín dụng được đảm bảo và có dư thừa, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thông suốt.

Lạm phát được kiểm soát nhờ thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và tài khóa cũng như cơ chế phối hợp linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Chỉ số CPI bình quân năm giảm từ 4,74% năm 2016 xuống 3,54% năm 2018; năm 2019, giảm còn 2,79%.

Mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định và giảm dần, phù hợp với bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước.

Trong giai đoạn 2016- 2018, trong bối cảnh lãi suất quốc tế gia tăng (Fed 9 lần tăng lãi suất từ tháng 12/2015 đến tháng 12/2018, từ mức gần 0% lên mức 2,25-2,5%), NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý.

Điểm khá đặc biệt trong cách thức điều hành tỉ giá của NHNN so với trước đây, đó là, đã sử dụng những công cụ mang tính thị trường hơn là các công cụ mang tính áp đặt hành chính. Điều này thể hiện quyết tâm theo đuổi cơ chế tỉ giá trung tâm linh hoạt và định hướng thị trường của ngành NH. Nhờ đó, tỉ giá được duy trì ổn định, thanh khoản thị trường được đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, dự trữ ngoại hối được tăng cường.

Thu NSNN trong giai đoạn 2016- 2019 đều vượt dự toán; chi NSNN chuyển biến tích cực, bội chi được kiểm soát tốt, nợ công nằm trong giới hạn an toàn cho phép. Bội chi NSNN so với GDP giảm mạnh từ mức 5,52% năm 2016 xuống 3,46% năm 2018 và dự toán bội chi năm 2016 là 3,6%; năm 2020 là 3,44%. Như vậy, bình quân cả giai đoạn 2016- 2020, bội chi NSNN khoảng 3,6 – 3,7%, hoàn thành mục tiêu Quốc hội đề ra ở mức 4% đến năm 2020.

Nhờ kiểm soát bội chi, các khoản vay bảo lãnh của Chính phủ nên tốc độ tăng của nợ công đã giảm hơn một nửa và tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa. Nếu như giai đoạn 2011 – 2015, tốc độ tăng nợ công là 18,1%/năm trong khi GDP danh nghĩa tăng 14,5%/năm thì giai đoạn 2016 – 2018, tốc độ tăng nợ công là 8,2%/năm trong khi GDP danh nghĩa tăng 9,7%/năm. Nhờ vậy, ước tính nợ công đến cuối năm 2020, chỉ còn 54,3% từ mức 64,3% năm 2016.

Vị thế kinh tế đối ngoại của Việt Nam được tăng cường trên cơ sở thặng dư cán cân vãng lai và dòng vốn FDI đổ vào mạnh mẽ.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt kỉ lục thặng dư 9,9 tỉ USD trong năm 2019, vượt đỉnh gần nhất là 9 tỉ USD vào năm 2017.

Triển vọng và định hướng năm 2020

Một số dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Tổ chức dự báo

2018

                  Dự báo

2019

2020

2024

IMF

7.1

6.5

6.5

6.5

WB

7.1

6.8

6.5

6.5

ADB

7.1

6.9

6.8

-

CIEM

7.1

7.2

-

-

Standard Chartered

7.1

6.9

6.9

Fitch Group

7.1

6.9

6.8

NCIF

7.1

7.1

7

7

CIEM

7.1

7.2

Nguồn: IMF, WB, ADB, NCIF, CIEM, Standard Chartered, Fitch Group

Đề xuất một số định hướng về giải pháp trong thời gian tới

Thứ nhất, tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực lực phó với những biến động khó lường của thị trường, nhất là thị trường thế giới; duy trì đà tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng trên cơ sở cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, ứng dụng những thành tựu của cách mang công nghiệp 4.0 vào phát triển kinh tế, chuyển đổi số nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

Thứ hai, chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỉ giá phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ khởi nghiệp; kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Thứ ba, tiếp tục củng cố và tái cấu trúc hệ thống tài chính, các TCTD để thực hiện huy động và phân bổ các nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội... Đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với thị trường tài chính, thị trường bảo hiểm, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống các thị trường tài chính. Quyết liệt thực hiện tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Tăng cường hiệu quả huy động nguồn lực, tiếp tục cải cách hệ thống chính sách thu đi đôi với cơ cấu lại NSNN. Nâng cao vai trò định hướng của nguồn lực tài chính nhà nước trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn với thu hút sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân.

Thứ tư, thúc đẩy phát triển các yếu tố tiền đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là về hạ tầng cơ sở, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ; phát triển nông nghiệp; nông thôn theo các mục tiêu, yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện có kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thứ năm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc tiếp tục đổi mới các công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước; nâng cao chất lượng công tác xây dựng chính sách, thực hiện phối hợp hiệu quả trong quản lý kinh tế vĩ mô; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng, linh hoạt. Tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, thúc đẩy cải cách hành chính.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế, nhất là thể chế kinh tế,  hướng tới thị trường, phục vụ thị trường bởi một nhà nước kiến tạo phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được diễn ra ngày càng sâu rộng và không thể đảo chiều.

Theo TTXVN

Các tin cũ hơn